TP.HCM: Khách tăng, tiền lại chảy ra… nước ngoài - nghịch lý du lịch

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lượng khách quốc tế đến TP.HCM tăng trên 20% so với năm trước và chiếm gần một nửa cả nước, thế nhưng các vị khách lại chi tiêu rất ít, với doanh thu chỉ tăng khoảng hơn 10%. Vậy đâu là nguyên do?
TP.HCM: Khách tăng, tiền lại chảy ra… nước ngoài - nghịch lý du lịch
Khách đến nhiều nhưng chi tiêu không bao nhiêu.

Đặt dịch vụ từ nước ngoài

Dự kiến, tính đến hết năm 2017, khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt khoảng 6,4 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016 (cả nước ước đạt khoảng 13 triệu lượt). Khách nội địa ước đạt gần 25 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu du lịch chỉ tăng gần 13% so với năm trước đó.

Vì sao số lượng khách tăng nhiều nhưng chi tiêu lại ít? Đó là bởi, đang có hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài hoặc thông qua các đại lý hoặc có văn phòng tại TP.HCM nhưng ngân sách Nhà nước lại không thu được đồng nào. Các đại lý, văn phòng này thực chất là chân rết của các công ty trên. Các đơn vị này chỉ hưởng hoa hồng (kiểu như Uber, Grab), còn lại các giao dịch khác, kể cả dòng tiền đều chảy về công ty mẹ ở nước ngoài.

Loại hình này tập trung nhiều nhất vẫn là cung ứng tour, đặt phòng, vé máy bay... Thậm chí, có những đơn vị hoạt động không cần “chân rết”. Hiện, dịch vụ đặt phòng Airbnb đang có trên 6.500 cơ sở tham gia, với giá cho thuê chỉ khoảng 30 – 35 USD/đêm. dịch vụ này hoạt động tương tự như Uber, Grab khi kết nối người có nhu cầu thuê và người cho thuê.

Loại hình này đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới ở TP.HCM. Chính vì thế, nhiều cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn từ 3 sao trở lên đứng ngồi không yên. Ngành du lịch cũng chỉ biết đứng nhìn doanh thu chảy vào túi người nước ngoài. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Hiện, TP đang có khoảng 2.200 cơ sở lưu trú với trên 50.000 phòng. Tuy nhiên, trong số này không hề có số lượng phòng đã và đang tham gia dịch vụ đặt phòng Airbnb”.

Hay như Agoda, Booking, Traveloka... đều là trang của nước ngoài nhưng lại rất phổ biến ở Việt Nam. Trước sự bành trướng của các trang đặt dịch vụ du lịch này, một số doanh nghiệp đã tố họ trốn thuế. Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp này nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đồng thuế nào được thu. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, doanh thu của các đơn vị này lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm tại thị trường Việt Nam.

Một tình trạng nhức nhối khác cũng đang tồn tại bấy lâu nay chính là doanh nghiệp hoạt động chui, công ty “ma” mọc lên nhan nhản. Hiện tại ghi nhận ở TP.HCM đang có hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động dịch vụ du lịch, trong đó phần nhiều là lữ hành quốc tế. Nhưng thực tế, ngành du lịch chỉ quản lý một phần rất nhỏ. Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp đăng ký đại lý, điểm bán vé cho doanh nghiệp khác cũng nhảy vào kinh doanh, tổ chức lữ hành quốc tế, dẫn tới Nhà nước thất thu.

Đìu hiu phố mua sắm

Dù vậy, nguồn thu bị mất nói trên vẫn chưa “chạnh lòng” bằng cảnh đìu hiu ở những nơi được cho là để tiêu tiền. Dạo quanh một vòng tuyến phố kinh doanh vàng bạc, đá trang sức ở đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục và Bùi Hữu Nghĩa (quận 5), PV không khỏi ngạc nhiên về sự vắng vẻ đến lạ thường. Dù vào thời điểm chiều nhưng có rất ít khách vào mua bán ở các cửa hàng, nếu có cũng chỉ là những khách, mối quen đến lấy hàng.

Tại đây, các cửa hàng trang sức nằm san sát nhau, thế nhưng trái ngược với sự hào nhoáng đó là sự vắng lặng, thưa thớt người mua. PV bước vào một cửa hàng chỉ có người bán đang rảnh tay để hỏi một số thông tin nhưng khi nhắc đến khách du lịch, chủ tiệm không muốn trả lời và chỉ đi nơi khác, vì “tiệm nhỏ”.

Bước sang cửa hàng bên cạnh, bà Trần Ngọc Tâm, quản lý cửa hàng Ngọc Tâm cho biết: “Chúng tôi kinh doanh ở con phố này từ những ngày đầu, đã mấy chục năm rồi. Đến giờ khách, bạn hàng chủ yếu là người quen, lâu lâu mới có khách mới. Còn khách du lịch ư, tôi chưa thấy người nào tới đây để du lịch và mua sắm cả. Dù đã lập phố vàng bạc, đá trang sức nhưng chắc là họ chưa biết nên chưa tới”.

TP.HCM đang là điểm trung chuyển lớn của khách du lịch.

Không chỉ phố vàng bạc, đá trang sức mà nhiều trung tâm thương mại, điểm mua sắm hạng sang tại TP.HCM cũng chung số phận đìu hiu khách, đặc biệt là khách quốc tế. Vào buổi tối, được cho là giờ vàng mua sắm thế nhưng tại các trung tâm này chủ yếu là nam thanh nữ tú... đi dạo.

Chị Ngân, nhân viên bán hàng thời trang của một thương hiệu lớn ở đường Lê Lợi (quận 1) cho biết: “Đa phần là khách đi tham quan, dạo phố rồi ghé qua, rất ít người mua sắm. Còn khách quốc tế cũng có nhưng ít lắm, chủ yếu người ta mua ở các chợ truyền thống, đặc biệt chợ Bến Thành”.

Quả thực, PV đến chợ Bến Thành (quận 1) thì thấy rất đông khách quốc tế đang mua sắm tại đây. Tuy vậy, hàng hóa chủ yếu là vải. “Họ tìm mua vải là chủ yếu, mức chi tiêu cũng ít chứ không nhiều”, anh Thắng, chủ sạp vải ở chợ Bến Thành . Một điểm đến được cho là điểm nhấn thu hút khách của TP.HCM là Cần Giờ với khoảng 1 triệu lượt khách, tăng trên 40% nhưng doanh thu chỉ tăng chưa đầy 1%. Bình quân, mỗi vị khách đến du lịch tại huyện này chỉ chi khoảng 400.000 đồng.

Ông Nguyễn Đức Hải, Tổng Giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM cho rằng: “TP.HCM đang là điểm trung chuyển lớn của khách du lịch (trừ một số dòng khách là doanh nhân, chính trị gia, chữa bệnh...). Họ đến TP.HCM có thể di chuyển ngay hoặc nghỉ lại một đêm để hôm sau đến Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc, Bình Thuận, khám phá miền Tây... Đến ngày về cũng vậy, họ có thể ngủ lại hoặc không nên vẫn tính là khách đến nhưng thực chất là không chi tiêu gì cả. Còn lưu trú 1 đêm thì các công ty nước ngoài đã đặt trước rồi, do vậy doanh thu ít là bình thường”.

Cũng nhìn nhận về thực trạng này, TS. Nguyễn Thành Công, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM phân tích, vấn đề đặt ra là TP phải có chiến lược để phát triển các sản phẩm dịch vụ để níu kéo khách ở lại lâu hơn. Khi đó, họ có thứ để trải nghiệm, khám phá, mua sắm... nhưng cần có sự khác biệt.

Ví như trong mua sắm, nếu chỉ tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới thì người ta đâu cần đến TP.HCM mà đến các nơi khác có chất lượng, giá, chính sách hậu mãi tốt hơn. Tại TP và Việt Nam nói chung nên quan tâm tới các sản phẩm có lợi thế và mang đặc trưng như vải, trang sức từ ngọc trai, cá sấu, sản phẩm nông nghiệp khác...  

“Từ đó định hình chiến lược marketing, xúc tiến thị trường quốc tế cho phù hợp, đặc biệt tập trung vào dòng khách cao cấp. Thay vì thu hút khách đến ồ ạt về số lượng, chi tiêu ít, nhưng lại khai thác cạn kiệt tài nguyên, phá nát cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường... thì nên thu hút dòng khách có chất lượng, chi tiêu cao hơn? Hiện nay, chúng ta đang chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng khách”, chuyên gia này khuyến nghị. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc sở Du lịch TP.HCM cho hay: “Đang có những kênh buôn bán khác, các trang mạng đặt phòng, vé máy bay, tour... của nước ngoài hoạt động tại TP nhưng không nằm trong sự quản lý của cơ quan chức năng. Điều này gây thất thu cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước và doanh thu của du lịch TP. Ngoài việc chấn chỉnh các hoạt động này, ngành du lịch cũng đang triển khai nhiều giải pháp để níu chân khách ở lại TP lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật