Bỏ “Chí Phèo”: “Nên để học sinh nói nhiều hơn quan điểm của mình”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cần nghe hơn những cảm xúc của người học, cần nghiên cứu định lượng và định tính sự tác động của một số tác phẩm văn học đến hành vi, văn hoá ứng xử của học sinh… là những đề nghị đáng chú ý xung quanh ý kiến “Nên đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình Ngữ văn lớp 11“.
Bỏ “Chí Phèo”: “Nên để học sinh nói nhiều hơn quan điểm của mình”
Ảnh từ bộ ảnh tái hiện câu chuyện về Chí Phèo -Thị Nở của nhiếp ảnh gia Trang Đàm

Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền: "Các thầy cô liệu có truyền tải đầy đủ giá trị của tác phẩm?"

Tôi đã đọc và suy ngẫm về những quan điểm trước ý kiến của mình. Dù đa số họ không đồng tình, nhưng hầu hết những quan điểm đó đến từ những nhà văn, thầy cô dạy văn hoặc những người yêu văn.

Một bộ phận ý kiến và quan trọng nhất mà chúng ta bỏ quên chính là các em học sinh không học chuyên văn.

Tôi rất tiếc vì không ở Việt Nam, nếu không thì trước khi viết bài này sẽ thăm dò ý kiến đối với các em lớp 11 và 12, để xem tác động của tác phẩm Chí Phèo đối với các em như thế nào. Nên thăm dò quan điểm của cả học sinh trường công lập và ngoài công lập. Khi đó, chúng ta sẽ có những nhận định và đánh giá chính xác hơn.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình, cùng với thông điệp rằng: Giáo dục là cuộc sống - như nhà triết học, nhà tâm lý học và nhà cải cách giáo dục vĩ đại John Dewey đã từng nói.

Mà cuộc sống thì có bao giờ đứng yên, mà nó vận động và thay đổi từng ngày từng giờ. Vì vậy, một nền giáo dục tiến bộ là nền giáo dục cần phải thay đổi và bắt kịp với những thay đổi của cuộc sống.

Nếu xa rời cuộc sống, không phản ánh thực tiễn thì đó là một nền giáo dục kinh viện, lạc hậu.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng công nghệ thông tin, việc tiếp cận tri thức của nhân loại cũng trở nên bình đẳng hơn bao giờ hết. Chỉ đơn giản một cái nhấp chuột trên màn hình máy tính, bạn đã có thể nhìn thấy cả thế giới, thì vai trò của giáo dục cũng đến lúc phải thay đổi.

Vì vậy, cần phải cân nhắc để thay thế, bổ sung những kiến thức mới, tri thức mới, phù hợp với xu thế mới và nhận thức mới của các em.

Điều này đặt ra một yêu cầu cấp bách hơn đối với các nhà quản lý giáo dục, những người làm giáo dục và cả thầy cô khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung hay chương trình nào vào giảng dạy cho học sinh.

Về tác phẩm Chí Phèo, tôi không phủ nhận giá trị nghệ thuật và sự thành công trong phong cách viết của nhà văn Nam Cao. Nhưng ở góc độ giáo dục, tác phẩm Chí Phèo không nên dạy ở chương trình lớp 11 vì những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các em khi mà độ tuổi này chưa hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội.

Sự phát triển tâm lý khá phức tạp, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi, dễ tiêm nhiễm cái xấu dễ nhanh hơn cái tốt là đặc điểm của độ tuổi này.

Và chúng ta đâu ai dám chắc được rằng các thầy cô liệu có đủ thời gian để truyền tải hết giá trị nhân văn của tác phẩm, cũng đâu được dạy trong một chỉnh thể đầy đủ, và dám chắc được rằng tất cả các em có thể nhận thức được mặt hay của tác phẩm?

Anh Đỗ Đức Anh –giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM): “Nên để học sinh nói nhiều hơn những quan điểm của mình”

Hiện nay, chúng ta đã đi một chặng đường rất xa, cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Văn học là cuộc sống, và đã đến lúc chúng ta nên cập nhật lại những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.

Cá nhân tôi đề cao sự phản biện, vì mỗi ý kiến phản biện là dịp để chúng ta nhìn lại cách giảng dạy văn học phổ thông, xem rằng những tác phẩm văn học đó đã thực sự phù hợp với đời sống chưa. Như vậy, học sinh sẽ không bị ép buộc cảm nhận một cách gò bó khi đọc hiểu tác phẩm.

Ảnh từ bộ ảnh tái hiện câu chuyện về Chí Phèo -Thị Nở của nhiếp ảnh gia Trang Đàm

Những góp ý, phản biện sẽ cho chúng ta thấy cần hơn những cảm xúc của người đọc thay vì chỉ nghe thầy cô giảng giải. Qua đề xuất lần này của anh Sóng Hiền, điều tôi nhận thấy là học sinh Việt Nam đang bị thiếu tư duy sáng tạo.

Hiện nay, việc giảng dạy môn văn vẫn nặng về tính truyền thống. Đó là kiểu văn mẫu, cảm nhận của giáo viên giảng giải cho học sinh hiểu, còn học sinh làm lại ý kiến của giáo viên trong bài làm văn hay trong các kì thi.

Tôi nghĩ nên để học sinh nói nhiều hơn những quan điểm của mình. Đâu đó hiện nay có những học sinh đã đặt câu hỏi tại sao mình phải học Chí Phèo hay Vợ chồng A Phủ, có nghĩa là các em không tìm được ý riêng mà phải nói những điều giáo viên muốn... Đó là chưa kể học sinh bị bắt phải học quá dài như Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (150 câu thơ), hay tác phẩm Việt Bắc (98 câu thơ). Nên chăng những tác phẩm quá dài này nên bớt lại những trích đoạn ngắn hơn để học sâu hơn, tránh học dàn trải và có cảm giác bội thực.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT: “Không phải thầy cô thích, cảm thụ được cái hay... thì mọi học sinh đều như vậy”

Không phải chỉ riêng “Chí Phèo” mà các tác phẩm khi đưa vào sách giáo khoa cần xác định đối tượng hướng đến.

Hiện nay, vấn đề đạo đức học sinh đang là chủ để nóng. Trong khi đó, học sinh đang ở độ tuổi mới lớn nên mục tiêu xuyên suốt của đổi mới Chương trình và SGK lần này là cần quan tâm đến giáo dục phù hợp tâm lý, bối cảnh kinh tế xã hội.

Do đó cần rà soát và nghiên cứu chu đáo, có cơ sở khoa học đối với Chương trình và SGK mới.

Tôi muốn đặt câu hỏi rằng tác phẩm “Chí Phèo” đóng góp như thế nào vào chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông ở môn Ngữ văn nói riêng và tích hợp vào mục tiêu hình thành nhân cách của học sinh nói chung? Và có cách đo lường thế nào để biết được điều đó? Chúng ta đã có nghiên cứu định lượng và định tính sự tác động của một số tác phẩm văn học đến hành vi, văn hoá ứng xử của học sinh Việt Nam hay chưa?

Chương trình Giáo dục phổ thông mới có mục đích và tinh thần theo nguyên tắc thiết kế ngược, tức là xác định các chuẩn đầu ra rồi thiết kế, đánh giá nội dung.... Và hướng đến những phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm với bản thân và xã hội, tôn trọng luật pháp.

Nếu theo nguyên tắc này, thì cần hỏi ngược lại Ban soạn thảo chương trình, SGK mới rằng “kỳ vọng ở kết quả cần đạt được ở đầu ra môn Ngữ văn từng lớp là gì?”. Cũng nên có rà soát đánh giá lại, chứ không phải thầy cô thích, cảm thụ được cái hay... thì mọi học sinh phải cảm thụ và hành xử theo thầy cô như vậy.

Chúng ta đang phấn đấu đến một nền giáo dục hiện đại, dân chủ và khai phóng, sáng tạo. Vì vậy rất cần có nghiên cứu bài bản về nội dung cũng như phương pháp giáo dục. Tránh sự áp đặt chủ quan ý muốn của nhà thiết kế hay của thầy cô lên học sinh, mà phải tuỳ theo đối tượng, tâm lý lứa tuổi và phù hợp với bối cảnh chung của toàn xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật