Dự báo diễn biến sau vụ thử tên lửa “sức mạnh khủng khiếp” của Triều Tiên

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chuyên gia dự đoán, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục thử tên lửa phóng từ tàu ngầm sau khi thành công với Hwasong-15 mà Triều Tiên khẳng định là “bay cao nhất” từ trước tới nay.
Dự báo diễn biến sau vụ thử tên lửa “sức mạnh khủng khiếp” của Triều Tiên
Hình ảnh tên lửa Hwasong-15 do truyền thông Triều Tiên cung cấp.

Cuối tháng Mười Một, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mang tên Hwasong-15 có khả năng “vươn tới đất liền của Mỹ”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia quân sự cho hay, Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành chương trình thử nghiệm tên lửa tiếp theo với các phiên bản tên lửa Pukguksong (Bắc Cực Tinh) phóng từ tàu ngầm đã được nâng cấp và tối ưu hóa.

Ông Song Zhongping, một cố vấn quân sự đã về hưu của lực lượng tên lửa chiến lược quân đội Trung Quốc, cho hay Bình Nhưỡng có khả năng sẽ gia tăng các vụ thử tên lửa phóng từ đất liền và trên biển tại khu vực Thái Bình Dương.

Cuộc thử nghiệm gần đây nhất với tên lửa Pukguksong-2 phóng từ đất liền mà Triều Tiên tiến hành là vào hồi tháng Hai và tháng Năm năm nay. Bình Nhưỡng được cho là đang phát triển tên lửa Pukguksong-3 phóng từ tàu ngầm, có tầm bắn xa trên 2.000km.

“Bình Nhưỡng cũng sẽ thử nghiệm thường xuyên đối với dòng Pukguksong nhiên liệu rắn, để chứng tỏ quốc gia này thực sự có khả năng tác chiến hạt nhân”, ông Song bình luận.

Chuyên gia quân sự cũng nhấn mạnh, “Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm nhiều lần nữa với ICBM Hwasong-12 và Hwasong-15”. Đáng chú ý, Hwasong-15 có thể sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân để tiến hành một vụ thử hạt nhân quy mô lớn trên Thái Bình Dương, ông Song dự đoán.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong, cho hay tên lửa Pukguksong-3 nhiên liệu rắn sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc bởi nó được thiết kế với ống phóng rất khó bị định vị và phá hủy.

“Tôi nghĩ rằng những diễn biến thử tên lửa mới nhất trên bán đảo Triều Tiên sẽ khiến Bắc Kinh phải triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo HQ-19 ở tỉnh Liêu Ninh”, ông Wong nói, nhấn mạnh Trung Quốc đã hoàn tất triển khai hệ thống radar dọc biên giới giáp với Triều Tiên.

Theo SCMP, Pukguksong-3 được cho là đã xuất hiện tại cuộc duyệt binh quy mô diễn ra vào ngày 15/4 nhằm kỷ niệm 105 ngày sinh của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cả Pukguksong-2 và 3 được cho là có tầm bắn cho phép Bình Nhưỡng nhắm đến các căn cứ quân sự của cả Nhật Bản và Mỹ trong khu vực, nhưng chưa có khả năng vươn tới đất liền của Mỹ.

Tên lửa Pukguksong-2 của Triều Tiên.

Các chuyên gia tên lửa khẳng định, công nghệ tên lửa phóng từ tàu ngầm và từ mặt đất có nhiều nét tương đồng với nhau, do đó Bình Nhưỡng chỉ cần có tiến bộ ở một trong hai công nghệ trên thì cả hai sẽ đều được cải thiện đáng kể về khả năng tấn công.

Các chuyên gia quân sự đều tin rằng những vụ phóng thử tên lửa đối với dòng Hwasong gần đây nhất cho thấy, Bình Nhưỡng đã tự chế tạo được những loại ICBM tối tân dựa trên công nghệ mà họ học tập được từ Nga và Ukraine.

Theo ông Song, những bức ảnh và thông tin được Bình Nhưỡng tiết lộ về tên lửa Hwasong-15 cho thấy nó lớn hơn Hwasong-14 và cần tới 50 phút cho quá trình chuẩn bị nhằm đạt được mục tiêu về độ cao. Thời gian chuẩn bị này lâu hơn phiên bản tiền nhiệm rất nhiều lần.

“Không có nghi ngờ gì về việc Triều Tiên đã đạt tới một mức độ nhất định về công nghệ tên lửa, nhưng những thông tin đó cho thấy, vụ thử tên lửa gần nhất của họ vẫn là một cuộc thử nghiệm chứa nhiều rủi ro”, ông Song nhận xét.

Sau khi phóng Hwasong-15, Bình Nhưỡng tuyên bố đã đạt được mục tiêu phát triển lực lượng hạt nhân. Đài RT sau đó dẫn lời một nghị sĩ Nga trở về từ chuyến thăm Triều Tiên cho hay, Bình Nhưỡng sẽ chỉ đàm phán với Washington một khi họ được công nhận là quốc gia hạt nhân.

Tuy nhiên, chuyên gia Song Zhongping cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách và quan điểm phi hạt nhân đối với với bán đảo Triều Tiên, do đó sẽ không công nhận Bình Nhưỡng là “quốc gia hạt nhân”.

“Nếu Bắc Kinh công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, sẽ có rất nhiều quốc gia láng giềng như Nhật Bản cũng sẽ tìm kiếm cơ sở pháp lý cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Khả năng đó chắc chắn sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc”, ông Song kết luận.              

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật