Thanh Hóa: Giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố trong năm 2018

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU (ngày 25/10) của Ban thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố.
Thanh Hóa: Giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố trong năm 2018
Ảnh minh họa

Theo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có 5.971 thôn, tổ dân phố; trong đó có 5.401 thôn thuộc 573 xã, 570 tổ dân phố thuộc 34 phường và 28 thị trấn. Bình quân mỗi thôn, tổ dân phố có 10 cán bộ hoạt động không chuyên trách, bao gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn (hoặc tổ trưởng tổ dân phố), trưởng ban công tác mặt trận, thôn đội trưởng, tổ viên bảo vệ an ninh trật tự thôn (hoặc tổ dân phố), nhân viên y tế thôn.

Ngoài những người hoạt động không chuyên trách nêu trên, ở thôn, tổ dân phố còn có: khuyến nông viên, bí thư chi đoàn, chi hội trưởng các hội: phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân và nhiều trưởng các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp như: chữ thập đỏ, khuyến học, người cao tuổi... đang được hưởng hỗ trợ một phần phụ cấp từ đóng góp của người dân ở cộng đồng dân cư.

So với yêu cầu thực tế, tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố đã và đang bộc lộ hạn chế, bấp cập. Toàn tỉnh hiện có 3.733 thôn, tổ dân phố, chiếm 62,5% tổng số thôn, tổ dân phố chưa đạt tiêu chí dân số theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV (ngày 31/8/2012) của Bộ Nội vụ.

Nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô quá nhỏ, số hộ dân quá ít, có thôn chỉ có 13 hộ (71 nhân khẩu) nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách, trưởng các đoàn thể, trưởng các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp như những thôn, tổ dân phố có quy mô lớn.

Số lượng thôn, tổ dân phố quá nhiều làm cho bộ máy ở thôn, xã cồng kềnh, số lượng người hoạt động không chuyên trách, trưởng các đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân ở cơ sở rất lớn.

Để góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; đồng thời nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực của Nhà nước kết hợp với nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội ở cộng đồng dân cư.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố (tương ứng trên 20%) so với hiện nay.

Toàn tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thành việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/6/2018.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật