ĐBQH Ngọ Duy Hiểu giải thích đề xuất cho một số công chức làm việc ở nhà

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay 15/11, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng nhiều công việc khi đến cơ quan chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thành công cho người lao động làm việc ở nhà.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu giải thích đề xuất cho một số công chức làm việc ở nhà
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội)

Đến cơ quan chưa chắc quản lý được người lao động

Thảo luận tại tổ hôm 14/11, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề xuất  nhiều lĩnh vực cán bộ, công viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Bởi theo vị đại biểu này, khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Đại biểu Hiểu phân tích người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước… Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin là có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Vì vậy, chúng ta đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà.

Trả lời câu hỏi vậy ngành nghề nào có thể áp dụng việc không quản lý thời gian, ông Hiểu cho rằng, ở đây chúng ta chọn những ngành, những nghề, những lĩnh vực và đối tượng lao động, từng cơ quan lao động.

“Phải chọn lĩnh vực, chọn ngành nghề nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, quản trị phần mềm, ngay cả kinh doanh. Ví dụ như taxi truyền thống chúng ta quản lý người lái xe bằng rất nhiều cách nhưng nhìn lại thì hiệu quả không bằng Uber, Grab. Mà Uber, Grab chỉ quản lý đầu vào còn sau đó họ cho anh hoàn toàn chủ động nhưng doanh số, quản lý của họ lại rất chặt. Cái chính ở đây là ứng dụng công nghệ thông tin cho việc kinh doanh của họ,

Mục tiêu đặt ra ở đây là tính hiệu quả công việc đòi hỏi chính nhà quản lý đổi mới tư duy. Ta đừng nghĩ đến cơ quan là quản lý được họ về công việc. Ngay cả đến cơ quan ta cũng không quản lý được vì cách thức họ làm, đến ngày họ chậm ta vẫn phải làm, họ không xong ta vẫn phải sửa, không phải vì họ chậm mà chúng ta kỷ luật. Thực tế đã chứng minh, ở các cơ quan lao động đều là hoàn thành trở lên là chủ yếu, rất hiếm khi có người không hoàn thành mặc dù chất lượng công việc ở hầu hết các cơ quan có tới 80%-90% đơn thư của dân chưa được giải quyết, nhiều công việc giải quyết chậm”- ông Hiểu nhấn mạnh.

Hạn chế "chính sách trên trời cuộc đời dưới đất"

Theo ông Hiểu, nhiều cơ quan có thể chủ động cho thí điểm ở tại đơn vị mình. Nhiều doanh nghiệp của mình đã làm thành công cho nên chả có lý do gì ở khu vực hành chính mà chúng ta không làm được.

Ngoài đối tượng công chức viên chức làm lĩnh vực nghiên cứu khoa học ông Hiểu cũng cho rằng những người quản trị phần mềm, những người xây dưng dự án, chính sách, kể cả với những người quản trị webisite, những người kinh doanh bán hàng … cũng có thể áp dụng hình thức này.

“Rất nhiều chính sách của chúng ta hiện nay thiếu hơi thở cuộc sống, đã từng có câu “chính sách trên trời và cuộc đời dưới đất” chính vì cán bộ công chức của chúng ta cứ loanh quanh với những đồng nghiệp cũ của mình mà thiếu hơi thở cuộc sống, thiếu cơ quan đơn vị nơi anh đến”- ông Hiểu nhấn mạnh.

Ông Hiểu phân tích, không đến cơ quan làm việc đỡ được nhiều chi phí điện nước, giấy tờ tài liệu. Đặc biệt giảm được họp hành rất nhiều, họp hành làm mất rất nhiều thời gian. “Thay vì một lãnh đạo cứ phải đi đôn đốc, kiểm tra các phòng đang làm việc như thế nào thì chính ông lãnh đạo cũng ngồi để tư duy suy nghĩ và người kia chủ động làm việc để gửi lại kết quả sau đó đánh giá theo các nhóm. Khi có không gian làm việc mới mẻ, nhiều ý tưởng hơn thì chắc chắn là kết quả công việc sẽ tốt hơn”- ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, hiện chúng ta chưa thay đổi cách quản lý lao động, do đó chúng ta cần phải tiếp cận mục tiêu hiệu quả công việc. Việc chấm công quẹt thẻ đối với một số cơ quan hiện nay đúng với một số cơ quan nhưng thực tế cũng gây ức chế cho nhiều người lao động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật