‘Cát tặc’ lộng hành, người dân xứ Huế chật vật sống bên miệng ‘hà bá’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân phải sống trong cảnh lo lắng khi nạn khai thác cát sỏi trái phép diễn ra ồ ạt; khiến nhiều diện tích đất sản xuất và cây trồng của người dân dần biến mất. Không những vậy, nhà cửa của họ đứng trước nguy cơ có thể bị xóa sổ bất cứ lúc nào...
‘Cát tặc’ lộng hành, người dân xứ Huế chật vật sống bên miệng ‘hà bá’
Tàu thuyền khai thác cát luôn nằm thường trực trên sông Hữu Trạch

 

Đó là những gì đã và đang diễn ra tại thôn Tân Ba và một số thôn khác ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhận được phản ánh của người dân về việc bờ sông đang sạt lở nghiêm trọng ở các nhánh thượng nguồn sông Hương làm ảnh hưởng đến đời sống, PV đã đến tận nơi để tìm hiểu.

Thôn Tân Ba có 115 hộ gia đình, cuộc sống chủ yếu của người dân phụ thuộc vào việc trồng trọt, chăn nuôi; một bộ phận làm nghề đánh bắt thủy sản bên sông Hữu Trạch (thượng nguồn sông Hương). Trong những năm trở gần đây, cuộc sống vốn dĩ bình yên đã bị “quấ‌ּy rố‌ּi” vì nạn khai thác cát sỏi trái phép của các tàu thuyền, trong đó có cả chính tàu thuyền của cư dân trong thôn Tân Ba.

PV lên thuyền của bà Nguyễn Thị Duyên (53 tuổi, thôn Tân Ba)- một trong những hộ dân bị ảnh hưởng do nạn khai thác cát sỏi trái phép để “mục sở thị” hai bên sông Hữu Trạch.

“Hà bá” cuốn trôi nhiều cây trồng của người dân

Đúng như những gì người dân phản ánh, hai bên bờ sông xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng như những miệng “hà bá”. Cây cối, đất đai nhà dân trượt dài xuống nước...

Bà Duyên cho hay, tình hình sạt lở đã diễn ra 2- 3 năm nay do khai thác cát sỏi trái phép khiến bờ sông sắp “ăn” vào nhà bà. Đặc biệt vườn tràm keo của bà đã bị mất đi gần một nữa diện tích khiến bà “khóc ròng”.

“Tôi có một mảnh đất bên sông nên trồng 1.000 cây tràm keo, từ khi sạt lở đến nay đã mất gần một nữa đất đai và cây rồi. Đêm nào tôi cũng gắng chèo thuyền để rình hết, nếu có tôi báo công an ngay. Nhưng cát tặc nó không sợ, nó nói công an cũng chừng mà thôi...”- bà Duyên nói.

Sạt lở sắp tiến sâu vào nhà của ông Lê Tân

Khi di chuyển đến dòng khe Lụ (một nhánh của sông Hữu Trạch), tình hình sạt lở còn nghiêm trọng hơn. Hàng chục hecta đất vườn để trồng chuối, thanh trà, mít và cây lồ ô ở hai bên khe nằm nghiêng ngả hoặc lọt thỏm xuống lòng khe Lụ trong sự nuối tiếc công sức của người dân.

Ngôi nhà và vườn tược gần miệng “hà bá” nhất là nhà của ông Lê Tân (63 tuổi, thôn Tân Ba). Trong nỗi bức xúc, ông Tân vừa chỉ tay vào điểm sạt trượt vừa cho hay có rất nhiều bãi khai thác cát sạn không giấy phép hoạt động ở địa phương, thuyền bè quá lớn chạy vào dòng khe Lụ khiến đất đai, cây cối bị cuốn đi...

“Còn ít mét nữa thôi là sạt lở tiến sát bức tường của nhà tôi. Có thể vài năm tới ngôi nhà sẽ xuống sông mà nằm thôi. Con cháu của tôi sau này lấy đất đâu ra mà canh tác nữa đây...”- ông Tân bực tức nói.

Xem Video: Truy đuổi cát tặc như phim Hollywood 

//

Cây cối to lớn cũng đổ ngã dù bên cạnh đã được gia cố bờ kè

Không chỉ thôn Tân Ba, nhiều thôn khác nằm bên sông Hữu Trạch như Vĩ Dạ, Võ Xá, An Dương... cũng xảy ra tình trạng tương tự. Người dân đã rất nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị can thiệp nạn khai thác cát sỏi trái phép nhưng vẫn chưa thấy tiến triển gì; trong khi đất đai, vườn tược... cứ thế mà mất dần.

Được biết, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) cũng thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, nhưng tình hình vẫn không giảm mà cứ tiếp tục tái diễn.

Ông Lê Văn Thìn- Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng thông tin, nạn khai thác cát sỏi trái phép đã khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vừa qua mưa lũ lớn khiến tình hình sạt lở trở nên nghiêm trọng...

“Trước thực trạng trên, xã đã cử nhiều đoàn đến thăm dò, tìm hiểu tình hình cùng người dân truy bắt. Đồng thời kiến nghị với cấp trên để có những giải pháp hữu hiệu hơn...”- ông Bằng cho biết.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vừa diễn ra, ông Lê Trường Lưu- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn nạn khai thác cát sạn ở các dòng sông trên địa bàn.

Hy vọng các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tích cực vào cuộc một cách mạnh tay hơn, để “cát tặc” sẽ sớm bị xóa sổ, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật