Những trận chiến bí mật trên bầu trời Liên Xô thời chiến tranh Lạnh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ bắn rơi máy bay trinh sát U-2 của Mỹ chỉ là một trong những trận chiến bí mật diễn ra trên bầu trời Liên Xô trong chiến tranh Lạnh.
Những trận chiến bí mật trên bầu trời Liên Xô thời chiến tranh Lạnh
Một chiếc RB-50G của không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Trong giai đoạn 1950-1960, máy bay Mỹ từng nhiều lần xâm phạm không phận Liên Xô, buộc lược lượng không quân và phòng không nước này phải đáp trả. Nổi bật nhất là vụ máy bay trinh sát U-2 của không quân Mỹ bị bắn rơi, nhưng đó không phải trận đánh duy nhất trên bầu trời Liên Xô vào thời chiến tranh Lạnh đầy căng thẳng, theo Sputnik.

Bắn hạ bằng mọi giá

Ngày 29/7/1953, biên đội MiG-17 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô được lệnh xuất kích khẩn cấp, sau khi radar phát hiện một máy bay lạ xâm phạm không phận Liên Xô ở vùng Vladivostok. Khi áp sát mục tiêu, phi công Liên Xô nhìn thấy một oanh tạc cơ trinh sát RB-50G của Mỹ đang bay ở độ cao 10.000 m và hướng tới đảo Askold, không xa cảng nhà của Hạm đội Thái Bình Dương.

Chiếc RB-50G nhanh chóng khai hỏa các khẩu pháo nhằm vào biên đội MiG-17. Một loạt đạn bắn trúng tiêm kích dẫn đầu do trung úy Alexander Rybakov điều khiển, tạo ra nhiều lỗ thủng trên thân máy bay. Tuy nhiên, chiếc MiG-17 vẫn đủ khả năng hoạt động và tiếp tục bám đuổi mục tiêu.

Nhận thấy không còn cách nào khác, biên đội tiêm kích Liên Xô quyết định bắn hạ mục tiêu. Chỉ sau vài phút, chiếc RB-50G vỡ tung thành nhiều mảnh và đâm xuống biển. phi công phụ John Ernst Roche là người duy nhất sống sót trong 18 thành viên tổ lái.

Chưa đầy hai năm sau, vào tháng 4/1955, một trận chiến khác lại diễn ra trên không phận vùng Viễn Đông của Liên Xô. Trinh sát cơ RB-47E của không quân Mỹ cũng tìm cách do thám căn cứ quân sự Liên Xô, trước khi đối đầu với hai máy bay MiG-15 và bị bắn hạ, khiến cả ba thành viên tổ lái thiệt mạng.

Vụ bắn rơi máy bay U-2

Francis Gary Powers, phi công của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trở nên nổi tiếng khắp thế giới vào tháng 5/1960 khi bị bắn hạ trong lúc điều khiển máy bay trinh sát U-2C xâm nhập sâu tới 2.000 km trong lãnh thổ Liên Xô. Chưa đầy một tháng trước đó, Powers đã chụp nhiều bức ảnh độ nét cao về các dự án bí mật tại bãi thử Semipalatinsk, Kazakhstan. tiêm kích và các hệ thống phòng không Kazakhstan không thể chạm tới chiếc U-2C, buộc Liên Xô triển khai một hệ thống tên lửa hiện đại để tiêu diệt máy bay do thám Mỹ.

Vận may của Powers chấm dứt vào ngày 1/5/1960. Khẩu đội tên lửa phòng không S-75 Dvina tại Sverdlovsk khai hỏa lúc 9h sáng, bắn trúng chiếc U-2C ở độ cao 21 km và phá hủy hoàn toàn phần đuôi của nó. Các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng dành lời khen cho phi công Mỹ, cho biết Powers vẫn giữ được bình tĩnh và ngồi yên trong buồng lái khi chiếc U-2C vỡ thành từng mảnh. phi công này phải chờ rơi xuống độ cao an toàn mới bật ghế phóng thoát hiểm.

Francis Gary Powers bên cạnh chiếc U-2C trước khi do thám Liên Xô. Ảnh: CIA.

Tuy nhiên, Liên Xô cũng phải chịu thiệt hại trong vụ việc, khi một quả đạn S-75 bắn trúng tiêm kích MiG-19 đang bám đuôi máy bay U-2C, khiến người điều khiển là đại tá Sergei Safronov thiệt mạng. Một phi cơ MiG-19 khác cũng suýt bị bắn nhầm, nhưng kịp tránh tên lửa vào khoảnh khắc cuối cùng.

Ban đầu, Mỹ khẳng định không có máy bay do thám trên không phận Liên Xô, cho rằng lực lượng phòng không nước này đã bắn nhầm một phi cơ nghiên cứu khí tượng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã làm chính phủ Mỹ mất mặt khi cho trưng bày xác máy bay U-2C cùng hàng loạt bằng chứng về hoạt động do thám của nó, cũng như tiết lộ phi công Powers còn sống và khai nhận đầy đủ nhiệm vụ.

Vụ bắn rơi chiếc U-2C gây hậu quả chính trị nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới. Hội nghị thượng đỉnh Đông - Tây, dự kiến tổ chức tại Paris, Pháp vào giữa tháng 5/1960, bị hủy bỏ. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower cũng hủy chuyến thăm Moscow.

Tòa án tối cao Liên Xô kết án 10 năm tù đối với Powers vì tội làm gián điệp. Tới tháng 2/1962, phi công Mỹ được trả tự do để đổi lấy điệp viên Rudolf Abel của Liên Xô.

Đúng hai tháng sau vụ bắn rơi chiếc U-2C của Powers, một máy bay B-47H thuộc Không đoàn do thám chiến lược số 55 của Mỹ xâm nhập không phận Liên Xô ở khu vực biên giới giáp Na Uy. Nó nhanh chóng bị phát hiện và bắn rơi bởi tiêm kích MiG-19 do trung úy Vasili Poliakov điều khiển.

Trong 6 thành viên tổ lái, chỉ có phi công phụ Bruce Olmstead và hoa tiêu John McKone sống sót. Hai người này bị giam trong nhiều tháng, trước khi được thả vào tháng 1/1961. Một tháng sau vụ việc, Liên Xô bàn giao cho Mỹ hài cốt của một thành viên tổ lái.

Cú đâm cảm tử của tiêm kích MiG-21

Tháng 11/1973, thiếu tá phi công Shokouhnia của không quân Iran và đại tá John Saunders thuộc không quân Mỹ ngồi trên một máy bay trinh sát RF-4C của Iran xâm phạm không phận Liên Xô.

Máy bay trinh sát RF-4C của không quân Iran. Ảnh: Wikipedia.

Liên Xô điều một tiêm kích MiG-21SM lên đánh chặn máy bay Iran. Đại úy phi công Gennady Yeliseyev phóng tên lửa vào chiếc RF-4C nhưng không quả nào trúng mục tiêu. Ông quyết định thực hiện hành động chưa từng xảy ra trong lịch sử tiêm kích phản lực, đó là đánh đòn cảm tử bằng cách lao thẳng vào chiếc máy bay Iran.

Cánh tiêm kích MiG-21SM cắt qua đuôi chiếc RF-4C, khiến cả hai mất điều khiển. Đại úy Yeliseyev không kịp phóng ghế thoát ly và thiệt mạng, trong khi tổ lái RF-4C nhảy dù an toàn và bị bắt ngay sau đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật