Vận hành hệ thống quản lý chống hối lộ theo tiêu chuẩn ISO

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại diện Ngân hàng Phát triển Mông Cổ (DBM) và Giám đốc điều hành Công ty ISO LLC Mông Cổ (chuyên tư vấn và hỗ trợ việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế) vừa tổ chức kí kết bản ghi nhớ về thực hiện hệ thống quản lý chống hối lộ MNS ISO 37001:2017 - được điều chỉnh và thông qua bởi Cơ quan Tiêu chuẩn và Đo lường Mông Cổ.
Vận hành hệ thống quản lý chống hối lộ theo tiêu chuẩn ISO
Đại diện DBM Ch.Enkhbat ký bản ghi nhớ với Giám đốc điều hành ISO Mông Cổ

ISO 37001 là hệ thống quản lý phát triển bởi Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa ISO giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý hối lộ thông qua chính sách chống hối lộ. Một người sẽ được chỉ định để giám sát việc tuân thủ chống hối lộ, đánh giá rủi ro các dự án cũng như các đối tác kinh doanh, thực hiện các kiểm soát tài chính, thương mại và thiết lập các thủ tục báo cáo, điều tra. ISO 37001 được quảng cáo là bộ công cụ mềm dẻo, có thể phát hiện được nhiều hình thức hối lộ và phù hợp với mọi công ty dù to hay nhỏ, thuộc khu vực Nhà nước hay tư nhân.

Tại buổi lễ ra mắt ISO 37001, tổ chức ISO nhận định: "Hối lộ là một trong những vấn nạn thách thức toàn thế giới. Với 1.000 tỷ USD được sử dụng vào hối lộ mỗi năm đang làm giảm chất lượng cuộc sống, gia tăng nghèo đói, khiến dân chúng đánh mất niềm tin vào Chính phủ. Bất chấp các nỗ lực ở từng quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung, mức độ nghiêm trọng của hối lộ vẫn chưa dừng lại. Do đó, ISO đã phát triển hệ thống tiêu chuẩn mới nhằm giúp các tổ chức ngăn chặn việc hối lộ và thúc đẩy văn hóa đạo đức kinh doanh”.

DBM là tổ chức đầu tiên ở Mông Cổ sử dụng bộ tiêu chuẩn này. Bên cạnh việc giảm thiểu tình trạng tham nhũng nội bộ, ban điều hành của DBM hi vọng bộ tiêu chuẩn mới sẽ góp phần cải thiện chỉ số tham nhũng của Mông Cổ, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Thêm vào đó, DBM thông báo sẽ bắt đầu tiếp nhận các yêu cầu vay điện tử. Các lãnh đạo của DBM cho rằng điều này sẽ mở ra một trang mới cho thị trường tài chính của Mông Cổ. Việc nhận yêu cầu vay vốn thông qua một hệ thống điện tử sẽ nâng cao khả năng tiếp cận khoản vay, khách hàng sẽ không bị giới hạn về thời gian và địa điểm nộp hồ sơ. Từ đó, chất lượng và thời gian tiến hành dịch vụ được cải thiện đáng kể.

Hầu hết các ngân hàng thương mại ở Mông Cổ đều sử dụng phần mềm kế toán được cung cấp bởi Grape City - công ty phần mềm chuyên về lĩnh vực ngân hàng của Nhật Bản. Hiện nay, Grape City đã bắt đầu công bố và triển khai phần mềm NES tại một số ngân hàng lớn. DBM cho biết cũng sẽ áp dụng NES trong hệ thống “tiếp nhận yêu cầu vay vốn, nghiên cứu khởi tạo nguồn vay LOS”, cho phép xử lý yêu cầu vay vốn tự động mà không cần đến sự can thiệp của con người. NES cũng cho phép khách hàng có thể theo dõi việc xét duyệt hồ sơ. Cơ sở dữ liệu sẽ được tổng hợp và chuyển lên các giám sát viên giúp họ tiếp cận với nhu cầu khách hàng một cách dễ dàng.

Nói một cách đơn giản, việc tự động hóa hoàn toàn quá trình tiếp nhận hồ sơ và quyết định cho vay sẽ giúp loại bỏ các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích hay tham nhũng, tăng độ tín nhiệm của ngân hàng.

Ngoài DBM, Singapore, Peru và Microsoft cũng lên tiếng về việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 37001:2017 trong tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật