Thoát khỏi chuỗi sụt giảm, tăng trưởng khá

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Suốt 4 năm qua (2013-2016), xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục sụt giảm sau khi thiết lập kỷ lục vào năm 2012, đạt khoảng 7,8-8 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thoát khỏi chuỗi sụt giảm, tăng trưởng khá, mang lại niềm vui cho nhiều người.
Thoát khỏi chuỗi sụt giảm, tăng trưởng khá
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin vui cho hạt gạo

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 11-2017 đạt 389 nghìn tấn, trị giá 192 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo từ đầu năm 2017 đến nay đạt 5,49 triệu tấn, tổng giá trị đạt 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đây không chỉ là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, mà còn của người nông dân. Diễn biến về thị trường và kim ngạch xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2017 đã gây bất ngờ, khi từ đầu năm không ít chuyên gia về kinh tế dự báo rằng đây sẽ là năm khó khăn của gạo Việt Nam với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

 Nông dân tỉnh Kiên Giang phơi lúa.

Điều đáng mừng là trong thời gian qua, xuất khẩu gạo không chỉ tăng về lượng, mà còn tăng về giá trị. Giá gạo xuất khẩu năm 2016 bình quân chỉ đạt 435,23 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2017 đạt 448,6 USD/tấn. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất chiếm tới 39,8% thị phần. Tổng lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam chỉ riêng 9 tháng năm 2017 đạt 2,03 triệu tấn, trị giá 909,04 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và tăng 33,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Do xuất khẩu tăng, giá lúa ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức cao, từ 5.300 đến 6.500 đồng/kg (tùy loại)...
Tiếp tục nâng tầm gạo Việt

Suốt 4 năm qua, xuất khẩu gạo sụt giảm liên tiếp buộc ngành nông nghiệp và người trồng lúa nhìn nhận đánh giá thực tế về tình hình sản xuất và chất lượng hạt gạo Việt, để từ đó có những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giúp hạt gạo Việt thoát cảnh bấp bênh; được mùa rớt giá, xuất nhiều thu ít, chỉ chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa coi trọng chất lượng, trong đó có vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Để nâng cao chất lượng hạt gạo, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ thực hiện chuyển đổi 500.000ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây khác. Động thái này không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây khác đem lại hiệu quả kinh tế hơn, giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần “giảm áp” cho xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng triển khai các biện pháp dài hơi, căn cơ, bài bản hơn cho lúa gạo, như: Giống, chất lượng lúa gạo, xây dựng quy chuẩn các loại gạo, lô gô gạo Việt, thương hiệu gạo Việt…

Theo Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ quyết tâm xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Về xu hướng thị trường trong thời gian tới, theo kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Đối với thị trường cao cấp, gạo thơm Việt sẽ khó cạnh tranh với các nước: Thái Lan, Pakistan, Campuchia. Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường trung cao, gạo thơm Việt Nam hiện có ít đối thủ cạnh tranh nên còn nhiều cơ hội để phát triển (gạo thơm phân khúc trung cao hiện có giá xuất khẩu là 600-650 USD/tấn).

Lý giải về nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo tăng trưởng trở lại sau hơn 4 năm sụt giảm, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 17-12, TS Lê Văn Bảnh, nguyên viện trưởng viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nguyên Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: "Những năm trước đây, Thái Lan tồn trữ lúa gạo lớn. Việc tồn trữ này của Thái Lan đã tác động không nhỏ tới thị trường xuất khẩu gạo của thế giới. Các nước nhập khẩu gạo xem xét, phân tích tình hình để quyết định thời điểm nhập khẩu gạo với giá tốt nhất. Gần đây, lượng gạo tồn kho của Thái Lan giảm mạnh sau các đợt đẩy mạnh bán ra thị trường. Nhờ đó, áp lực lên thị trường xuất khẩu giảm, gạo Việt Nam đã tiêu thụ tốt hơn..."

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật