Sinh vật ngoại lai tiêu diệt gen bản địa

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự kiện Công ty cổ phần nhập khẩu thủy sản Cần Thơ vừa nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ, một trong những loài động vật xâm hại nguy hiểm nhất, một lần nữa lại đặt ra vấn đề quản lý các loài sinh vật ngoại lai gây hại ở Việt Nam. Các chuyên gia cho biết, các loài này có nguy cơ tiêu diệt, làm xáo trộn nguồn gen bản địa...
Sinh vật ngoại lai tiêu diệt gen bản địa
Rùa tai đỏ, một loại sinh vật cảnh được ưa chuộng nhưng lại là mối nguy hại cho môi trường sống.

Gây rối loạn hệ thống gen

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ  tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết, các loài sinh vật xâm hại hầu như ít được chú ý  đến ở Việt Nam cho đến nửa đầu thập kỷ 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát. Kết quả nghiên cứu về sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam, bước đầu đã xác định được một số loài nguy hiểm như: cây mai dương, cây ngũ sắc, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá trê phi...

Đặc điểm chung của các loài này là gây hại, dễ thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, suy giảm các loài bản địa.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Phòng tài nguyên  môi trường nước, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, sinh vật ngoại lai xâm nhập bằng nhiều con đường, chính ngạch, tiểu ngạch hoặc tự nhập nên khó kiểm soát. Chúng gây ra hoạt động chèn ép các loài bản địa và trở thành loài tối ưu. Ở một số loài có khả năng thụ tinh chéo, chúng còn làm rối loạn hệ thống gen các loài sinh vật bản địa.

Thực tế đã nhìn thấy nhiều loài ngoại lai đã lấn át hoàn toàn loài bản địa. Cá trôi Ấn Độ đã trở thành loài cá được sử dụng phổ biến hiện nay, cá  trôi ta dường như không còn nữa, đã bị trôi Ấn Độ lấn át hết dù thịt cá trôi ta rất thơm và ngon. Cá trê phi cũng vậy, khắp nơi chỉ thấy người ta bán cá trê phi chứ  hầu như không thấy bán cá trê ta nữa.

Rùa tai đỏ phát triển rất nhanh và hiện hồ Hoàn Kiếm đang có nhiều  loài rùa này. Chúng lấn át hết các loài thủy sinh vật khác trong môi trường đó. Một loài cũng giống như rùa tai đỏ là cá Pidan Nam Mỹ, ban đầu chúng được nuôi làm cá cảnh, nhưng càng lớn chúng càng xấu và người ta thả ra các ao hồ, vì thế chúng lấn át và chiếm lĩnh môi trường sống của các loài khác.

Càng lạ càng phải cẩn trọng

Thống kê các loài cá  và thủy sinh ngoại lai ở Việt Nam có thể  lên đến 40 - 60 loài, tính cả cá cảnh và tảo thì có thể đến hơn 100 loài.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, thực tế đã cho thấy, cá trê phi, ốc bươu vàng, chuột hải ly khi về Việt Nam với mong ước là tạo ra một nguồn lợi mới. Những lợi ích kinh tế ban đầu như cá to, nặng ký, rùa có màu sắc bắt mắt làm cảnh, sinh sản nhanh... khiến người ta chưa tính đến những tác hại của loài với nguồn gen bản địa.

So với các loài rùa khác, rùa tai đỏ được nuôi làm cảnh vì có hình thức rất đẹp. Hai bên tai sau mắt có dải màu đỏ hoặc cam, mai có sọc xanh và vàng, yếm màu vàng tươi có chấm tròn màu đen.

Tuy nhiên, khi lớn lên, yếm của chúng biến thành màu đen trông rất xấu xí. Khi đó, người nuôi sẽ ném rùa ra ngoài sông hồ. Từ đó rùa tai đỏ mới phát triển và sinh con đẻ cái trên khắp thế giới.

Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, ốc bươu vàng là một loài thuộc nhóm ốc lớn có nguồn gốc từ Nam Mỹ được nhập khẩu vào Việt Nam và trở thành một nguồn thực phẩm cung cấp cho người và động vật nuôi.

Tuy nhiên, ốc bươu vàng, vốn là loài động vật ăn khoẻ, phát triển nhanh đã trở thành một "thảm họa" đối với các đồng ruộng của Việt Nam, trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và rau muống.

Cây ngũ sắc, cây mai dương (cây trinh nữ) được coi là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn cực kỳ nguy hiểm. Đây là  loại cây dễ phát tán và thích nghi với môi trường nên có thể lan tràn rất nhanh và trên diện rộng, gây nên những hậu quả xấu đối với môi trường như lấn át, loại trừ và làm suy giảm các loài sinh vật và nguồn gen, phá vỡ cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, phá hại mùa màng, làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi...

Cẩn trọng trước những loài lạ là yếu tố quan tâm hàng đầu với những nguồn sinh vật ngoại lai.

Một số động thực vật ngoại lai có mặt tại Việt Nam

Rùa tai đỏ
 
Rùa tai đỏ nằm trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Rùa tai đỏ là loài rùa sống nửa nước nửa cạn. Chúng thường lên bờ để phơi nắng và ăn thức ăn dưới nước. Rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thường được buôn bán với số lượng lớn dùng để làm sinh vật cảnh vì chúng có màu sắc rất đẹp và khả năng thích nghi cao. Chúng có thể sống ở mọi môi trường, thời tiết, thổ nhưỡng khác nhau. Vì thế, những vụ buôn bán loài rùa này thường lên đến vài nghìn con. Việt Nam cũng là một trong những nơi nhập khẩu và trung chuyển rùa tai đỏ với số lượng lớn.
 
Hiện ở một số ao, hồ của Hà Nội cũng xuất hiện khá nhiều loài rùa này. Chúng sống ở những con sông, kênh rạch có bùn lầy để ăn sinh vật trong đó và sinh sản. Mức độ sinh sản của chúng rất lớn, chỉ trong vòng một vài tháng chúng đã có thể nhân nuôi từ một vài con thành một quần thể. Vì không phải là loài rùa bản địa nhưng lại dễ dàng thích nghi với điều kiện sống ở Việt Nam cho nên chúng được phân bố không tập trung ở một vùng nào.
 
 So với các loài rùa khác, rùa tai đỏ được nuôi làm cảnh vì có hình thức rất đẹp, hai bên tai sau mắt có dải màu đỏ hoặc cam, mai có sọc xanh và vàng, yếm màu vàng tươi có chấm tròn màu đen. Tuy nhiên, khi lớn lên thì yếm của chúng biến thành màu đen trông rất xấu xí. Đó là nguyên nhân để những người mua rùa tai đỏ nhỏ về làm sinh vật cảnh, khi chúng lớn lên và không còn đẹp nữa thì ném rùa ra ngoài sông hồ. Từ đó rùa tai đỏ mới phát triển và sinh con đẻ cái trên khắp thế giới. Chương trình bảo tồn Rùa Châu Á cảnh báo đây là loài rùa xâm hại đến sự sống của các sinh vật khác, làm tổn hại môi trường.
 
Cây mai dương
 
Mai dương (Mimosa pigra) là loài thực vật ngoại lai xâm nhập nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Mỹ (nên còn có tên là Móc mèo Mỹ hay Trinh nữ ). Chúng du nhập vào Việt Nam qua tàu, bè, gió... Loài này được nghi nhận lần đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng năm 1979.

Đến nay, cây mai dương đã xuất hiện khắp trong cả nước. Đây là loại cây không kén đất, phát tán nhanh và chưa ở đâu tiêu diệt được loài cây xâm lược này. Chúng ưa vùng đất bán ngập nhưng có thể sống tốt trên đất dốc, sinh sản bằng hạt và bằng cách phân nhánh rất khỏe. Mỗi m2 cây mai dương có đến 200 hạt. Nơi nào mai dương mọc thì không cây nào có thể mọc được trừ vài loài cỏ lá nhọn rất dễ cháy vào mùa khô. Ở nhiều nơi như Vườn Quốc gia Tràm Chim, Cát Tiên... loài cây này đang xâm lấn nhanh và chiếm lĩnh thay thế dần các thảm thực vật tự nhiên, đe dọa sự sống của các loài chim... 
 
 Cây ngũ sắc 
 
Cây ngũ sắc (Lantana camara L) được coi là một trong 100 loài sinh vật ngoại lại xâm lấn cực kỳ nguy hiểm. Cây này du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm trước. Đây là loại cây dễ phát tán và thích nghi với môi trường nên có thể lan tràn rất nhanh và trên diện rộng.

Thực tế cho thấy, cây này gây nên những hậu quả xấu đối với môi trường và đa dạng sinh học bản địa như lấn át, loại trừ và làm suy giảm các loài sinh vật và nguồn gen, phá vỡ cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, phá hại mùa màng, làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi... Mặc dù, chúng ta đã nhận thức và cố gắng tiêu diệt, nhưng hiện cây ngũ sắc vẫn phát triển rất nhanh và mọc nhiều ở ven đường quốc lộ.
 
Chuột hải ly
 
Chuột hải ly (Myocastor coypus) được nhập vào Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX do loài này có thể cung cấp thịt để ăn, da và lông để xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian được nhập khẩu vào Việt Nam, các nhà khoa học đã nhận thấy đây là loài sinh vật cực kỳ gây hại. Chúng thuộc loài gặm nhấm, phát triển nhanh có nguy cơ cạnh tranh thức ăn với các loài khác, phá hủy các công trình, đê điều... Tính đến cuối năm 2002, toàn bộ số chuột hải ly đã được tịch thu và tiêu hủy. Hiện nay, loài này được cho là đã được loại bỏ khỏi Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật