GS Nguyễn Cảnh Toàn, nhà giáo dục đi trước thời đại

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đi ngược quan niệm giáo viên dạy cấp thấp chỉ cần đào tạo trình độ thấp, GS Toàn chủ trương tất cả giáo viên phải qua đại học.
GS Nguyễn Cảnh Toàn, nhà giáo dục đi trước thời đại
GS Đinh Quang Báo, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về tư tưởng của GS Nguyễn Cảnh Toàn. Ảnh: Thùy Linh

Tại hội thảo “GS. NGND Nguyễn Cảnh Toàn với dạy học sáng tạo và tự học suốt đời” tổ chức sáng 30/9 ở Hà Nội, nhiều nhà toán học, nhà giáo dục chia sẻ đóng góp to lớn cho giáo dục của người thầy lớn trong làng Toán Việt Nam.

Đề ra cách học "sáu mọi”

Sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, GS Nguyễn Cảnh Toàn không chỉ là nhà toán học tài năng, có nhiều công trình nghiên cứu lớn mà còn là nhà sư phạm mẫu mực, dành cả cuộc đời theo đuổi sự nghiệp đổi mới và sáng tạo giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn.

Ông có tư tưởng đi ngược với lối mòn. Chẳng hạn, trong một bài viết trên tạp chí Dạy và Học Ngày nay do ông làm chủ tịch hội đồng biên tập, GS Toàn nhận xét phần lớn mọi người nghĩ học gắn liền với kiến thức mà không nghĩ đến tư duy. Khi nói đến khoa học, hầu hết chỉ nêu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà quên mất khoa học tư duy. Kiến thức này chỉ có ở môn Triết học thuộc bậc đại học nhưng hầu hết sinh viên chỉ học đối phó. Nhiều nhà Toán học chỉ biết làm toán, không biết vận dụng tư duy trong luận án của mình.

Thực tế, tư duy sẽ dẫn đến những khái niệm như quan điểm, tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận và những phẩm chất như tư duy độc lập, bản lĩnh kiên trì chân lý, thính nhạy với các quy luật… Theo GS Toàn, việc dạy và học trong nhà trường của Việt Nam chưa qua khỏi học kiến thức, còn xa mới vượt lên đến những bậc thang trừu tượng ở trên kiến thức và do đó việc nắm kiến thức cũng thiếu chiều sâu.

“Với GS Toàn, tư duy là một môn học trong nhà trường. Tư duy và nhân cách quan trọng hơn kiến thức. Tư tưởng của ông phát triển từ quan niệm của thiên tài Einstein, nếu chỉ cần sự kiện và thông tin thì chẳng cần có nhà trường như ngày nay. Nhiệm vụ của nhà trường là giúp các em học về tư duy và cọ xát với thực tế”, GS Đinh Quang Báo đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi GS Toàn từng làm hiệu trưởng, chia sẻ. 

Từ những năm 1960, khi “dạy học truyền thụ một chiều” đang phổ biến thì GS Toàn đưa ra quan điểm “biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”. Với triết lý “nội lực là quyết định, ngoại lực là hỗ trợ”, ông có niềm tin vào khả năng tự học của mỗi người, có quan hệ mật thiết với phát triển tư duy. Ông đề ra cách học "sáu mọi”, bao gồm: học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi vấn đề, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh.

Phương pháp này có liên hệ với phương châm “học nhi bất yếm” (học không biết chán) của Khổng Tử và tinh thần học tập POWER (sức mạnh) của phương Tây. POWER là viết tắt của Planning (vạch kế hoạch phù hợp), Organizing (tổ chức thực hiện kế hoạch), Working (làm việc một cách khoa học theo kế hoạch đề ra), Evaluating (tự đánh giá kết quả), Recognizing (xây dựng nhận thức mới qua từng quá trình). Chẳng cần chuẩn bị gì, chỉ cần có ý thức học, mỗi người đều có thể thành công. Bản thân GS Toàn cũng là tấm gương tự học thành tài.

Khái niệm tự học cũng dẫn đến tự nghiên cứu, được GS Toàn xem là cốt lõi trong giảng dạy. Giảng dạy phải đi đôi với nghiên cứu, nếu giáo viên không nghiên cứu thì không thể giảng dạy tốt được.

Tiên phong bồi dưỡng trường chuyên, lớp chọn

Có mặt tại hội thảo, PGS Đặng Quốc Bảo thông tin, cách học "sáu mọi” thuộc mô hình nhà trường 4-6-10 mà GS Toàn muốn xây dựng. Trong đó, số 4 là dạy theo “bốn sức”: sức chứa của trò, sức hút của trò, sức thấm của trò và sức chế biến của trò. Số 10 là mười vấn đề tư duy liên quan đến sự hợp tác sư phạm của thầy - trò: tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy quá trình - tư duy Angorit, tư duy khoa học chứng nghiệm, tư duy kỹ thuật công nghệ, tư duy kinh tế, tư duy chính trị và tư duy quản lý.

“Thầy trăn trở, lo âu khi nhận xét nhiều nhà trường hiện nay hoạt động theo kiểu 2 - 4 - 8. Đó là sự dạy học gò bó trong hai bìa sách, đóng khung trong bốn bức tường khép kín và giới hạn theo cung cách tám giờ làm việc hành chính quan liêu”, GS Bảo nói.

Nhận thấy những bất cập của ngành, GS Toàn đề xuất tư tưởng chiến lược giáo dục các thế hệ trẻ Việt Nam về học Toán và sáng tạo Toán học. Ngay giữa thời kỳ kháng chiến gian khổ, GS Toàn tiên phong cho khái niệm trường chuyên, lớp chọn, với mong muốn phát triển tiềm năng của các thanh niên đam mê Toán học.

Thực tế, ý tưởng bồi dưỡng học sinh giỏi Toán tại thời điểm đó khiến nhiều người nghi ngại vì thiếu đủ thứ, từ thầy cô có trình độ đến thông tin và thiết bị. Vẫn giữ vững lập trường, GS Toàn cùng các nhà Toán học hàng đầu đất nước như GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy… khởi xướng các kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc dành cho học sinh cấp ba, mở rộng dần ra cho học sinh cấp hai và cấp một.

Nhiều nhà toán học tài năng của đất nước đã trưởng thành từ các kỳ thi đó như GS Hà Huy Khoái, GS. NGND Nguyễn Tự Cường, GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Đàm Thanh Sơn…

Nhiều nhà giáo và học sinh có mặt tại hội thảo kỷ niệm 91 năm ngày sinh của GS. NGND Nguyễn Cảnh Toàn. Ảnh: Thùy Linh

Nhìn lại thành công của nhiều thế hệ học sinh trên trường quốc tế, GS Vũ Quốc Chung (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét GS Toàn chính là người đi trước thời đại, từng bước tái cấu trúc mô hình nhà trường, mô hình giáo dục ở Việt Nam từ rất sớm.

Năm 1964, GS Toàn cũng đã biết tận dụng sức mạnh truyền thông khi sáng lập tờ báo Toán học và Tuổi trẻ, mang đến những bài toán lý thú và thổi bùng ngọn lửa đam mê Toán học. Đây được xem là cách chuyển tải nội dung giáo dục hiệu quả ngoài sách giáo khoa.

Giải quyết bài toán giáo viên

Với tầm nhìn xa của nhà quản lý chiến lược giáo dục, GS Toàn chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Ông chỉ ra rằng năng lực nghề nghiệp của giảng viên và giáo viên được phát triển tốt nhất trong quá trình thực hành. Ông tổ chức dịch và biên soạn hàng loạt tài liệu đào tạo, tham khảo cho giảng viên và giáo viên phổ thông để cải thiện tình trạng thiếu thốn tài liệu lúc bấy giờ.

Đi ngược quan niệm giáo viên dạy ở cấp học thấp thì chỉ cần đào tạo ở trình độ thấp, GS Toàn, nguyên Thứ trưởng Giáo dục, đề xuất chủ trương tất cả giáo viên đều phải được đào tạo ở trình độ đại học, triển khai ngay sau ngày thống nhất đất nước. Từ năm 1983, Bộ đã mở hệ đào tạo thí điểm giáo viên tiểu học có trình độ đại học (hệ chuyên tu), đào tạo ba năm đối với giáo viên tốt nghiệp trung học sư phạm. Khóa giáo viên đầu tiên nhận bằng tốt nghiệp tại Đại học Sư phạm Hà Nội mùa hè năm 1987, đánh dấu cột mốc có ý nghĩa lịch sử trong đào tạo giáo viên tiểu học ở Việt Nam.

Lớp đào tạo giáo viên tiểu học trình độ đại học hệ tại chức đầu tiên khai giảng tháng 11/1990 tại Trung tâm đào tạo tại chức Hải Hưng (nay là Hải Dương), sau đó là các lớp đào tạo tại chức tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An… Tiếp theo, một dấu mốc đặc biệt quan trọng nữa từ năm 1992 là khóa đầu tiên đào tạo giáo viên tiểu học trình độ đại học hệ chính quy được mở tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là kết quả tích cực, đuổi kịp các nền giáo dục tiên tiến sau 12 năm tích cực chuẩn bị và học giỏi kinh nghiệm.

“Theo GS Toàn, với trình độ đại học, giáo viên không phải là thợ dạy mà là nhà giáo dục, có thể sáng tạo nhất trong lao động nghề nghiệp của mình”, GS Vũ Quốc Chung cho hay.

Tuy nhiên, do lịch sử để lại, nhiều thế hệ thầy cô chỉ được đào tạo ở trình độ sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng. Họ gặp nhiều thách thức trong việc phát triển năng lực chuyên môn. Để giải quyết bài toán này, GS Toàn là người đầu tiên đề xuất phương thức đào tạo và bồi dưỡng giáo viên từ xa. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt về trình độ của đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS Việt Nam. Phương thức bồi dưỡng đầu bờ cho giáo viên; thường xuyên, liên tục và tại chỗ; mặt đối mặt và online là thuật ngữ quen thuộc đối với giáo viên thời đó.

Kết luận tại hội thảo, GS Nguyễn Như Ý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tự học, Tổng biên tập tạp chí Dạy và Học đánh giá: "Tư tưởng của GS Nguyễn Cảnh Toàn là di sản của ngành giáo dục, được hệ thống và phát triển cho đến ngày nay như lấy người học làm trung tâm; giảm hàn lâm, tăng thực hành; giảng dạy đi đôi với nghiên cứu...".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật