Hướng trục Nga: “muôn nẻo” lựa chọn Triều Tiên trước sức ép cấm vận

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dường như việc quốc tế gia tăng cấm vận lên Triều Tiên không thể làm khó quốc gia Châu Á.
Hướng trục Nga: “muôn nẻo” lựa chọn Triều Tiên trước sức ép cấm vận
Ảnh minh họa

Hãng tin CNBC nhận định, mặc dù đang phải đối mặt với lệnh cấm vận gia tăng của cộng đồng quốc tế, những CHDCND Triều Tiên vẫn còn nhiều sự lựa chọn để tồn tại và phát triển.

Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Triều Tiên là 3,9% - cao nhất kể từ năm 1999. Bình Nhưỡng được cho là đã có quan hệ kinh tế với ít nhất 80 quốc gia trong khoảng thời gian vừa qua.

Hiện chưa rõ, nền kinh tế Triều Tiên trong năm 2017 có kết quả như thế nào, nhưng có vẻ như, năm nay mọi thứ sẽ khó khăn hơn: trong tuần này, Mỹ đã thông báo áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đưa quốc gia Châu Á trở lại danh sách các nước tài trợ khủ‌ng b‌ố.

Mối quan hệ với Trung Quốc

Vốn là những đồng minh thân cận truyền thống, những mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang cho thấy những rạn nứt trong thời gian gần đây.

Giáo sư đến từ Đại học Kookmin (Seoul) Andrei Lankov nhận định, hiện đang có “một bước ngoặt trong chính sách Triều Tiên của Trung Quốc”. Đề cập đến sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho nghị quyết được đánh giá là “nghiêm khắc” nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên, ông Lankov chia sẻ, đây là một động thái khiến nhiều nhà quan sát, bao gồm cả ông, phải ngạc nhiên.

Chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc cũng cho rằng, những gì các nhà lập pháp và học giả Bắc Kinh muốn nói chính là: Trung Quốc đã chịu đựng đủ, và nên chuyển sang một chính sách cứng rắn hơn.

Tuần trước, lần đầu tiên kể từ tháng 2/2017, Trung Quốc đã gửi một đặc phái viên đặc biệt đến Triều Tiên. Các nhà quan sát đánh giá chuyến đi kéo dài bốn ngày có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên hệ quả của nó lại không thể nhìn thấy ngay lập tức.

Về phần Triều Tiên, Bình Nhưỡng gần như chắc chắn sẽ cảm nhận được tác động đến từ cách tiếp cận mới của Trung Quốc. Tháng trước, Bắc Kinh công bố các số liệu, trong đó, giá trị xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm mạnh trong tháng Chín. Nhập khẩu than từ Triều Tiên vào Trung Quốc cũng giảm 71,6% từ năm ngoái, trong khi xuất khẩu xăng dầu giảm 99,6%.

Trục quay hướng sang Nga

Trước sự “lãnh đạm” của Trung Quốc, không ngạc nhiên khi Triều Tiên quay sang tìm kiếm những sự giúp đỡ khác.

Hồi tháng Năm, truyền thông quốc gia nước này cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi lời chúc mừng năm mới đến Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tiên – trước cả nhiều nhà lãnh đạo quốc tế khác.

quan hệ Moscow và Bình Nhưỡng vốn có lịch sử khá lâu đời. Liên Xô từng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất với Triều Tiên trong gần 30 năm trước khi sụp đổ vào những năm 1990. Và giờ đây, dường nhu Nga không giấu giếm ý định “hồi sinh” mối quan hệ này.

Tháng trước, một tập đoàn viễn thông lớn của Nga đã cung cấp đường truyền Internet cho Triều Tiên. Theo tờ Washington Post, đường truyền mới được thiết lập vào thời điểm Bộ tư lệnh không gian mạng Mỹ đang tiến hành các cuộc tấn công chống lại các hacker Triều Tiên.

Hợp tác song phương Nga – Triều chưa dừng tại đó. Cũng trong tháng Năm, tuyến phà kết nối cảng Vladivostok của Nga với Triều Tiên đã được khánh thành. Truyền thông Nga cũng đưa tin, tuyến đường sắt giữa hai quốc gia sẽ được mở rộng trong tương lai gần.

Tuy nhiên, bất chấp các tín hiệu khả quan, giá trị thương mại của Nga và Triều Tiên năm ngoái chỉ đạt 77 triệu USD, giảm mạnh từ 113 triệu USD trong năm 2013.

Con số trên còn lâu mới đạt được như những gì mà Bộ trưởng Phát triển Viễn đông Nga từng tuyên bố năm 2015 là, nước Nga muốn gia tăng giá trị thương mại với Triều Tiên lên 1 tỷ USD vào năm 2020.

Mặt khác, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, xuất khẩu dầu của Nga sang Triều Tiên không được bao gồm trong các thống kê hải quan chính thức. Do vậy, trao đổi thương mại thực tế giữa hai nước ước tính có thể gấp 3 so với những gì đã công bố. Ngoài ra, trong quý đầu năm 2017, thương mại song phương hai nước cũng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 31,4 triệu USD.

Giới học giả nhận định, sự ủng hộ của Nga với Triều Tiên có thể hướng tới nhiều mục đích chiến lược, như kiến tạo hình ảnh quốc gia Châu Âu như một “nhà môi giới” quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế cường quốc của Nga ngay trong tâm trí người dân nước này.

Hình ảnh lá cờ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên tại một tháp quan sát thuộc thị xã Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Đây là vùng biên giới giáp ranh 3 nước Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Mặc dù vậy, Moscow muốn phát triển quan hệ với Bình Nhưỡng như thế nào trong tương lai – vẫn là một câu hỏi khó có câu trả lời chắc chắn.

Benjamin Katzeff Silberstein, một nhà nghiên cứu của viện Nghiên cứu đối ngoại chia sẻ với hãng tin CNBS: “rốt cuộc, rất khó để nói rõ Triều Tiên đang thực hiện thương mại kiểu gì và với những ai”.

“Thương mại của Triều Tiên với các nước khác bên cạnh Trung Quốc, theo nhiều hình thức khác nhau – có lẽ nhiều hơn so với những gì mà chúng ta có thể ghi nhận được. Đặc biệt, mối quan hệ kinh tế với Nga có thể sẽ tăng mạnh trong một vài năm tới, phụ thuộc vào tình hình phát triển của quốc tế,” ông Silberstein nói.

Không chỉ dừng lại ở Nga và Trung Quốc

Theo thống kê chính thức, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Triều Tiên là than và may mặc; tuy nhiên CNBC cho rằng, Triều Tiên còn giao dịch cả vũ khí và xuất khẩu lao động.

Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 50.000 công nhân Triều Tiên hiện đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Nga; ngoài ra, còn có cả các nước như Malaysia, Qatar, Ethiopia và Ba Lan…

Nguồn nhân lực tại nước ngoài – chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và lâm nghiệp – được cho là đã đem về cho Triều Tiên từ 1,2 đến 2,3 tỷ USD.

Theo các nguồn tin Hàn Quốc, năm 2015, giá trị các hợp đồng bán vũ khí của Triều Tiên cũng lên tới 300 triệu USD. Các khách hàng quen thuộc của Bình Nhưỡng bao gồm Syria, Hy Lạp, Yemen, Cuba…

Triều Tiên cũng có mối quan hệ thương mại với một số quốc gia Châu Phi. Ước tính, giá trị giao dịch giữa Triều Tiên và các bạn hàng đến từ Châu Phi vào khoảng 100 triệu USD/năm.

Hiện Liên Hợp Quốc đang tiến hành điều tra 7 nước Châu Phi có thể đã vi phạm các lệnh cấm vận áp dụng cho Triều Tiên, như đặt hàng dự án xây dựng và mua vũ khí…

Tập đoàn Triều Tiên Mansudae Overseas Projects được cho là người thực hiện phần lớn các hoạt động của nước này tại thị trường Châu Phi. Một vài dự án của Mansudae bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng tại Namibia, cũng như loạt tượng các nhà lãnh đạo Châu Phi có kích thước khổng lồ…

Liên Hợp Quốc cũng đã áp dụng biện pháp ngăn chặn việc buôn bán các bức tượng trên của Triều Tiên, nhằm đáp trả lại cuộc thử nghiệm hạt nhân mà nước này đã tiến hành hồi tháng Chín.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật