Gian nan tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồi núi

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở các tỉnh miền núi phía bắc và miền trung, nơi thường xuyên chịu hậu quả thiên tai nặng nề, địa hình và điều kiện canh tác tương đối khó khăn, nhiều địa phương mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, gắn với phát huy lợi thế, đặc sản của vùng miền và phát triển thị trường tiêu thụ. Song, quá trình tái cơ cấu đã gặp không ít rủi ro.
Gian nan tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồi núi
Ảnh minh họa

Chuyện buồn từ cây trồng đặc sản

Được ví như “con chim đầu đàn” về cây cao-su trên đất Quảng Bình, với bề dày gần 60 năm hoạt động, Công ty cổ phần Việt Trung (huyện Bố Trạch) từng có thời gian là doanh nghiệp mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, từ sau bão số 10 năm 2013, vườn cây cao-su bị thiệt hại nặng nề, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Để trụ vững trong cơ chế thị trường, công ty đã quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các ngành nghề có lợi thế. Giám đốc Công ty cổ phần Việt Trung Phan Văn Thành cho biết, sau bão số 10 năm 2013, tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ diện tích cao-su kinh doanh bị thiệt hại nặng nề dẫn đến doanh thu năm 2014 và năm 2015 đạt rất thấp. Năm 2014, sản lượng mủ cao-su giảm, chỉ đạt 600 tấn, doanh thu từ mủ cao-su khoảng 17 tỷ đồng, bằng 14% so năm 2012; năm 2015 đạt 700 tấn (những năm trước đó sản lượng mủ cao-su đạt 2.200 tấn). Vườn cao-su bị thiệt hại do thiên tai, năng suất giảm xuống cùng với giá mủ liên tục tụt giảm khiến công ty rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Trước khi cổ phần hóa, công ty có khoảng 1.400 công nhân, đến nay chỉ còn 776 người. Cùng trong guồng máy tái cơ cấu doanh nghiệp nói riêng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, công ty đã tập trung trồng mới diện tích cao-su bị thiệt hại sau bão. Thế nhưng, sau bốn năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng là lúc các vườn cây cao-su trồng mới đến kỳ cạo mủ thì lại bị cơn bão số 10 năm 2017 xóa sổ gần như hoàn toàn. Thời điểm cao nhất Công ty có khoảng 9.000 ha cao-su, đến nay chỉ còn 2.280 ha. Thiên tai liên miên dẫn đến sản lượng cao-su của Công ty ngày càng giảm, số lượng vườn cây thanh lý ngày càng nhiều, lên tới 200 ha. Theo thống kê sơ bộ, niên vụ 2015-2016, Công ty lỗ khoảng 30 tỷ đồng, chín tháng năm 2017 lỗ 15 tỷ đồng.

Trước mắt, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Việt Trung xác định tập trung khắc phục toàn bộ diện tích vườn cao-su kinh doanh bị thiệt hại, rà soát diện tích nào cần trồng lại, diện tích nào phải tái canh. Giám đốc Phan Văn Thành cho biết thêm, gần 60 năm trưởng thành và phát triển, Công ty đã thử qua nhiều mô hình, nhưng cuối cùng phải khẳng định cây cao-su là hiệu quả nhất. Hướng đi trước mắt của Công ty là tạm thời trồng những cây ngắn ngày để tạo nguồn thu, sau khi phục hồi sẽ tiếp tục trồng lại cây cao-su.

Không chỉ "vàng trắng" của Quảng Bình bị thiên tai tàn phá, lúa đặc sản Séng Cù của xã miền núi Nấm Lư, huyện Mường Khương (Lào Cai) cũng cùng chung số phận. Thực hiện chương trình đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện, lãnh đạo xã Nấm Lư vận động người dân mở rộng diện tích lúa Séng Cù, từ 5 ha năm 2006 đến 2017 đạt 110 ha nhờ các giải pháp như: mở rộng diện tích vụ mùa, liên kết một HTX bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ 25% giá giống, ứng giống cho người dân… Chính vì vậy, hầu như hộ nào cũng trồng Séng Cù, hộ ít thì gần một sào, hộ nhiều gần 0,5 ha. Với giá bán phổ biến 16-18 nghìn đồng/kg lúa, giá gạo 25-30 nghìn đồng/kg, năng suất bình quân 56 tạ/ha, rõ ràng trồng lúa Séng Cù cho thu nhập cao gần gấp đôi trồng lúa nương truyền thống. Nấm Lư đang trở thành vùng trồng lúa Séng Cù tập trung khá lớn của huyện Mường Khương và của cả tỉnh Lào Cai. Theo Chủ tịch UBND xã Lù Văn Tính, việc mở rộng diện tích giống lúa đặc sản này đã giúp Nấm Lư có thuận lợi lớn để phấn đấu trở thành xã nông thôn mới.

Phong trào trồng lúa đặc sản Séng Cù ở Nấm Lư đang thuận lợi thì hai năm gần đây, mưa lũ liên tục tàn phá. Năm 2016, đúng dịp chuẩn bị thu hoạch thì mưa lớn liên tục khiến lúa giảm mạnh năng suất. Năm 2017, lũ tràn về làm ngập cả cánh đồng lúa gần 200 ha ở thôn Cốc Chứ do không có đường thoát. Khi chúng tôi đến khu vực này, người dân thống kê đã 35 ngày nước chưa rút do nằm ở thung lũng, không có đường thoát nước. Cả cánh đồng ngập trắng mênh mông, trung bình 1 m, khiến lúa mất trắng, giao thông từ đường bộ chuyển thành đường thủy. Chị Thèng Thị Xuân cho biết, gia đình trồng 5 sào lúa Séng Cù bị mất trắng. Anh Lèng Quán Kháng bảo nhà anh mất có 1 sào thôi nhưng giờ cũng không có tiền để mua gạo ăn. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Huấn chia sẻ: “Thống kê toàn xã chỉ có gần 30 ha lúa thiệt hại, nhưng với mỗi nhà thì thiệt hại rất lớn, bởi họ không còn lương thực và thu nhập. Đến nay xã cũng chỉ động viên bà con đợi hỗ trợ”.

Tan vỡ khát vọng làm giàu

Sau ba năm quân ngũ, Nguyễn Như Dũng, sinh năm 1982 ở Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn (Nghệ An) về quê lấy vợ rồi hai vợ chồng vào TP Hồ Chí Minh làm thuê. Xa quê, thuê nhà đắt đỏ, làm đủ nghề để sống mà vẫn nghèo khổ. Vất vả quá, hai vợ chồng bàn nhau về quê Dũng - nơi gia đình có gần 10 ha đất đồi làm trang trại. Dũng bảo: “Kiếm tiền từng đồng biết bao giờ khá, trong khi đất ở quê lại toàn trồng cây lặt vặt”. Cuối năm 2015, hai vợ chồng quyết định về quê, vay họ hàng, bạn bè và ngân hàng được 800 triệu đồng với quyết tâm làm giàu. Có số vốn trên, Dũng thuê người nạo vét ao, xây chuồng trại, chia lô trồng cỏ voi, keo lai. Bà con hàng xóm tròn mắt bởi khu đồi đất phủ đầy lau lách, cỏ dại xưa nay bỗng thành trang trại sầm uất với đàn lợn thịt hơn 80 con, đàn dê 50 con, bò lai 10 con, hàng trăm gà, vịt và ao cá đầy trê lai. Trong những tháng ngày vất vả, Dũng luôn an ủi và tưởng tượng một ngày mình thành ông chủ trại giàu có. Bao tính toán đầy khả thi: Nuôi lợn sáu tháng lãi gấp đôi, nuôi dê một năm lãi gấp bốn; gà, vịt ba tháng một lứa thu lãi gấp hai lần…

Nhưng thực tế không đơn giản. Bão số 2 năm 2017 đã tàn phá tan hoang 4,2 ha keo lai. Thêm vào đó, từ năm 2016 và kéo dài đến nay, giá lợn giảm liên tục, sau đó là vịt, dê, đã khiến Dũng gần như trắng tay. Chúng tôi thăm trang trại của Dũng vào tháng 10-2017, thấy rừng keo xác xơ, chuồng lợn, dê, gà, vịt trống huếch. Dũng nhẩm tính: Toàn bộ rừng keo lai mất trắng. Về chăn nuôi, tính cả chi phí xây chuồng thì nuôi lợn mất trắng 270 triệu đồng, nuôi dê mất 70 triệu đồng. Gà, vịt hòa vốn, mỗi đàn bò là lãi đủ chi phí xây chuồng và ao cá cho lãi ít. Không còn tiền trả lãi ngân hàng, Dũng đành vay nơi khác 100 triệu đồng, một nửa trả lãi, một nửa lại dùng để đi khắp nơi mua cây, con giống mới, quyết gỡ gạc. Tháng 11-2017, gặp Dũng ra Hà Nội mua cây giống mới, vẫn thấy ở người thanh niên ấy còn nguyên khát vọng làm giàu.

Năm 2014, anh Nguyễn Thái Huy và chị Phạm Thị Lưu ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) quyết định nâng cấp khu chuồng trại chăn nuôi thành khu cung cấp giống lợn khép kín nhờ dự án hỗ trợ ngành chăn nuôi của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. Với quy mô 350 lợn nái, trang trại trở thành điểm cung cấp giống cho 12 tổ hợp tác (120 hộ nuôi) và hộ nuôi lẻ các huyện trong tỉnh. Chị Phạm Thị Lưu cho biết, khoảng năm 2008 - 2009, gia đình chăn nuôi lợn thả đàn, cả nái và lợn thịt, bị dịch bệnh làm chết gần 1.000 con, thiệt hại cả tỷ đồng và bên bờ vực phá sản. Được tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ làm đường và một phần tiền điện, anh chị quyết tâm vay ngân hàng phục hồi trang trại. Năm 2016, trại xuất bán 11 nghìn con giống. Tuy nhiên, do giá lợn giảm mạnh từ nửa cuối năm 2016 đến nay nên giờ trại lợn lại lâm vào tình trạng sản xuất cầm chừng. Chị Lưu than thở: “Giờ có ai chăn nuôi nữa đâu mà mua giống, chúng tôi cũng chỉ biết sản xuất giống cầm chừng và nuôi đàn lợn thịt, chờ ngày giá nhích lên”.

Rất nhiều mô hình sản xuất, dù người đầu tư đã cố gắng phân tích, tính toán kỹ lưỡng chi phí sản xuất, mức lãi, nhưng hiệu quả đem lại lại là câu chuyện khác, chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường. Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy vẫn còn rất nhiều mô hình sản xuất thành công nhờ biết tận dụng lợi thế đặc sản địa phương, dễ tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật