Zimbabwe - nơi 90% dân số thất nghiệp

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Zimbabwe được nhớ đến nhiều nhất nhờ lạm phát hàng trăm triệu phần trăm, tỷ lệ thất nghiệp 90% và phần lớn người dân sống trong nghèo khổ.
Zimbabwe - nơi 90% dân số thất nghiệp
Người dân Zimbabwe đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị tồi tệ. Ảnh: EPA

Tổng thống Zimbabwe - Robert Mugabe đang bị chỉ huy quân đội nước này quản thúc tại gia, sau gần 4 thập kỷ lãnh đạo đất nước. Từ một trong những quốc gia giàu có nhất châu Phi, quản trị sai lầm, nội tệ mất giá và tham nhũng đã khiến Zimbabwe tuột dốc không phanh. Lạm phát có lúc chạm 231 triệu phần trăm giữa năm 2008 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 90% hiện tại.

Theo BBC, dưới đây là những số liệu nổi bật nhất về nền kinh tế này.

90% - tỷ lệ thất nghiệp ước tính

Dựa trên số liệu của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), World Bank ước tính tỷ lệ thất nghiệp tại đây chỉ là 5% năm 2016. Tuy nhiên, công đoàn thương mại lớn nhất Zimbabwe khẳng định con số này năm nay đã lên tới 90%.

Dù vậy, định nghĩa thất nghiệp của WB chỉ áp dụng với những người “tìm việc mà không có”. Còn những người không muốn tìm việc vì nhiều lý do như “cảm thấy cơ hội việc làm ít, bị hạn chế về khả năng di chuyển, bị phân biệt đối xử, gặp rào cản về văn hóa - xã hội” lại không được tính.

CIA thì ước tính tỷ lệ này năm 2009 là 95%, nhưng không có số liệu hiện tại.

231 triệu phần trăm - Lạm phát tháng 7/2008

Sau cuộc cải cách đất năm 2000, kinh tế Zimbabwe bắt đầu loạng choạng. Chính phủ khi ấy yêu cầu các chủ đất da trắng giao nộp lại trang trại cho người Zimbabwe không có đất. Việc này đã khiến sản xuất nông nghiệp đột ngột giảm mạnh.

Khi lương thực cơ bản thiếu thốn triền miên, ngân hàng trung ương lại tăng tốc in tiền để nhập khẩu. Hậu quả là lạm phát phi mã xảy ra.

Người dân Zimbabwe chở tiền đi chợ. Ảnh: Palpa India

Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Zimbabwe cho thấy lạm phát tháng 7/2008 tại đây lên tới 231 triệu phần trăm. Giới chức sau đó phải đầu hàng việc theo dõi chỉ số này hằng tháng, khi lạm phát chạm đỉnh gần 80 tỷ phần trăm giữa tháng 11 cùng năm.

Vào thời điểm cuối tháng 6/2008, người ta phải mất 600 triệu đôla Zimbabwe để mua một chiếc bánh mì. Còn một chai dầu ăn 2 lít có giá tới 5 tỷ đôla. Tờ tiền mệnh giá cao nhất khi đó là 100.000 tỷ Zimbabwe.

Lạm phát phi mã đã khiến giá hàng hóa tại các cửa hàng nước này thay đổi đến vài lần mỗi ngày. Hàng hóa cơ bản thiếu trầm trọng và người dân mang tiền đi chợ phải chở bằng xe cút kít.

Quốc gia này đã phải từ bỏ đồng tiền chính thức chỉ một năm sau đó, khi tỷ giá lên tới 35 triệu tỷ đôla Zimbabwe đổi một đôla Mỹ. Các giao dịch tại đây giờ phần lớn thực hiện bằng đôla Mỹ, rand Nam Phi và vài tiền tệ khác.

16,3 tỷ USD - GDP năm 2016

Khủng hoảng kinh tế - chính trị giai đoạn 2000 - 2008 gần như thổi bay nửa GDP của Zimbabwe. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đây là tốc độ co lại lớn nhất của một nền kinh tế trong thời bình.

Kinh tế Zimbabwe chỉ phục hồi một thời gian ngắn, sau đó lại rơi vào suy thoái, do thương mại giảm sút và nhiều đợt hạn hán lớn. Tổng thống Mugabe thì đổ lỗi cho phương Tây, nhất là Anh. Ông cho rằng đây là kịch bản các nước thực hiện để phế truất ông, vì đã tịch thu đất của người da trắng.

74% - dân số sống dưới 5,5 USD một ngày

Cảnh sát bắt giữ một người tham gia bạo loạn năm ngoái. Ảnh: Reuters

Khủng hoảng kinh tế và chính trị đã khiến tỷ lệ nghèo đói ở đây tăng cao. Giai đoạn 2000 - 2008, con số này lên tới hơn 70%, WB cho biết. Việc này đã khiến số người nghèo cùng cực ở đây chiếm 20% dân số.

Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều nước châu Phi cận Sahara khác - nơi 41% dân số sống dưới 1,9 USD một ngày năm 2013.

81 - số thuê bao di động trên mỗi 100 người

Điện thoại di động là công cụ giao tiếp hàng đầu với người Zimbabwe. Tuy nhiên, dù hầu hết người dân có điện thoại, chỉ 43% có đài, 37% có TV và 10% có máy tính, theo Khảo sát Sức khỏe và Dân số Zimbabwe năm 2015.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật