Chi phí kinh doanh cao: Vẫn là rào cản cho doanh nghiệp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhằm giảm bớt gánh nặng liên quan đến thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh… thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm một số phí, lệ phí còn rất khiêm tốn, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách mà doanh nghiệp kỳ vọng.
Chi phí kinh doanh cao: Vẫn là rào cản cho doanh nghiệp
Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh trùng lặp, không khả thi…

Thủ tục hành chính vẫn là trở ngại của doanh nghiệp

Với hơn 55,5% các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương được đánh giá là Bộ đầu tiêu chủ động thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tiếp nối bước đi của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính cũng đề nghị sửa đổi để loại bỏ, cắt giảm chi phí tới 15 thông tư. Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 15 thông tư, số lượng phí, lệ phí được Bộ Tài Chính đề xuất bỏ là 1, đề xuất giảm là 44.

Không muốn “dậm chân tại chỗ” một số Bộ như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cũng bước vào “cuộc đua” đề xuất cắt giảm về mức phí, lệ phí. Trước làn sóng cắt giảm này, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên do VCCI tổ chức 12/12 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, các mức đề xuất giảm một số phí, lệ phí đang còn rất khiêm tốn, mặc dù mức đề xuất được đưa xuống thấp hơn mức phí hiện tại. Thế nhưng, mức giảm còn thấp và chưa đáp ứng được với kỳ vọng của doanh nghiệp. Bởi thực tế cho thấy, hiện các chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh và thực sự trở thành gánh nặng gây cản trở cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Số liệu đưa ra từ VCCI cho thấy, trong tháng 11/2017, số doanh nghiệp gặp khó trong quá trình kinh doanh, sản xuất bởi sự ảnh hưởng của thủ tục hành chính là không nhỏ. Theo đó, trong tháng 11 đã có 10.814 doanh nghiệp giải thể tăng 3,3% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 55.664 tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Cũng theo số liệu khảo sát đưa ra từ VCCI, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ chính là các thủ tục hành chính.

Trước số liệu thực tế trên đại diện VCCI cho rằng, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, trước hết tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều trường hợp phí cấp phép dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra để thực hiện việc thẩm định cấp phép (nhất là trong các hoạt động thẩm định) chủ yếu thực hiện thông qua việc xem, kiểm tra các giấy tờ, dữ liệu có sẵn, không có bao gồm việc kiểm tra thực địa hay giám định kỹ thuật trực tiếp.

Thay đổi tư duy, cách thức quản lý

Đề cập đến vấn đề cắt giảm phí, lệ phí kinh doanh các chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải đến thời điểm này vấn đề cắt giảm các điều kiện kinh doanh mới được đề cập. Trước đó, vào giai đoạn đầu năm 2000, ngành Giao thông vận tải đã đi tiên phong và thực hiện cắt giảm gần hết các điều kiện, giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó các điều kiện này lại được “khôi phục” gần như hoàn toàn, thậm chí “mọc” thêm nhiều điều kiện kinh doanh mới. Vì thế, sau cắt giảm phí, lệ phí, nhiều doanh nghiệp lo lắng và cho rằng, bao giờ sẽ xuất hiện thêm loại phí mới?.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, cũng như tránh tình trạng “mọc” thêm các điều kiện kinh doanh mới thì tư duy và cách thức quản lý là một trong những vấn đề cần thay đổi. Bởi lẽ, mỗi khi có một mô hình kinh doanh mới ra đời, nếu không quản lý tốt, tư duy tốt, chắc chắn sẽ “mọc lên các điều kiện kinh doanh mới.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, cũng như tránh tình trạng “mọc” thêm các điều kiện kinh doanh mới thì tư duy và cách thức quản lý là một trong những vấn đề cần thay đổi. Bởi lẽ, mỗi khi có một mô hình kinh doanh mới ra đời, nếu không quản lý tốt, tư duy tốt, chắc chắn sẽ “mọc’ lên các điều kiện kinh doanh mới.

Cũng theo ông Phú, thay vì đưa ra một hệ điều kiện, sau đó bắt người dân và doanh nghiệp thực hiện và chứng minh là họ đáp ứng được hệ điều kiện đó thì mới cấp giấy phép kinh doanh… thay vào đó, chúng ta nên quy định một loạt tiêu chuẩn cụ thể để thực hiện. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp, nếu không đáp ứng thì cần phải khắc phục, trường hợp vi phạm nặng hoăc không đáp ứng được thì tạm dừng hoạt động kinh doanh. Tư duy này sẽ giúp cho việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh được nhiều hơn và bền vững hơn.

Việc thay đổi tư duy quản lý, cách thức quản lý là việc làm cần thiết. Bởi lẽ, khi đó các điều kiện kinh doanh sẽ được quản lý khoa học và tránh được sự chồng chéo. Đồng thời, các mức đề xuất giảm phí, lệ phí sẽ phù hợp với nhu cầu thực tế và đến sát với mong muốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Và để làm được điều đó, trước mắt các bộ, ngành vẫn phải tiếp tục rà soát lại toàn bộ các thủ tục, hồ sơ chuyên ngành để loại bỏ các trường hợp trùng lặp, không khả thi, không liên qua và không cần thiết… để công tác cắt giảm phí, lệ phí thực sự đạt kết quả và doanh nghiệp được gỡ bỏ các rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như chính đề xuất của Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật