Họa sĩ Huế mở triển lãm nghệ thuật mới đầy sang trọng tại Đà Nẵng

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Sang trọng” không phải ở những chất liệu đắt tiền mà chỉ là rơm rạ, tre trúc, mía, chuối… gần gũi với đời sống người Việt nhưng vẫn phảng phất phong cách mang đậm chất cung đình Huế, để chuyển tải triết lý “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”!
Họa sĩ Huế mở triển lãm nghệ thuật mới đầy sang trọng tại Đà Nẵng
Triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông“ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chiều 30/9 (Ảnh: HC)

Một không gian sang trọng nhưng tinh tế đến lạ lùng, khiến nhiều người phải choáng ngợp đã lần đầu tiên xuất hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Đó là triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông”, một triển lãm nghệ thuật thị giác đặc biệt, phiên bản 2017, của Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam và họa sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên bộ môn Đồ họa, trường Đại học Nghệ thuật Huế), khai mạc chiều 30/9 và kéo dài đến ngày 14/10.

Triển lãm được thực hiện bởi 10 nghệ sĩ thuộc Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, thực hiện từ giữa năm 2016 đến tháng 3 năm 2017. Trước đó, phiên bản 2016 của “TRÚC CHỈ- Lời của sông” cũng đã được trưng bày tại viện Goethe Hà Nội (tháng 7/2016).

Triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ trưng bày hệ thống tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật Trúc chỉ; bao gồm hình tượng dòng sông Trúc chỉ dài hơn 120m, 12 mô hình trụ đứng Trúc chỉ đa nghĩa, gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng miền Trung: Linga-yon‌ּi với hệ thống hình ảnh gọi nhớ quê hương…

Triển lãm được trưng bày từ ngoài sân...

Cùng với đó là hệ thống tác phẩm Trúc chỉ treo tường cùng chủ đề, motif hình ảnh, khai thác hiệu ứng bề mặt. Bên cạnh đó, hệ thống tác phẩm Trúc chỉ được bố trí phần sân của Bảo tàng sẽ khai thác ánh sáng tự nhiên… cùng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và video bổ trợ. Tất cả sẽ được bố trí hòa hợp, thành một “đối thoại” với không gian triển lãm.

Triển lãm cũng tổ chức “Trò chuyện với nghệ sĩ” với diễn giả là họa sĩ Phan Hải Bằng và khách mới danh dự là PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương (Khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam), nhằm giúp khán giả có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nội dung, tư tưởng và ý nghĩa của tác phẩm triển lãm; về khái niệm, ý niệm, quá trình hình thành và quan niệm của Trúc chỉ với người sáng lập Trúc chỉ và các nghệ sĩ thuộc dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. Đặc biệt là đóng góp của Trúc chỉ cho nghệ thuật tạo hình và đồ họa Việt Nam một loại hình mới và thuật ngữ “Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy”.

vào đến trong phòng với sự sang trọng nhưng tinh tế đến lạ lùng! (Ảnh: HC)

Khán giả quan tâm, đặc biệt là sinh viên, nghệ sĩ… cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế với Trúc chỉ trong thời gian triển lãm thông qua hoạt động Workshop. Trong đó sẽ giúp mọi người tự tay thể hiện một tác phẩm Trúc chỉ theo ý tưởng của cá nhân, với sự hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật từ dự án. Các tác phẩm này sẽ được trưng bày cùng với bộ tác phẩm của triển lãm, sau đó sẽ được trả về cho các tác giả sau khi triển lãm kết thúc.

Triển lãm “TRÚC CHỈ - Lời của sông” phiên bản 2017 được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, từ ngoài sân tới bên trong phòng triển lãm tầng một; có sự tương tác và kết hợp với các tác phẩm của các tác giả tham gia trải nghiệm từ các workshop. Đặc biệt, sau khi kết thúc triển lãm, Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam sẽ trao tặng tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật