Chết hụt vì phanh xe tay ga trong mùa mưa

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đang hối hả chạy về nhà vì trời mưa to thì đột nhiên có người rẽ sang đường, bị bất ngờ và theo phản xạ, anh Hùng bóp mạnh cần phanh bên tay phải khiến chiếc Air Blade lộn nhào, còn anh té xuống đường ngất xỉu.
Chết hụt vì phanh xe tay ga trong mùa mưa
Trong tình huống bất ngờ, người lái xe tay ga thường bóp thắng bên phải theo thói quen thuận tay phải khiến xe mất trớn lộn nhào. Ảnh: Ngoan Ngoan.

Gần một tháng nằm trong bệnh viện chấn thương chỉnh hình, anh Hùng chưa hoàn hồn kể lại: “Mặc dù vẫn thường đi xe tay ga nhưng mãi không bỏ được thói quen bóp phanh trước do thuận tay phải. Bình thường tôi vẫn dùng 2 tay điều khiển phanh, nhưng hôm đó trời mưa nên cố chạy nhanh về, lại gặp lúc có người đột ngột sang đường làm tôi giật mình mất bình tĩnh. Theo phản xạ, tôi bóp thắng bên tay phải làm xe ngã nhào. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang ở trong bệnh viện”.

Chị Thu Hằng, quận 10, TP HCM nhớ mãi tai nạn đau thương cách đây nửa tháng, báo hại chị đến giờ vẫn chưa thể đi lại được vì giãn 2 dây chằng ở đầu gối. “Cũng chỉ tại cái phanh dở chứng kẹt cứng không nhả ra. Giờ sợ quá nhắc đến đi xe máy tôi rùng cả mình”, người phụ nữ 40 tuổi xuýt xoa.

Chị Hằng kể, hôm đó đi làm về lúc trời đang mưa nhỏ. Đến đoạn cua gấp, chị bóp phanh nhưng cần phanh trước kẹt cứng không nhả, khiến chiếc xe Mio Ultimo ngã kềnh đè lên, làm giãn dây chằng chân chị. Bác sĩ chữa trị tại nhà cho biết phải lâu lắm chân chị mới hồi phục bình thường trở lại.

Những tai nạn thương tâm do chiếc phanh xe trong mùa mưa cũng đang được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng Internet. Hầu hết những nạn nhân của các vụ té phản ánh do họ bóp thắng trước đột ngột khiến xe quay đầu lộn nhào.

Nick name Demen than thở trên một diễn đàn mạng: “Mình chạy chiếc Sapphire tốc độ 20km/h. Khi dùng thắng trước đột ngột thì té chỏng gọng, đập mặt xuống đường trong lúc trời đang mưa nhỏ. Đến nay đã 10 ngày rùi mà vẫn còn ám ảnh không dám bước lên nó nữa. Có cách nào khắc phục không, chẳng lẽ phải đổi xe mới?”.

Một thành viên tên Tonypham1843 thì xuýt xoa: “Nói gì thì nói, bữa chiều 30 tết, té một phát cũng vì giật mình. Dù bóp nhả phanh cũng ngon lắm, chống chân kịp mà vẫn ‘đo đường’. Em vừa mới ra nhờ bác em làm lại thắng trước và sau cho ngon lành để chuẩn bị về quê, hy vọng không bị ‘đo’ phát nữa … hic hic”.

Với kinh nghiệm gần 10 năm sửa xe tay ga tại Đồng Nai, Anh Nguyễn Văn Hùng cho rằng, do tâm lý người chạy xe lúc gặp tình huống bất ngờ thường theo phản xạ, họ bóp cần phanh trước bên phải khiến xe mất trớn ngã nhào.

Tuy nhiên theo quan sát của anh Hùng khẳng định, thắng dĩa bao giờ cũng 'ăn' hơn thắng đùm, song lại được thiết kế đằng trước nên khi bóp cả 2 phanh cùng lúc, thắng đùm chưa kịp ăn, thắng dĩa đã ăn. “Lúc xe đang chạy nhanh mà bánh trước bị thắng dừng đột ngột thì theo trớn, xe sẽ quay ngang đầu khiến tài xế mất lái, không chống chân kịp sẽ bị té”, anh nói.

"Nếu xe tay ga có thiết kế thắng dĩa ở bánh sau hoặc ở cả 2 bánh thì khả năng bóp dính và độ an toàn sẽ cao hơn", anh nói.

Trên thực tế một số dòng xe tay ga của hãng Suzuki năm 2003-2004 đã có thiết kế 2 thắng dĩa ở trước và sau tuy nhiên kiểu thiết kế này không phổ biến. Hiện nay hầu hết xe tay ga trên thị trường đều dùng thắng dĩa ở phía trước. Theo suy đoán của anh Hùng: “Họ không thiết kế như thế có thể do thắng dĩa chi phí cao hơn, sửa cũng tốn tiền và khó hơn, bởi trên thực tế không phải thợ nào cũng sửa được loại thắng này. Hơn thế phía trước bánh xe thông thoáng hơn nên việc thiết kế thắng dĩa ở đây sẽ dễ hơn nhiều so với ở bánh sau vướng víu nhiều bộ phận”.

Anh cho biết, hiện nay mẫu xe Air Blade mới với kỹ thuật thiết kế hạn chế được phần nào rủi ro này, bởi cần phanh trái sẽ kiểm soát lực của cả phanh trước và sau. Đây là một cải tiến rất tốt giúp những người lái xử lý tốt trong những trường hợp khẩn cấp.

"Tuy nhiên trong vài trường hợp bộ thắng bị mòn thì khả năng thắng sau chưa ăn thắng trước đã 'dính' cũng rất nguy hiểm. Vì thế cần chú ý thường xuyên kiểm tra, nếu thấy bóp sâu mà phanh vẫn chưa ăn thì hãy đến tiệm để tăng phanh”, anh Hùng nói.

Ngoài ra, người thợ này cho rằng một nguyên nhân khác khiến người điều khiển xe tay ga dễ té khi trời mưa còn do chất liệu vỏ bánh xe với độ bám dính kém. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng sản xuất vỏ xe với loại gai dễ bị mòn làm giảm lực ma sát với mặt đường, nhất là vào mùa mưa, xe càng dễ bị trơn trượt.

Trao đổi với PV, ông Yasuhiro Imazato, Giám đốc chi nhánh hãng xe Honda tại TP HCM bày tỏ quan điểm trước những phản ánh trên: "Theo nguyên tắc lái xe an toàn, người sử dụng xe tay ga phải bóp cả hai phanh trong mọi tình huống. Điều này đã được đề cập trong cẩm nang hướng dẫn sử dụng an toàn đính kèm khi mua xe".

Tuy nhiên, trong những tình huống nguy hiểm, người điều khiển cần phải sử dụng kỹ năng phanh khẩn cấp theo trình tự các bước sau: giảm hết ga thật nhanh, bóp cả 2 phanh với lực tăng dần đều và cần bóp phanh trước với lực mạnh hơn phanh sau bằng cách sử dụng cả 4 ngón tay.

Ông cho biết, để tạo hiệu quả phanh tốt hơn, hãng Honda đã thiết kế hệ thống phanh kết hợp CBS (Combi Brake System) cho các dòng xe tay ga của mình giúp cả người mới lái xe có thể dễ dàng kiểm soát phanh, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Với hệ thống này, cần phanh phải sẽ kiểm soát hoạt động của bánh trước, trong khi đó cần phanh trái không chỉ kiểm soát hoạt động của thắng đùm sau mà còn cả thắng trước bằng một bộ phận cân bằng.

"Tuy nhiên cần lưu ý CBS là hệ thống củng cố khả năng kiểm soát phanh nên trong khi sử dụng, khách hàng vẫn cần sử dụng cả thắng trái và phải một cách hợp lý", ông Yashhiro Imazato cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật