Chết mòn vì rác công nghệ

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nước phát triển phương Tây mỗi năm thải ra hàng triệu chiếc máy tính cũ, hàng trăm nghìn trong số đó được đưa đến châu Phi, trở thành kế sinh nhai cho những đứa trẻ nhặt rác. Các chất độc trong những thiết bị điện tử này đang hủy hoại sức khỏe và tương lai của một thế hệ trẻ em Lục địa Đen.
Chết mòn vì rác công nghệ
Với khoảng 1 euro kiếm được mỗi ngày ở bãi rác, những đứa trẻ nghèo này không biết đang phải sống ở “địa ngục”

“Vùng đất bị nguyền rủa”

Tại Accra, Ghana, người ta đã đặt cái tên “Vùng đất bị nguyền rủa” cho vùng đất phía đông của thành phố này. Đây là nơi tập kết hàng núi phần cứng máy tính cũ để hàng đoàn người cặm cụi đập vỡ, đốt cháy chúng rồi nhặt nhạnh các mẩu kim loại trong tro bụi khét lẹt. 

Một cậu bé len lỏi giữa các đống tro đốt phế liệu, một tay cậu cầm chiếc loa cũ dò dẫm trong than tro, tay kia là chiếc túi nhỏ đựng các mảnh nhôm lẫn lõi sợi đồng của cáp điện hay các mô tơ nhỏ trong ổ cứng máy tính. Nam châm bên trong chiếc loa cũ kia giúp cậu thu gom các mẩu kim loại vụn.

Mang cái tên khá lạ tai đối với một đứa trẻ châu Phi, Bismarck nhặt nhạnh tất cả những gì cậu tìm được. Khi túi đầy cậu đem bán cho các cửa hàng thu gom phế liệu để lấy tiền mua gạo và rau về cho gia đình. Hôm nay, cậu vẫn chưa thu hoạch được gì nên vẫn sục sạo các đống tro than. Axít chảy loang trên đất, khói đen hôi xì từ các đống mảnh nhựa cháy. Nước con sông chảy qua đây cũng trở nên đen kịt, đặc quánh như dầu mỏ. Gió từ đại dương thổi vào mang theo khói vào sâu trong thành phố. Người dân sống ở đây luôn cảm thấy phổi mình đau nhói.

Đây không phải là thành phố duy nhất ở châu Phi có “vùng đất bị nguyền rủa” và    Bismarck chỉ là một trong số hàng nghìn đứa trẻ đang kiếm miếng ăn trên đống rác thải công nghệ độc hại từ bên kia đại dương.

Liên hợp quốc ước tính hiện mỗi năm toàn thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử. Để xử lý đúng quy chuẩn một màn hình máy tính thế hệ cũ tại Đức sẽ tốn khoảng 3,5 euro (tương đương 5,3 USD). Nhưng người ta sẽ chỉ tốn 1,5 euro nếu vất chúng vào container rồi đưa lên tàu chở sang Ghana.

Ngành công nghiệp triệu đô

Công ước Basel có hiệu lực từ năm 1989 đã cấm các nước phát triển đưa rác thải máy tính sang các nước kém phát triển hơn. Tổng cộng có 172 nước đã ký công ước này nhưng nước thải ra nhiều máy tính cũ nhất thế giới - Mỹ đã không phê chuẩn văn kiện trên. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, mỗi năm nước này cho hơn 40 triệu chiếc máy tính thành phế liệu. Tại Đức, quốc gia có luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt nhất thế giới, việc vận chuyển rác thải công nghệ sang các nước thế giới thứ ba là phạm pháp và người phạm tội sẽ phải chịu án tù. Nhưng đó chỉ là lý thuyết.

Theo một nghiên cứu Cơ quan Môi trường liên bang Đức, hệ thống kiểm soát rác thải công nghệ của nước này đã có nhiều lỗ hổng. Các công ty xuất khẩu tại Đức mỗi năm đã chuyển 100.000 tấn rác điện tử sang các nước phương Nam, vượt xa con số mà các chuyên gia đã ước tính.

“Đây là ngành công nghiệp triệu đô, là một thứ gì đó gần như là tội ác”, chuyên gia Knut Sander của viện Môi trường Okopol tại Hamburg nói. Sander là người chủ trì công trình nghiên cứu về “xuất khẩu” rác điện tử sang châu Phi nói trên. Ông đã nhận được nhiều lời đe dọa nặc danh.

Ở cách Hamburg nhiều nghìn kilômét, có một người tên Ninicyi, ăn vận khá tử tế, đeo dây chuyền vàng và đi giày - khác xa với nhiều người châu Phi. Ông ta cũng nói tiếng Anh khá lưu loát và biết cách biện luận cho sự chính đáng của công việc đang làm. “Công việc này tốt cho một bộ phận người dân Ghana, điều đó cũng tương tự ở nhiều nước khác”, Ninicyi nói. Ông cũng nói rằng trong số hàng điện tử cũ nhập về từ các nước châu Âu, có một tỷ lệ khá cao thiết bị vẫn còn có thể sử dụng và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Ghana. Nhưng có lẽ Ninicyi chưa bao giờ phải hít khói độc.

Địa ngục

Tất cả những đứa trẻ như Bismarck ở Ghana biết rằng các máy tính cũ này ẩn chứa thứ gì đó không tốt dù chúng đã được dùng 10 hay 20 năm, là sản phẩm của Dell, Apple, IBM hay Siemens. Khi hít phải khói từ những lần đốt các ổ cứng máy tính cũ, bọn trẻ cảm thấy choáng váng, cổ họng đau rát. Tro bụi len vào các phế nang và chúng cảm thấy phổi đau nhói. Các vết ban đỏ xuất hiện trên da và khi chúng gãi xước ra, bụi độc sẽ bám vào khiến vết loét ngày càng lớn.

Ngay từ ngày đầu tiên đến kiếm sống tại bãi rác công nghệ này, bọn trẻ đã được cảnh báo rằng chúng đã bước vào địa ngục, nhưng hơn hết, chúng không còn sự lựa chọn nào khác, chúng đến Accra, từ các tỉnh phía Bắc nghèo khổ của Ghana.

Giờ thì đôi khi Bismarck, 15 tuổi cảm thấy như thể trí nhớ rời bỏ em. Em chỉ nhớ có lần một người đàn ông da trắng đến đây và lấy mẫu máu các em cùng mẫu đất tại đây. Em cũng không biết rằng kết quả xét nghiệm mẫu máu của em đã được đăng tải trên trang web của Hội Y khoa Hoàng gia Anh. Người ta đã xác định được rằng hàm lượng các chất chì, cátmi, thủy ngân, dioxin, furan hay polychlorinated biphenyls trong máu của   Bismarck đã vượt xa hàng chục lần ngưỡng an toàn. Và em cũng đã trở thành một mẫu nghiên cứu về tác hại chì đối với bộ não người.

Với trí nhớ đang mất dần ở tuổi thiếu niên, Bismark vẫn nhớ rằng mình đến từ làng Techiman, ở miền Trung Ghana. Làng quê em không có điện và người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhà của họ được đắp bằng đất bùn. Cha em đã bỏ lên thành phố kiếm sống và không quay về nữa, mẹ em thì ốm đau quanh năm. Em đã lên thành phố được gần 3 năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật