“Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thiết kế một bộ tài liệu riêng về đạo đức, lối sống thanh lịch cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn.
“Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”
Một tiết học về đạo đức lối sống có tình huống thực tiễn của học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội. ẢNH: THCS Nguyễn Công Trứ

Ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ đã hòa nhã, nề nếp

Từ năm học 2010 – 2011, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được đưa vào giảng dạy trong các trường học của TP. Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, phù hợp với tâm sin‌ּh l‌ּý của học sinh nên theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ giữa người với người như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu hòa nhã hơn.

Qua 5 năm thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, bộ tài liệu đã góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người học sinh thanh lịch, văn minh.

Cô Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân chia sẻ, các trường học trên địa bàn quận đã thực hiện lồng ghép giảng dạy những nội dung trong bộ tài liệu trong các môn học khác như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân…, kết hợp trong giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt Đoàn, Đội… từ đó học sinh ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội và cảm thấy tự hào với vai trò của những công dân Thủ đô trong tương lai.

Các giáo viên đều cho rằng bộ tài liệu về “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” rất hay, ở chỗ cho phép giáo viên có thể vận dụng nhiều tình huống thực tiễn, không hề cứng nhắc. Ngay trên lớp học, các cô có thể dựng các tình huống như: Đi đường va chạm xe, ứng xử thế nào?

Gặp người già đi qua đường, em nên làm gì? Thấy các bạn đánh nhau, việc đầu tiên cần làm là gì? Từ tình huống thực tế đó, các em được trình bày nguyện vọng cá nhân, các thầy cô có thể nắm bắt được tâm tư của học sinh để có những giáo dục, định hướng cho phù hợp.

Bộ tài liệu này có tính “mở” khi không chỉ các em học sinh và giáo viên tham gia, mà còn có những phần tương tác với phụ huynh, học sinh, tạo sự liên kết giữa gia đình và nhà trường.

Chị Nguyễn Thường, có con học tại THPT Phan Huy Chú bày tỏ niềm vui rằng: Hàng ngày ở gia đình, con có những chuyển biến tích cực như ăn uống từ tốn, chọn trang phục phù hợp, gọn gàng, biết thưa gửi với mọi người lễ phép và tình cảm.

Đạo đức là một quá trình dài, không thể nản lòng

Với việc đưa vào giảng dạy bộ tài liệu về đạo đức, nếp sống thanh lịch cho học sinh ở Hà Nội, nhiều giáo viên đã có những sáng tạo góp phần quan trọng trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm viết về chuyên đề giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, trong đó có 159 sáng kiến được xếp loại cấp TP. Các học sinh các nhà trường có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, lối sống, ứng xử, giao tiếp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh.

GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh rằng: Các nhà trường cần tăng cường giảng dạy bộ tài liệu để lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh đến tất cả các thầy cô giáo và học sinh trong trường.

Giáo dục về đạo đức là một quá trình lâu dài, nhất là đối với học sinh hư. Rõ ràng, không thể qua một bài giảng, các em có thể ngoan ngay. Nhiều học sinh tham gia đánh bạn, bị đình chỉ học, lại tiếp tục đánh bạn lần nữa. Đó là thói quen lặp lại của tuổi trẻ khi nhận thức chưa được đầy đủ, “thừa năng lượng” và cái tôi cá nhân, tâm lý thích thể hiện lại quá cao.

Dạy các em về đạo đức, lối sống, trước tiên cần sự tận tâm của giáo viên chủ nhiệm, như cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh – trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa với sáng kiến kinh nghiệm đạt giải B cấp ngành với đề tài “Dạy tích hợp bộ tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội để nâng cao chất lượng lớp chủ nhiệm” chia sẻ: Giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và phân loại học sinh theo nhóm. Đặc biệt chú ý đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: Đó là những học sinh thuộc gia đình thiếu bố (mẹ) hoặc cả hai.

Do bố mẹ li hôn nên các con có thể chỉ ở với mẹ hoặc với bố, cũng có những con ở với ông bà hay cô, dì, chú, bác. Đa số các con đều có hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn về mặt tình cảm. Các con được ông bà hay bố (mẹ) chiều chuộng, có lẽ là để bù đắp những thiệt thòi, nên có lối sống tự do, tính khí nóng nảy, lười học, mải chơi, không vươn lên trong học tập.

Từ việc phân loại nhóm học sinh mới có hình thức tích hợp dạy đạo đức, nếp sống trong từng bài giảng cho phù hợp. Bởi tâm lý, suy nghĩ của các em khác nhau, không thể yêu cầu các em cùng suy nghĩ giống nhau. Giáo viên phải rất kiên trì mới có thể thay đổi nhận thức của các em được.

Cố nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, người tham gia thẩm định bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” có lần tâm sự: “Tôi từng nghĩ khi mình nói về văn hóa người Hà Nội, nhất là cho giới trẻ, có lúc như “đá ném ao bèo, không thấy bọt tăm sủi lên”, nhưng nếp sống nếp nghĩ là một quá trình dài, không thể nản lòng. Với các cháu học sinh, quá trình dài đó cần sự nêu gương để có chuyển biến nhận thức, không thể vội vàng được”.

Nói như PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP HCM: Cô giáo thiết kế một bài giảng 30 phút, khó đòi hỏi sau 30 phút ấy các em có kỹ năng sống, có đạo đức tốt.

Tương tự đối với học sinh tham gia B.L học đường, không thể chỉ qua một bản kiểm điểm, vài ngày đình chỉ học mà ngoan lên. Sau đó, còn là quá trình theo dõi dài lâu và cho các em tham gia vào các trải nghiệm thực tế để hiểu hành động đúng sai.

Đó chính là điểm tiến bộ trong bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, khi “mở” và nhiều tình huống thực tế. Bộ tài liệu cho thấy phù hợp thực tế với học sinh Hà Nội, phát huy được nét thanh lịch truyền thống của người Hà Nội, giúp học sinh tự hào và biết khắc phục những hiện tượng chưa chuẩn mực, chưa văn minh ngay từ cấp tiểu học, tạo điều kiện cho học sinh lên các cấp học cao hơn phát triển toàn diện mọi mặt, sống có văn hóa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật