Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản “sống chung“ với động đất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản luôn trong tình trạng báo động, dù chúng luôn được khẳng định có thể chịu được động đất cực mạnh. Tuy chưa có thảm họa nào xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản hoàn toàn “miễn dịch” với động đất.
Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản “sống chung“ với động đất
Các nhà máy điện hạt nhân đáp ứng 34,5% nhu cầu điện của Nhật Bản

Động đất, nỗi ám ảnh với nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản

Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến năng lượng hạt nhân từ những năm 1950. Nhưng mãi đến năm 1970, nước này mới xây dựng được nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ đầu tiên với sự giúp đỡ của Mỹ. Trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, số lượng lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản mọc lên như nấm.

Trước đó, ngay từ năm 1973, Nhật Bản đã coi năng lượng hạt nhân là ưu tiên chiến lược quốc gia nhằm thay thế năng lượng nhập khẩu chiếm tới 61% nhu cầu của nước này. Năm 2008, sau khi đưa vào sử dụng thêm 8 nhà máy điện hạt nhân mới, Nhật Bản đã trở thành nước sử dụng năng lượng hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới với tổng số 55 lò phản ứng hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp 34,5% lượng điện cho Nhật Bản.

Lượng Plutonium của 55 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản có thể chế tạo 10.000 quả bom hạt nhân tương đương với quả bom mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki. Trong khi đó, các sản phẩm hạt nhân phân rã có thể chế tạo được 40.000 quả bom nguyên tử loại đã thả xuống Hiroshima.

Một lò phản ứng có công suất 1.000 MW có thể sinh ra lượng phóng xạ lớn gấp hàng chục nghìn tỷ lần mức độ chịu đựng của con người. Nếu chúng bị rò rỉ thì sẽ tạo ra thảm họa thực sự đối với con người. Nhiên liệu hạt nhân phải mất tới 100.000 năm mới có thể phân rã hoàn toàn để trở thành trung tính.

Chính vì lẽ đó, động đất luôn là nỗi ám ảnh với các lò hạt nhân Nhật Bản. Bởi nếu không lường trước điều này, thảm họa xảy ra không thể hình dung được.

Tiêu chí thiết kế lò hạt nhân của Nhật Bản

Các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản được thiết kế để có thể chịu được các trận động đất và các hiện tượng thiên tai khác. Các khâu thiết kế và thi công các nhà máy điện hạt nhân luôn tuân theo các tiêu chí nghiêm ngặt đặc biệt hơn so với các công trình phi hạt nhân khác.

Tiêu chí đầu tiên là việc chọn địa điểm để đặt máy điện hạt nhân. Ở Nhật Bản, bất kỳ nơi nào đều có nguy cơ xảy ra động đất vào bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, việc chọn địa điểm không hoàn toàn là tìm những khu vực không xảy ra động đất để đặt nhà máy điện hạt nhân. Vấn đề cơ bản đầu tiên chính là nền móng. Người Nhật chọn những khu vực có kết cấu địa chất ổn định để giảm thiểu tác động rung lắc khi xảy ra động đất.

Trận động đất tại Kobe năm 1995 khiến gần 7.000 người thiệt mạng và phá hủy hầu hết nhà cửa trong khu vực

Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đều được trang bị các thiết bị phát hiện động đất. Khi ghi nhận những cơn địa chấn vượt mức cho phép (khoảng 6,7 độ Richter), thiết bị này sẽ tự động tắt các lò phản ứng trong tích tắc. Thiết bị này đã được kiểm chứng vào năm 1995 khi mà trận động đất tại Kobe có cường độ lên tới 7,2 độ Richter không gây thiệt hại cho nhà máy điện hạt nhân tại đây.

Ủy ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản (NSC) sau đó đã đưa ra tiêu chí xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có đủ sức trụ vững trong điều kiện động đất mạnh 7,75 độ Richter. Riêng nhà máy tái chế Rokkasho của Nhật Bản có khả năng đứng vững trong điều kiện xảy ra động đất mạnh tới 8,25 độ Richter, vì nhà máy này được xây dựng trên một nền địa chất ổn định.

Sống chung và sống sót sau động đất
 
 Các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản luôn trong tư thế sẵn sàng “lắc” mỗi khi xảy ra động đất. Một số trận động đất lớn có ảnh hưởng đến các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản trong những năm trở lại đây phải kể đến gồm:
 
 Ngày 16/8/2005, 3 lò phản ứng Onagawa của Tohuku đã phải ngừng hoạt động vì động đất mạnh 7,2 độ Richter phía Đông Bắc đảo Honshu. Phải đến tháng 5/2006, các lò phản ứng này mới hoạt động trở lại. Rất may, không có thiệt hại lớn nào xảy ra.
 
 Tháng 7/2007, một trận động đất mạnh 6,6 độ Richter ở phía Tây đảo Honshu đã gây cháy nhà máy điện hạt nhân Kariwa và làm rò rỉ hơn 1.000 lít chất lỏng nhiễm phóng xạ ra biển. Các lò phản ứng cũng đã buộc phải đóng cửa sau sự cố này.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa bị cháy và rò rỉ phóng xạ sau trận động đất mạnh 6,8 độ Richter năm 2007

Hồi tháng 8/2009, một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter cũng đã buộc lò phản ứng số 3 và 4 của nhà máy điện hạt nhân Hamaoka phải ngừng hoạt động. Đến tận tháng 5 vừa rồi, chúng mới vận hành trở lại.

Ngoài ra, rất nhiều trận động đất khác buộc nhiều nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản phải ngừng hoạt động trong thời gian ngắn. Tuy chưa có thảm họa nào xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản hoàn toàn “miễn dịch” với động đất.

Cuộc tranh cãi về mức độ an toàn của năng lượng hạt nhân trên thế giới vẫn đang tiếp diễn khi mà một số nước tiên tiến, trong đó có Đức cũng đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của mình vào năm 2020.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật