Nhìn lại “bức tranh” kinh tế Việt Nam năm 2017

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ một trong những nền kinh tế phát triển kém nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình. Còn nhớ hơn 30 năm trước, người Hà Nội còn rất nghèo, nhưng đến nay theo số liệu của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có triển vọng nhất.
Nhìn lại “bức tranh” kinh tế Việt Nam năm 2017
Ảnh minh họa

Mới đây, trang mạng của tạp chí “La Tribune” và “Les Echos Investir” chuyên về kinh tế của Pháp ngày 28/12 đã ca ngợi Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua và trở thành một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất trong khu vực. Báo Pháp cho biết Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế rất cao, tới 6,81% trong năm 2017, vượt qua mức dự kiến là 6,7%.Để đạt được những thành quả trên, đó là nỗ lực không ngừng của cả một hệ thống chính trị, trong đó nỗ lực không ngừng của Chính phủ với phương châm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng dân là “liêm chính, kiến tạo, hành động”, trong đó cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực kiến tạo Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển (developmental government), nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ những năm 80 của thế kỉ trước, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.

Để kiến tạo phát triển, chính sách, thể chế đóng vai trò hết sức quan trong. Không có chính sách phân bố nguồn lực đúng đắn không thể tạo ra phát triển; không có những thể chế bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do kế ước… khó lòng tạo ra phát triển; Không có những thể chế thúc đẩy cạnh tranh khó có thể thúc đẩy phát triển; Không có một nền công vụ chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cung cấp được những dịch vụ công chất lượng cao cho dân khó mà tạo ra phát triển.

Phải nói rằng, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện nay Việt Nam có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và có quan hệ đầu tư với 114 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam đã ký kết hoặc đang tham gia đàm phán rất rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA), bao gồm các thỏa thuận FTA thế hệ mới với quy mô lớn và có các cam kết ở tầm cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam cũng đang thảo luận về bốn FTA khác gồm Hiệp hội Hợp tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông (Trung Quốc), và FTA với Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu và FTA với Israel.

Theo đó, những lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 là sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu trong đó một số mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng rất mạnh như sản phẩm Nike hay Samsung với mức tăng trưởng tới 21% so với năm 2016. Tiến trình cổ phần hóa và tư nhân hóa là một trong những yếu tố duy trì mức tăng trưởng cao của Việt nam trong những năm qua.

Dự kiến kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 tới đây sẽ thông qua Luật về khu hành chính kinh tế đặc biệt, hình thành tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Luật đặc khu này được kỳ vọng tạo điều kiện cởi mở tối đa, đảm bảo tính liên thông; cùng đó là các nghị quyết có tính chất đặc thù.. giúp cho nhà đầu tư chiến lược yên tâm và đảm bảo hàng rào pháp lý thông thoáng nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tươi sáng, đầy triển vọng cho năm mới 2018. Vẫn còn những điều đáng phải suy ngẫm. Khi năm 2017, cả nước phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn 2016.

 Về khía cạnh pháp lý kinh tế: Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông kê trong năm 2017, có 17.159 vụ xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế được phát hiện, xử lý, nhiều hơn 336 vụ so với 2016. Có 185 vụ về tham nhũng, chức vụ được khám phá. Hơn 3945 vụ buôn lậu được phá, tăng hơn 626 vụ, 604 vụ trốn thuế, hơn 19.397 vi phạm Pháp Luật về môi trường, tăng 1700 vụ.

Song song, kết thúc năm 2017, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại: Sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; Nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm; Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ chưa cải thiện được khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng, sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn là vấn đề cần quan tâm cho sự phát triển kinh tế trong tương lai..v..v.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam kết thúc một năm tuy có nỗi buồn và những trăn trở (nhất là các đại án kinh tế lớn), nhưng những thành tích mà chúng ta đạt được góp phần mang lại niềm tin, triển vọng về một sự bứt tốc mới. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin, kỳ vọng mỗi khi nói đến những “con rồng châu Á” mới, Việt Nam luôn có vị trí quan trọng trong Top 10.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật