Buôn bán vũ khí toàn cầu tăng lần đầu tiên trong 5 năm, Biển Đông là một phần nguyên nhân

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Doanh số bán vũ khí toàn cầu đã ghi nhận lần tăng lần đầu tiên trong vòng 5 năm khi căng thẳng địa chính trị gia tăng thúc đẩy hoạt động chi tiêu cho quân sự.
Buôn bán vũ khí toàn cầu tăng lần đầu tiên trong 5 năm, Biển Đông là một phần nguyên nhân
Ảnh minh họa

viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 11/12 công bố báo cáo cho thấy doanh số bán vũ khí và các dịch vụ quân sự của 100 công ty sản xuất và cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới đạt mức 374,8 tỷ USD trong năm 2016.

Con số trên tăng 1,9% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2002 khi SIPRI bắt đầu tổng hợp số liệu về doanh số bán vũ khí.

Đây là năm đầu tiên doanh số của Top 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tăng sau 5 năm giảm liên tiếp.

SIPRI cho biết hoạt động buôn bán vũ khí tăng do các quốc gia đang thực hiện nhiều chương trình vũ khí mới, hoạt động quân sự đang diễn ra ở một số nước và căng thẳng tiếp tục gia tăng tại một số khu vực.

Các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc ghi nhận doanh số tăng mạnh nhất trong số các nước phát triển, phản ánh mối lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng với Triều Tiên. Doanh số bán vũ khí của các công ty Hàn Quốc tăng hơn 20% trong năm 2016 lên 8,4 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Mỹ vẫn đứng đầu trong ngành công nghiệp này khi ghi nhận doanh số bán vũ khí tăng 4% lên hơn 217 tỷ USD, chiếm 58% thị phần cung cấp vũ khí toàn cầu.

Hãng Lockheed Martin của Mỹ tiếp tục là nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới với doanh số bán hàng tăng 10,7% lên 40,8 tỷ USD trong năm 2016 nhờ bán loại máy bay chiến đấu F-35 và thâu tóm hãng sản xuất máy bay trực thăng Sikorsky.

Các nhà sản xuất vũ khí lớn tiếp theo là Boeing và Raytheon của Mỹ với doanh số đạt lần lượt 29,5 tỷ USD và 22,9 tỷ USD, tiếp đến là BAE Systems của Anh với 22,8 tỷ USD.

Doanh số bán vũ khí của các doanh nghiệp Nga tăng 3,8% lên 26,6 tỷ USD, ghi nhận mức tăng chậm hơn so với những năm gần đây do tình tình tài chính tại nước này căng thẳng liên quan đến việc giá dầu xuống thấp.

Đông Nam Á cũng đóng góp 1 gương mặt trong danh sách Top 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất, đó là công ty ST Engineering của Singapore khi đạt doanh số 1,69 tỷ USD trong năm 2016.

Danh sách này không có doanh nghiệp nào của Trung Quốc. SIPRI giải thích rằng mặc dù một số công ty Trung Quốc đủ lớn để có mặt trong danh sách, nhưng đã không được đưa vào vì thiếu số liệu so sánh và không minh bạch.

SIPRI cho biết chính phủ các quốc gia là những người mua vũ khí lớn nhất.

Aude Fleurant, giám đốc Chương trình Chi tiêu vũ khí của SIPRI, cho biết các cuộc tranh chấp khu vực như vấn đề Biển Đông là như một trong những động lực chính thúc đẩy doanh số bán vũ khí tăng. Biển Đông là khu vực có những tuyến đường vận tải quan trọng với các tuyên bố chủ quyền từ Việt Nam, Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, và Trung Quốc.

Theo kênh CNN, căng thẳng tại khu vực Biển Đông gia tăng từ năm 2014 khi Trung Quốc cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo, trang bị sân bay, bến cảng và hệ thống vũ khí tại đó và cảnh báo tàu chiến và máy bay của Mỹ tránh xa các hòn đảo đó.

Ông Fleurant cho biết các quốc gia như Việt Nam đã đặt hàng mua tàu ngầm và máy bay tuần tra hàng hải trước những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật