Trung Quốc: Dự trữ ngoại hối tăng tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 11

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 11, mặc dù thấp hơn kỳ vọng của thị trường, nhờ các quy định kiểm soát vốn chặt chẽ và đồng nhân dân tệ mạnh lên đã hạn chế dòng vốn chảy ra.
Trung Quốc: Dự trữ ngoại hối tăng tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 11
Đồng nhân dân tệ đã tăng 5% so với USD kể từ đầu năm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), dự trữ ngoại tệ của nước này đã tăng thêm 10 tỷ USD trong tháng 11 lên 3,119 nghìn tỷ đô la. Mặc dù mức tăng của tháng 11 cao hơn nhiều so với mức tăng 700 triệu USD của tháng 10, song vẫn thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters là dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ tăng thêm 11 tỷ USD lên 3,120 nghìn tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2014, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 10 tháng liên tiếp, qua đó đưa kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới của nước này lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Cũng theo PBoC, giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc tăng lên 75,833 tỷ USD vào cuối tháng 11, từ mức 75,238 tỷ USD vào cuối tháng 10.

Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết, sự lên gia của các ngoại tệ phi USD và sự thay đổi giá các tài sản là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng dự trữ ngoại hối.

Hiệu ứng giá trị do sự sụt giảm của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác như đồng euro và đồng yên Nhật là nguyên nhân của mọi nguyên nhân cho sự phục hồi dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.

Theo đó, chỉ số USD đã giảm 1,6% so với các đồng tiền chủ chốt khác trong tháng 11. Trong khi đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 5% so với đồng USD trong năm nay, sau khi giảm 6,5% vào năm 2016, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1994.

Việc đồng nhân dân tệ rớt giá mạnh đã thúc đẩy các dòng vốn chảy ra khỏi nước này và làm bốc hơi nhanh chóng kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Theo thống kê, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm gần 1 nghìn tỷ USD từ mức đỉnh 3,99 nghìn tỷ đô la trong tháng 6/2014 xuống còn 2,998 nghìn tỷ đô la trong tháng 1 năm nay trong bối cảnh các nhà quản lý nỗ lực hãm lại đà rơi của đồng nhân dân tệ và ngăn chặn dòng vốn ra.

Nhưng kể từ đó, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng 121 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu do dòng vốn chảy ra đã được hãm lại nhờ các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn của nước này, cộng thêm đồng nhân dân tệ cũng phục hồi mạnh trở lại trong bối cảnh đồng USD suy yếu.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, các vị trí nắm giữ lâu dài đồng nhân dân tệ của các nhà đầu tư ở châu Á vào cuối tháng 11 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9, khi đồng USD tiếp tục chững lại trong các thị trường toàn cầu.

Bất đồng về việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát

Một số nhà phân tích cho rằng sự ổn định của đồng nhân dân tệ và áp lực chảy vốn giảm bớt có thể khiến các nhà quản lý nới lỏng các biện pháp kiểm soát tiền tệ.

“Đây có thể là thời điểm thích hợp để NHTW Trung Quốc có thêm bước đi hướng đến mục tiêu lâu dài là tự do hóa tỷ giá, bắt đầu với việc mở rộng biên độ giao dịch đồng nhân dân tệ”, Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.

Sự sụt giảm mạnh của dự trữ nhân dân tệ và dự trữ ngoại tệ năm ngoái đã khiến Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp để hạn chế dòng vốn chảy ra, bao gồm việc kiềm chế đầu tư ra nước ngoài bất hợp pháp vào bất động sản, khách sạn, giải trí, câu lạc bộ thể thao và ngành công nghiệp điện ảnh.

Hôm thứ Hai, tờ Yicai dẫn lời ông Pan Gongsheng - Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã “loại bỏ về cơ bản” những rào cản về các hợp đồng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp.

Việc mua ngoại tệ ròng của PBoC và các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng lên mức cao trong nhiều năm qua vào tháng 10, đánh dấu một chiến thắng chính sách cho các nhà chức trách sau một cuộc chiến lâu dài để ổn định đồng nhân dân tệ, mặc dù các nhà phân tích nói rằng dòng vốn có thể sẽ biến động khi nền kinh tế chậm lại.

Cho đến nay, một số nhà kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để chính quyền Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn do dòng chảy vốn có thể tăng do kỳ vọng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng và việc cắt giảm thuế.

“Nhìn về tương lai, tôi nghĩ việc kiểm soát vốn vẫn cần thiết vì áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ có thể sẽ rất lớn vào năm tới”, Tang Jianwei - một nhà kinh tế tại Ngân hàng Truyền thông ở Thượng Hải cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật