Cơ hội hàn gắn Trung-Hàn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng hàn gắn quan hệ trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay (14-12).
Cơ hội hàn gắn Trung-Hàn
Việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc khiến Trung Quốc tức giận. Ảnh: US

Ngày 13-12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông đến Trung Quốc, chuyến công du được giới quan sát đánh giá là nhằm xoa dịu những căng thẳng với gã khổng lồ Châu Á trong nhiều tháng qua.

Những căng thẳng liên quan đến tham vọng hạt nhân Triều Tiên và mối bất đồng về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ dường như sẽ chi phối chương trình nghị sự khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay (14-12).

Từ THAAD, đến Triều Tiên

Lầu Năm Góc đã lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc vào đầu năm nay, trong động thái mà cả Washington và Seoul đều khẳng định nhằm bảo vệ chống lại các mối đe dọa tên lửa hạt nhân từ Triều Tiên. Trung Quốc giận dữ trước động thái mà họ cho là “mối đe dọa an ninh” nhằm vào Bắc Kinh và kiên quyết đáp trả. Bắc Kinh nhắm vào nền kinh tế, đưa ra hàng loạt các biện pháp chống lại các doanh nghiệp Hàn Quốc và cấm tour du lịch nhóm đến nước này.

Tuy nhiên, hồi tháng trước, căng thẳng về THAAD có phần lắng dịu, một kết quả được cho là do những áp lực mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh. Không có bất kỳ chi tiết nào được công bố nhưng theo các nguồn tin, Bắc Kinh đã yêu cầu Seoul cam kết sẽ không triển khai thêm THAAD nữa và không tham gia bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Mỹ.

Đây được cho có thể là tin tốt lành đối với nền kinh tế Hàn Quốc và là bước đi quan trọng hướng tới việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, các đảng đối lập tại Hàn Quốc chỉ trích chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã “quá nhượng bộ” và kêu gọi nhà lãnh đạo này bảo vệ quyết định mang tính “chủ quyền” của Seoul liên quan đến việc triển khai THAAD trong cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Phe đối lập thậm chí cho rằng hai bên không cần thiết phải đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc gặp do những khác biệt liên quan đến vấn đề triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Thủ lĩnh đảng Bareun thiểu số Yoo Seong-min cũng kêu gọi Tổng thống Moon phản ứng cứng rắn nếu Trung Quốc có bất cứ động thái nào gây ảnh hưởng đến chủ quyền quân sự của Hàn Quốc.

Trên thực tế, cả Seoul và Bắc Kinh đều quyết định không ra tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh nói trên do những tranh cãi về việc triển khai THAAD – một trong những mâu thuẫn lớn nhất trong quan hệ Trung-Hàn – và cả vấn đề Triều Tiên.

Nhiệm vụ khó nhằn

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bắc Kinh với nhiệm vụ “bình thường hóa” quan hệ với Bắc Kinh, và chuyến thăm lần này cũng đánh dấu bước ngoặt hướng tới mối quan hệ “trưởng thành hơn” giữa hai nước.       

Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn. Thực tế, tranh cãi xung quanh vấn đề THAAD như “một sự kiện lịch sử” chưa từng xảy ra trong mối quan hệ song phương. Chính nó đã đẩy ông Moon vào một tình thế nan giải: Một mặt ông không muốn làm các đồng minh Mỹ tức giận nhưng mặt khác, ông muốn khôi phục mối quan hệ bình thường với Trung Quốc. Chuyên gia Andray Abrahamian nhấn mạnh: “Tại Washington, có nhiều ý kiến giải thích đây là sự yếu kém của ông Moon”.Theo ông Abrahamian, nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể sẽ mắc sai lầm khi muốn làm hài lòng hoàn toàn một trong 2 cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.

Với một chương trình nghị sự khó khăn như thế này, giới quan sát tiếp tục tỏ ra hoài nghi về khả năng hàn gắn thành công trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật