Vẻ đẹp Phù Tang

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhìn cô gái này một lần ta sẽ không quên.
Vẻ đẹp Phù Tang
Utamaro, kỹ nữ, khắc gỗ màu 1790.
Và cứ nghĩ đến phụ nữ Nhật thì lập tức hình ảnh của cô trở về trong tâm trí ta, mặc dù thực ra không ai có cái mắt hẹp thế, cái miệng nhỏ thế hay cái mũi khoằm thế.
Điều này giống như các cô gái trong tranh tượng đời Đường luôn được coi là “Trung Hoa nhất”; hay cô ngọc nữ chùa Dâu, bốn cô tố nữ Hàng Trống mà Hồ Xuân Hương khen rằng “Chị cũng xinh mà em cũng xinh” là “rất Việt Nam”. Trong một khoảnh khắc may mắn nào đó, người nghệ sĩ đã đạt tới sự điển hình hoá thần tình - Đến mức thành một icon (biểu tượng).
Kitigawa Utamaro (1753 - 1806) là người sáng lập trường phái hội hoạ mang tên ông. Người mẫu của Utamaro là kỹ nữ các xóm Bình Khang ăn chơi ở cố đô nước Nhật.
Đường nét của ông vô cùng thanh tú, mềm mại và giản dị. Một nét ôm cả khuôn mặt đầy đặn, đôi môi hàm tiếu, đôi mắt tình tứ, một nét lượn hé lộ da thịt thơm tho, những nét thẳng và bối rối thể hiện cánh tay ngọc ngà và bàn tay mềm mại.
Màu sắc tao nhã và giản dị một cách phi thường. Các hoa văn trang trí kiều diễm của bộ kimono hay mái tóc chải kỳ công đối xứng và hài hoà bất ngờ với hệ thống nét. Cách cắt cúp bố cục táo bạo làm các hoạ sĩ Paris cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 sửng sốt.
Họ bắt chước “tranh Nhật” hào hứng tới mức một nhà phê bình nghệ thuật Pháp khi vào một triển lãm Paris đã thốt lên: “Tôi thấy toàn Utamaro!” Bên cạnh ông, Hokushai và Hiroshige là những người được hâm mộ nhất. Van Gogh đã vẽ lại nhiều tranh của các hoạ sĩ Nhật, trong đó có bức Hoa diên vĩ nổi tiếng.
Trong các vẻ đẹp đặc trưng cho văn hoá Nhật Bản, có vẻ đẹp của tranh khắc gỗ màu. Đương thời tranh khắc gỗ in màu của các danh hoạ Nhật cũng chỉ là một thứ pop art - nghệ thuật bình dân - ở Nhật mà thôi. Chúng là những tranh rẻ tiền treo nhà cho vui mắt hoặc để quảng cáo.
Các tranh này đến với các hoạ sĩ Paris đang khao khát tìm cái mới với tư cách là giấy gói hàng hay món đồ lưu niệm rẻ bèo để rồi gây ra một cơn “sốt Nhật Bản” thực sự trong làng mỹ thuật của kinh đô ánh sáng.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các hoạ sĩ làm tranh khắc gỗ Nhật Bản như Utamaro là các đại trí thức của đất nước và rất được tôn sùng chứ không vô danh dân gian như ở ta hay chỉ là thợ cả, chủ tiệm tranh khắc như ở Trung Quốc.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật