Zimbabwe hoãn thi Hoa hậu Bạch tạng vì binh biến

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc thi Hoa hậu Bạch tạng Zimbabwe 2017 phải dời sang năm sau do những biến động liên quan đến cuộc binh biến của quân đội.
Zimbabwe hoãn thi Hoa hậu Bạch tạng vì binh biến
Từ trái sang phải: Thí sinh Cindy Zikwature, người sáng lập cuộc thi Brenda Mudzimu và thí sinh Monalisa Manyati. Ảnh: NPR.

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bạch tạng Zimbabwe 2017 thông báo sự kiện được lên kế hoạch diễn ra vào tối 17/11 này sẽ bị hoãn sang năm sau, sau khi quân đội Zimbabwe tiến hành cuộc binh biến và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe từ ngày 15/11, NPR hôm qua đưa tin.

"Chúng tôi hoãn cuộc thi vì lý do an toàn của 15 thí sinh", Memory Munyoro, người điều phối dự án tại Hiệp hội Bạch tạng Zimbabwe tổ chức cuộc thi, cho biết.

Cuộc thi Hoa hậu Bạch tạng đầu tiên diễn ra ở Kenya năm 2016. Brenda Mudzimu, một sinh viên Zimbabwe mắc bạch tạng theo học ngành điều dưỡng, đã đứng ra kêu gọi tổ chức cuộc thi năm nay tại một nhà hát có 461 chỗ ngồi ở Zimbabwe với mong muốn truyền sự tự tin cho những cô gái mắc bạch tạng và nâng cao nhận thức của cộng đồng. 

Các thí sinh có độ tuổi từ 18 đến 34 từ khắp Zimbabwe sẽ tham gia các phần hát, ngâm thơ, mặc trang phục truyền thống của châu Phi và ứng xử. Ban giám khảo 4 người gồm một người mắc bạch tạng, một người từng đăng quang ở một cuộc thi sắc đẹp khác và hai nhà thiết kế thời trang. Giải thưởng bao gồm hàng tạp phẩm, mỹ phẩm và tiền mặt từ 100 đến 250 USD.

"Loại sự kiện này cố thu hẹp khoảng cách giữa quan niệm về vẻ đẹp và bạch tạng, đồng thời cho thấy cả hai có thể cùng tồn tại", Ikponwosa Ero, chuyên gia người Nigeria của Liên Hợp Quốc về vấn đề bạch tạng, nói. 

Theo bà Ero, cuộc thi còn nhằm chống lại sự thờ ơ của xã hội với những người nằm trong nhóm "bị bỏ lại xa nhất phía sau".

Tại Zimbabwe hay nhiều quốc gia châu Phi khác, việc mắc bạch tạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số nền văn hóa coi các bộ phận c‌ơ th‌ể của người bạch tạng có thể dùng để chữa bệnh hoặc mang lại sự giàu có. Vì vậy, tóc, da và chi của người bạch tạng được bán trên chợ đen, với trẻ em là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất.

Thí sinh Monalisa Manyati, sinh viên luật 21 tuổi, cho biết từng bị quấ‌ּy rố‌ּi khi sống ở ngoại ô Mabvuku, thủ đô Harare. "Tôi còn nhớ nhiều năm trước bị bọn trẻ bám theo, ném đá và gọi tôi là người bị lột da. Giờ đây khi đi trên phố tôi vẫn nhận được những bình luận khiếm nhã", Manyati nói.

"Tôi muốn trở thành nguồn cảm hứng cho người khác", Manyati chia sẻ về quyết định đăng ký dự thi. Cô cho biết việc thấy những cô gái mắc bạch tạng khác cũng đã tiếp thêm cho cô sức mạnh.

"Ngày nào đó, tôi muốn có phòng thí nghiệm riêng để sản xuất kem chống nắng cho tất cả những người mắc bạch tạng ở Zimbabwe. Việc đăng quang Hoa hậu Bạch tạng Zimbabwe sẽ là bàn đạp cho tôi", thí sinh Rutendo Musa, sinh viên ngành khoa học sinh học nói. Những người mắc bạch tạng có nguy cơ cao mắc ung thư da do thiếu sắc tố melanin.

Tuy nhiên, mong ước của họ phải tạm hoãn trong bối cảnh tình hình Zimbabwe chưa ổn định. Tổng thống Mugabe, 93 tuổi, không chịu từ chức bất chấp sức ép từ quân đội và người dân. 

Đảng cầm quyền ZANU-PF cho rằng ông Mugabe khiến kinh tế Zimbabwe "lao dốc chưa từng thấy" trong 15 năm qua và không tôn trọng nguyên tắc thượng tôn Pháp Luật. Đảng này dự kiến bắt đầu luận tội để phế truất ông vào ngày mai. 

Với ban tổ chức, việc cuộc thi bị hoãn sang ngày 16/2/2018 đồng nghĩa họ có thêm thời gian để kêu gọi nhà tài trợ nhằm tăng giá trị giải thưởng, chuẩn bị phần sân khấu trình diễn catwalk và mua các chương trình quảng cáo trên truyền hình và phát thanh để quảng bá sự kiện.

Với các thí sinh, trong cái rủi lại có cái may. "Tôi thừa nhận ở mức độ nào đấy việc trì hoãn gây thất vọng nhưng đây cũng là một sự may mắn. Giờ đây chúng tôi có thêm thời gian để hoàn thiện cách bước đi như những người mẫu thời trang", Manyati nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật