Lời cảnh tỉnh cuối cùng

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TT - Ngày 26-10, văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Hà Nội đã công bố báo cáo Triển vọng môi trường toàn cầu 2007 (GEO-4) với thông điệp mạnh mẽ: Môi trường Trái đất đang dần tới ngưỡng giới hạn. Sự tồn vong của nhân loại phụ thuộc việc chúng ta bắt tay vào hành động từ hôm nay, chứ không phải ngày mai!
Lời cảnh tỉnh cuối cùng
Kẹt xe trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Tiêu thụ không bền vững

Là công trình soạn thảo của khoảng 390 chuyên gia, báo cáo cho biết nhiệt độ Trái đất có thể sẽ nóng lên 1,8-4OC trong thế kỷ này. Lũ lụt gia tăng đã khiến gần 100.000 người thiệt mạng và tác động tới 1,2 tỉ người khác trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ 1992-2001. Với VN, điều này có thể dẫn tới tình cảnh mất nhà cửa của 20 triệu người nếu nước biển dâng cao thêm 1m, theo báo cáo tháng 6-2007 của UNDP. “Nếu những xu hướng hiện nay tiếp tục như vậy, sẽ có 1,8 tỉ người sống thiếu nước hoàn toàn” - báo cáo GEO-4 dự đoán.

Những xu hướng đó, theo GEO-4, là ô nhiễm nước, đất đai, đa dạng sinh học, bầu khí quyển không hề giảm sau 20 năm - kể từ khi Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển đưa ra báo cáo với lời cảnh báo: sự tồn vong của nhân loại đang gặp hiểm nguy vì phát triển không bền vững! Một trong số các thủ phạm chính được điểm mặt chỉ tên: tiêu thụ không bền vững.

“Trước đây chúng ta có thể sống với những nhu cầu năng lượng đơn giản hơn, như ánh sáng và quạt điện, nay thì điều hòa nhiệt độ đã trở thành vật không thể thiếu trong nhiều gia đình thành thị” - bà Nguyễn Ngọc Lý, trưởng phòng phát triển bền vững của UNDP VN, lý giải tình hình tiêu thụ không bền vững ở VN. Bà Lý dẫn lời cố thủ tướng Ấn Độ Gandhi như một cách lý giải cho việc đảm bảo nhu cầu phù hợp với yêu cầu phát triển: “Nếu tất cả người dân Ấn Độ mong muốn được sống như người Mỹ, tức là mỗi nhà đều có ôtô riêng, thì đất đai của Ấn Độ không đủ để chứa lượng ôtô ấy”.

Bà Lý cho rằng việc báo cáo xem những nghiên cứu về thực trạng môi trường toàn cầu là “lời cảnh tỉnh cuối cùng” - ám chỉ môi trường Trái đất đã đạt tới năng lực chịu đựng tới hạn - có phần cường điệu về ngôn từ nhưng thể hiện đúng tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường. Cách đây 12 năm, các nhà quản lý của TP.HCM từng tính tới nguy cơ thành phố trở thành một Bangkok thứ hai như một viễn cảnh xa xăm, nay thì trong chừng mực nào đó, ô nhiễm ở TP.HCM không khác gì Bangkok, nếu chưa muốn nói là tệ hại hơn vì tình cảnh ngập lụt triền miên không lối thoát.

“Xe máy từng là niềm mơ ước của nhiều người, nay thì ôtô ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra là liệu lượng tiêu thụ như vậy có cần phải ở mức độ đó hay có thể giảm mà vẫn phục vụ tốt các mục tiêu mong muốn” - bà Nguyễn Ngọc Lý, trưởng phòng phát triển bền vững của UNDP Việt Nam, cho biết.

Môi trường ở VN kém nhất ASEAN

Châu Á-Thái Bình Dương trả giá cao cho sự tiến bộ, GEO-4 nhận định. Các chính sách môi trường và kinh tế không được lồng ghép đầy đủ, gây thách thức lớn cho chất lượng không khí đô thị, thiếu nước ngọt, sử dụng đất nông nghiệp (liên quan trực tiếp tới an ninh lương thực)... VN không là ngoại lệ. Trong biểu đồ so sánh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của báo cáo, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội cao hơn TP.HCM một bậc, và chỉ chịu thua kém vài thành phố đã quen tên vì ô nhiễm như Bắc Kinh, Thượng Hải…

Cách đây hai năm, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), một báo cáo của Đại học Yale (Mỹ) đã xếp hạng VN đứng cuối trong tám nước ASEAN (không tính Singapore và Brunei) về độ an toàn của môi trường, và xếp thứ 98 trên tổng số 117 nước đang phát triển. Cho tới nay, đây là một trong các báo cáo hiếm hoi đã lượng hóa tình hình ô nhiễm trên toàn cầu để đưa ra một bảng xếp hạng tương đối như vậy.

Ông Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm Quan trắc và thông tin môi trường - Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết tiếp theo báo cáo môi trường nước năm ngoái, trong tháng 12 năm nay cục cùng các bên liên quan sẽ ra mắt báo cáo môi trường không khí. Ông Tùng cũng bày tỏ tham vọng hoàn thành việc xây dựng chỉ số môi trường bền vững cho riêng VN trong năm 2008. Ông cho biết nếu trừ đi thiệt hại về môi trường thì tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của nước ta sẽ bị suy giảm.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật