Ông chủ Facebook trần tình cảnh éo le giữa hai làn đạn

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi Tổng thống Donald Trump tố Facebook “chống Trump”, không ít người lại cáo buộc chính Facebook giúp ông Trump đến với ghế tổng thống khiến tỉ phú Mark Zuckerberg phải lên tiếng.
Ông chủ Facebook trần tình cảnh éo le giữa hai làn đạn
Ảnh minh họa

3.000 quảng cáo "có vấn đề"

Dòng trạng thái trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 27-9 khẳng định "Facebook luôn chống Trump" đã buộc Mark Zuckerberg phải lên tiếng kêu oan bằng một bài viết dài trên Facebook cá nhân ngày 28-9. Mark khẳng định Facebook là nơi ý tưởng và ý kiến của mọi người được giãi bày.

Mark cho biết trong số hàng trăm triệu quảng cáo liên quan đến cuộc bầu cử, họ phát hiện hơn 3.000 quảng cáo có vấn đề và đã cung cấp toàn bộ nội dung cho các điều tra viên quốc hội hôm 21-9.

Thật ra Facebook không hề muốn chia sẻ những thông tin này từ đầu nhưng sau khi xem lại chính sách về quyền riêng tư và quy định pháp lý, công ty đã thay đổi quyết định. 

"Tôi không muốn Facebook bị lợi dụng để hủy hoại nền dân chủ. Sự chính trực của cuộc bầu cử là nền tảng cho dân chủ trên khắp thế giới" - Mark viết.

Được biết giá trị của hơn 3.000 quảng cáo chính trị này khoảng 100.000 USD, nhiều khả năng đã được các đối tượng xuất phát từ Nga chi mua trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Trong đó một số bài nhấn mạnh sự ủng hộ của nhóm phụ nữ Hồi giáo dành cho bà Hillary Clinton - ứng viên Đảng Dân chủ, và một số bài phân tích về sự chia rẽ của xã hội ở Hoa Kỳ.

Phải kiểm soát quảng cáo chính trị trực tuyến

Các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị nhận định lĩnh vực quảng cáo chính trị trên nền tảng trực tuyến không thể tiếp tục bị bỏ ngỏ.

"Tôi nghĩ quảng cáo chính trị cần được kiểm soát kỹ hơn, tốt hơn họ nên tự kiểm soát. Bằng không, các quy định sẽ được đặt ra để làm việc đó. Có thể họ đã có các quy định này rồi và như thế thì rõ ràng là nó chưa đủ mạnh mẽ và minh bạch" - ông Brent McGoldrick, chuyên gia về quảng cáo chính trị, đảng viên Đảng Cộng hòa, nói.

Chính Mark Zuckerberg tuần trước cũng đã tuyên bố sẽ nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn hành động thao túng thông qua quảng cáo chính trị. 

Cụ thể, Facebook sẽ tăng thêm nhân sự để đảm bảo tính "công khai, minh bạch" quá trình mua và đăng quảng cáo. Người dùng sẽ biết được ai đã chi tiền mua quảng cáo gì và tất cả các quảng cáo bên mua đang chạy.

Mọi người dùng cũng sẽ nhìn thấy tất cả các quảng cáo chính trị, dù nội dung của chúng chỉ hướng đến một nhóm đối tượng nhỏ. 

Công ty sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà điều tra và các công ty công nghệ khác để chia sẻ thông tin về các chiến dịch quảng cáo có vấn đề.

Tuy nhiên, những thay đổi Facebook đưa ra được xem là nhỏ so với những ràng buộc về quảng cáo chính trị mà truyền hình và báo in phải tuân thủ, trong đó có trách nhiệm từ chối quảng cáo. 

Các quy định hiện hành đối với quảng cáo trực tuyến khiến cả các nhà quản lý lẫn người dùng khó biết tiền mua một quảng cáo nào đó xuất phát từ đâu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật