Tín dụng cản xuất khẩu

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu lãi suất tín dụng cao còn kéo dài, hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục khó cạnh tranh.
Tín dụng cản xuất khẩu
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành

Do vốn tự có ít, để có điều kiện hoạt động và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) thường phải vay thêm vốn. Mức vay thông thường chiếm từ 50% - 70%/tổng tài sản của đơn vị. Với lãi suất vay vốn cao, tín dụng đang trở thành lực cản, làm giảm khả năng cạnh tranh khi DN xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

Cao gấp 2,5 lần các nước

Tiền nợ của DN có  nhiều nguồn, trong đó vay từ ngân hàng chiếm phần lớn. Các DN làm hàng xuất khẩu như: may mặc, thủy sản, đồ gỗ, gạo... đều sử dụng lao động nhiều, giá trị gia tăng ít, khi sử dụng vốn vay nhiều thì hoạt động kém hiệu quả. Cùng một mặt hàng như nhau, xuất sang một thị trường như nhau thì hàng của DN nào bán giá rẻ hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF), cho biết: “Hàng đồ gỗ xuất khẩu của VN bán cùng chợ với các nước nhưng sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh hơn. Bởi DN nước nào cũng phải vay vốn tín dụng để làm ăn, nhưng ở các nước lãi suất vốn vay chỉ từ 5% - 6%/năm, trong khi các DN tại VN hiện đang phải vay với lãi suất từ 13% - 15%/năm, cao gấp 2,5 lần so với các nước khác. Ngoài ra, DN của VN còn phải chịu nhiều chi phí cao do các  thủ tục hành chính rườm rà, làm mất nhiều cơ hội; tiền thuê kho bãi, bến cảng cao; bốc xếp vận chuyển chậm”.

Đối với TTF, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu 692 tỉ đồng, để có thêm vốn đầu tư, kinh doanh, công ty còn sử dụng khoản nợ ngắn hạn lên đến 1.568 tỉ đồng, trong đó nợ tín dụng chiếm phần lớn. Do vay vốn nhiều nên hằng tháng TTF phải trả tiền lãi tín dụng nhiều hơn số lợi nhuận đơn vị thu được. Mặc dù Chính phủ chủ trương kéo lãi suất xuống thấp để hỗ trợ DN nhưng trên thực tế, các DN xuất khẩu hiện vẫn phải vay vốn với lãi suất quá cao. Theo ông Võ Trường Thành, nếu lãi suất tín dụng cao như hiện tại còn kéo dài thì hàng xuất khẩu của DN trong nước sẽ tiếp tục khó cạnh tranh.

Tiền trả lãi nhiều hơn lợi nhuận

Lãi suất cao, chi phí vốn đầu vào cao, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên, tất yếu ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN. Trong 6 tháng đầu năm, TTF đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 42 tỉ đồng. Mặc dù tăng 230% so với cùng kỳ song nếu so với nguồn vốn tự có thì mức lãi đó chưa đáp ứng kỳ vọng. Qua báo cáo tài chính mới công bố cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều DN kinh doanh hàng xuất khẩu dù lợi nhuận đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước song vẫn còn thấp, thậm chí có một số đơn vị bị lỗ.

Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) có vốn chủ sở hữu 616 tỉ đồng cùng với hàng trăm lao động nhưng trong 2 quý đầu năm, đơn vị này chỉ tạo ra lợi nhuận ròng 28 tỉ đồng. Mặc dù đã tăng “đột biến” so với cùng kỳ năm trước nhưng tính ra chỉ đạt 4,5% trên vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, với khoản nợ vay ngắn hạn 429 tỉ đồng, tạm tính lãi suất 14%/năm thì trong 6 tháng, AGF phải trả tiền lãi khoảng 30 tỉ đồng, nhiều hơn lợi nhuận thu được. Hiện dù giá trị sổ sách của AGF đạt hơn 49.000 đồng nhưng trên thị trường hiện giá AGF giao dịch chỉ xoay quanh mốc 33.000 đồng/cổ phiếu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật