TP.HCM xã hội hóa việc tổ chức SEA Games 31

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là đơn vị đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021, TP.HCM chịu trách nhiệm chính trong công tác tổ chức, bao gồm giao thông, an ninh, hậu cần, cơ sở vật chất, y tế, tình nguyện viên, vận động tài trợ, tổ chức lễ khai mạc, bế mạc...
TP.HCM xã hội hóa việc tổ chức SEA Games 31
Nhà thi đấu Phú Thọ sẽ được cải tạo và xây mới một số hạng mục bằng nguồn kinh phí xã hội hóa

Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước

TP.HCM nêu chủ trương rất rõ ràng là tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao đáp ứng các yêu cầu của đại hội; hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình thể thao; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia góp sức tổ chức SEA Games 31 thành công.

Theo đề án đăng cai SEA Games 31 của TP.HCM, Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (nơi sẽ đặt trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình phục vụ đại hội; tổ chức môn thể dục, billiards - snooker, lễ bế mạc) với diện tích hơn 7.000 m2, khởi công đầu năm 2018, hoàn thành cuối năm 2020. Thay vì bỏ vốn hơn 1.900 tỉ đồng, các sở, ngành có liên quan tham mưu giao cho nhà đầu tư 3 khu đất, dự kiến tại đường Trần Hưng Đạo, Phan Văn Đạt (đều ở Q.1) và 3 ha đất tại trường đua Phú Thọ để nhà đầu tư khai thác theo đúng quy định Pháp Luật.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc sẽ gồm công trình chính là sân vận động có mái che, sức chứa tối thiểu 50.000 chỗ, hệ thống sân tập bóng đá, điền kinh (sau SEA Games 31 sẽ trở thành trung tâm đào tạo hai môn thể thao này). Ngân sách TP sẽ không phải chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng hơn 6.900 tỉ đồng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật 1.200 tỉ đồng.

Có thể TP sẽ chấp nhận với đề nghị của nhà đầu tư là được thuê đất ngay tại Khu liên hợp Rạch Chiếc để khai thác một số loại hình dịch vụ phù hợp với quy hoạch và được giao các khu đất khác để hoàn vốn. Nhằm chủ động trong quá trình giải phóng mặt bằng và đảm bảo phù hợp khả năng, tiến độ huy động vốn, TP dự kiến tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn khu liên hợp thể dục thể thao thành tiểu dự án riêng và kêu gọi đầu tư theo từng hạng mục công trình.

Hiện tại, đã có ít nhất 3 nhà đầu tư muốn bỏ vốn xây mới cụm 5 sân quần vợt tại CLB Phú Thọ với số tiền 5,2 tỉ đồng và nâng cấp 5 công trình thể thao khác là 21 tỉ đồng. Trường đua Phú Thọ sẽ được xây dựng thành Trung tâm huấn luyện TP.HCM với các hạng mục: cung thể thao dưới nước, trường bắn cung, 2 khối nhà 6 - 7 tầng, diện tích khuôn viên 3,76 ha dành cho tập luyện và thi đấu các môn đấu kiếm, các môn võ.

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á khuyến khích các thành phố đăng cai bố trí địa điểm tổ chức thi đấu được tập trung, giúp các quốc gia tham dự hạn chế việc di chuyển. Vì vậy TP.HCM đã tận dụng điều kiện thiên nhiên và cơ sở vật chất của hai địa phương lân cận để tổ chức môn đua thuyền tại hồ Trị An (Đồng Nai); môn xe đạp đường trường tại quốc lộ của Đồng Nai, Bình Dương; môn xe đạp địa hình tại khu du lịch Đại Nam của Bình Dương. Kinh phí xây dựng, cải tạo sửa chữa do các địa phương chi và vận động xã hội hóa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật