“Ẩn số” thoái vốn SAB

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có ý kiến cho rằng tỷ lệ sở hữu Nhà nước sau khi thoái vốn tại Tcty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) là một con số “ma thuật”. Vậy con số này thực chất nói lên điều gì?
“Ẩn số” thoái vốn SAB
Từ tỷ lệ sở hữu 89,59%, Bộ Công thương sẽ bán 53,59% vốn tại SAB và chỉ giữ lại không quá 36%.

Đợt thoái vốn Nhà nước tại SAB được Bộ Công thương- đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này, công bố vào tuần trước đã khiến các nhà đầu tư khá hồ hởi.

Chào bán - trị giá lớn

Sở dĩ các nhà đầu tư hồ hởi đón nhận thông tin trên là do tỷ lệ thoái vốn Nhà nước lần này khá lớn. Theo đó, từ tỷ lệ sở hữu tới 89,59% cổ phần, Bộ Công Thương sẽ bán tới 53,59% và chỉ còn giữ lại không quá 36%. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua lô lớn, nắm cổ phần chi phối và trở thành cổ đông lớn nếu đấu giá thành công trọn, hoặc gần trọn khối lượng cổ phần được chào bán.

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, tuy không thể sở hữu trên 51% vốn của SAB, nhưng cơ hội chi phối tại doanh nghiệp đứng đầu ngành F&B (đồ uống có gaz) cũng rất lớn. Theo tính toán của Bộ Công Thương tại thời điểm công bố bán vốn chính thức ngày 29/11/2017, với tỷ lệ sở hữu mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phiếu SAB 10%, có nghĩa “room” cho các nhà đầu tư ngoại mua tiếp hoặc mua mới lên tới 39%. Đây hoàn toàn không phải là mức room thấp, đặc biệt khi xét trong ngành kinh doanh đồ uống.

Ở góc độ giá trị, với mức giá trên thị trường niêm yết đang giao dịch quanh mức 320.000đ/cp, khoảng room mà nhà đầu tư nước ngoài có thể “ôm trọn” trị giá lên tới 5 tỷ USD, và tổng giá trị cổ phần chào bán theo giá thị trường lên tới 9 tỷ USD, là số tiền quá lớn. “Một nhà đầu tư muốn chi phối “trọn gói” SAB từ cơ hội thoái vốn này sẽ phải cân nhắc lợi ích và nguồn lực bỏ ra”, một chuyên gia đánh giá.

36% “ma thuật”?

Nhìn từ góc độ tỷ lệ cổ phần có cơ hội sở hữu đến giá trị khối lượng cổ phần dự bán, không ít ý kiến vẫn đặt ra quan điểm rằng: Tại sao Bộ Công Thương phải giữ lại 36% khi SAB không thuộc ngành nghề kinh doanh có liên quan đến đảm bảo an ninh chính trị, xã hội, quốc phòng?

Trong một chia sẻ, Luật sư Phạm Hoài Huấn nói rằng: “Con số 36% trong Quản trị Doanh nghiệp là một con số “ma thuật”. Bởi, nó không phải là con số lớn, nhưng tôi vẫn hay gọi đây là tỷ lệ kiểm soát ngược. Kiểm soát ngược được hiểu là cổ đông có thể tác động đến các quyết định quản trị và chiến lược của công ty thông qua việc phủ quyết gần như toàn bộ các quyết định quan trọng trong công ty”.

  36% là tỷ lệ cho phép Nhà nước vẫn quản lý doanh nghiệp và có quyền phủ quyết những quyết định quan trọng phải được thông qua Đại hội cổ đông. 

“Nhìn con số này, tôi không đánh giá cao tầm nhìn của đội ngũ tư vấn về cổ phần hóa. Bởi cũng chính tỷ lệ kiểm soát ngược này đang minh chứng cho một điều, đó là đội tư vấn chưa chỉ ra được mục tiêu của cổ phần hóa là gì”, Luật sư Phạm Hoài Huấn nói.

Cũng theo ông Huấn, doanh nghiệp Nhà nước, theo khuyến nghị của OECD, chỉ nên tham gia vào 3 mảng sau đây: Lĩnh vực an ninh quốc phòng; Cung cấp các dịch vụ công ích cho xã hội; Đầu tư cơ bản (đường xá, cảng biển…), lấy giá thật rẻ để làm nền cho các doanh nghiệp dân doanh, trên cơ sở đó có chi phí sản xuất thấp mà cất cánh ganh đua cùng thế giới. “Nhưng tầm nhìn ngắn hạn, ở những nước như Việt Nam cũng có vài ý kiến cho rằng, cứ lĩnh vực nào kinh doanh tốt thì nhà nước cứ đầu tư, qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách. Tất nhiên, theo đó ngân sách này phải sử dụng cực kỳ thông minh, để tái đầu tư vào phát triển. Tôi chưa thấy được mục tiêu đạt được trong trường hợp này là mong muốn dài hạn hay nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn. Nếu nhằm mục tiêu ngắn hạn, thì không nên cổ phần hóa SAB, vì nó vẫn tạo ra nguồn thu lớn. Nhưng nếu tầm nhìn dài hạn, thì rất khó lý giải cho tỷ lệ 36% ở trên”, Luật sư Huấn cho biết.

Cân đối các mục tiêu

Lý giải quan điểm này ở một góc nhìn khác, một đại diện trong nhóm tư vấn cho biết các chuyên gia đã nỗ lực cùng SAB, cơ quan quản lý Nhà nước cân đối các mục tiêu.

Trước mắt, chính xác như Luật sư Phạm Hoài Huấn đặt ra, vị này nói 36% là tỷ lệ cho phép Nhà nước vẫn quản lý doanh nghiệp và có quyền phủ quyết những quyết định quan trọng phải được thông qua Đại hội cổ đông. “Tuy SAB không nằm trong lĩnh vực ngành kinh doanh Nhà nước cần nắm giữ, nhưng đây là 1 thương hiệu quốc gia. Do đó, không hoàn toàn vì mục tiêu bán, thu hồi vốn mà tư nhân hóa toàn phần SAB”, chuyên gia thương hiệu phân tích.

Mặt khác, nếu có người đặt ra quan điểm trong bức tranh cổ phần hóa này có thể có quan hệ lợi ích, thì các quy định minh bạch thông tin đợt thoái vốn mà SAB đã chứng minh hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Với tỷ lệ trước mắt mà Bộ Công Thương đặt mục tiêu, giá trị vốn nằm trong khả năng chào bán được và thực tế đã được các nhà đầu tư quốc tế hết sức quan tâm. Nếu muốn bán nhiều hơn mà “ế”, khiến nhà đầu tư “ngợp” thì cũng không hẳn đã có thể thành công. Ngân sách ngắn hạn cần nguồn thu bán vốn, dài hạn nhà nước vẫn cần giữ ở những doanh nghiệp “đặc biệt”. Vì vậy, 36% được hiểu là tỷ lệ phù hợp trong các mục tiêu cần cân đối.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật