Những thiếu nữ bỏ nhà đi hoang

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rủ nhau đi chơi biển rồi theo một nhóm thanh niên đón xe lên Gia Lai, lại vào TP HCM, hai nữ sinh Hà và Tuyền lẳng lặng rời xa gia đình hơn một tháng khiến bố mẹ cứ nghĩ con bị bắt cóc nên trình báo công an.
Những thiếu nữ bỏ nhà đi hoang
Cô gái trẻ đi bỏ nhà đi với nhóm thanh niên trong hơn một tháng, vừa được công an đưa trở về gia đình. Người mẹ cầm tay con, nghẹn ngào. Ảnh: Trí Tín

Chỉ đến khi bị công an mời đến làm việc, hai thiếu nữ tuổi người 15, người 17, mới chịu trở về nhà tại Quảng Ngãi. Gặp lại con gái mừng mừng tủi tủi, nhưng những người làm cha mẹ chỉ biết khóc mà không dám la mắng một tiếng vì sợ con lại bỏ nhà đi tiếp. "Lỗi của bố mẹ đối với con rất lớn nên mới ra nông nỗi này", là tâm sự của bố mẹ Hà.

Gặp gỡ pv hôm 23/6, Hà nhớ lại chuyến bỏ nhà ra đi vào giữa tháng 5. Hôm ấy nhân lớp được nghỉ học để ôn thi học kỳ 2, Hà cùng một nhóm bạn đi tắm biển Mỹ Khê rồi hát karaoke, nghịch ngợm nên cô gái trẻ bị ngã đến trật tay. "Không dám về nhà vì sợ ba đánh đòn nên em và Tuyền đã theo nhóm thanh niên mới quen đón xe lên Gia Lai chơi. Hết tiền cả nhóm rủ về TP HCM làm công nhân may được 4 tuần rồi trở lại Gia Lai chơi tiếp", thiếu nữ kể với vẻ mặt thản nhiên.

Ở nhà, những người bạn cùng đi chơi với Hà và Tuyền không thấy bạn trở về vội báo gia đình, sau đó sự việc được trình báo công an. Mọi người bủa đi tìm nhưng không thấy. Hôm sau, gia đình Hà nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ, yêu cầu phải gửi 5 triệu đồng vào số tài khoản được cho thì mới cho cô gái về nhà. Những diễn biến này khiến mọi người đều cho rằng hai cô gái bị nhóm thanh niên lạ mặt bắt cóc.

“Hôm ấy đợi một anh trong nhóm về lấy tiền cho em vào bệnh viện chụp phim, sau đó đi taxi quay lại biển tìm các bạn thì trời đã khuya. Không dám về nhà nên em và Tuyền cùng với mấy anh ngủ lại ghế xếp ở bãi biển Mỹ Khê. Sáng hôm sau, bọn em cùng ra đi", Hà nhớ lại.

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ hẹp với vẻ buồn bã, bà Hoa (mẹ Hà) thở dài: “Hồi nào giờ con Hà có biết đi chơi, đua đòi gì đâu, bỗng dưng lần đầu tiên đi biển với bạn bè rồi bỏ nhà ra đi suốt hơn một tháng trời. May mà tìm được nó trở về bình yên”.

Cầm tay con gái mới trở về nhà mà bà Hoa không cầm được nước mắt, không dám la mắng một lời nào vì sợ con lại bỏ nhà ra đi nữa. Người mẹ rầu rĩ nói: “Cũng tại ba nó cộc tính quá, có chuyện gì là bắt con nhỏ quỳ dưới nền nhà, đánh đập thừa sống, thiếu chết nên nó sợ là vậy. Bây giờ con bé đã lớn tồng ngồng rồi mà cứ đánh đòn y như hồi con nít nên mới gây ra chuyện lớn vậy”. Nghe vợ trách móc, người cha cũng ngồi im nhìn con gái, thở dài.

Bỏ nhà ra đi hơn một tháng, không dự thi học kỳ 2 năm lớp 9, bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THCS, giờ đây Hà vẫn chưa nhận ra mình đang đánh mất tương lai tươi sáng của cuộc đời mình. Trả lời câu hỏi: “Em có định đi học nữa không?”. Cô bé chỉ mới 15 tuổi gọn lỏn: “Em cũng không biết nữa”.

Cùng đi với Hận, Tuyền (17 tuổi) vốn là học sinh lớp 10, thi vào lớp 11, rớt nên đã nghỉ học một năm đi làm công nhân sơ chế cá khô. “Vì buồn chán nên chúng em rủ nhau đi tắm biển và chơi xa một chuyến, không nghĩ là mình gây ra những chuyện lớn khiến gia đình lo lắng nhiều như vậy. Việc mấy anh thanh niên kia nhắn tin điện thoại tống tiền ba má ở nhà chúng em không hề hay biết", Tuyền tâm sự.

Còn bà Đào, (mẹ của Tuyền) mếu máo: “ Do chúng tôi mải lo làm ăn quá, thiếu quan tâm đến con cái nên cháu mới hư, tự bỏ nhà đi xa với người lạ”.

Trao đổi với pv, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Động, Tổ trưởng Tâm lý, trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) phân tích: "Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, có nhiều biến đổi mạnh mẽ về thể chất, thường xảy ra nhiều mâu thuẫn về mặt tâm lý".

Ở lứa tuổi này các em muốn khẳng định mình là người lớn, muốn sống tự lập nên dễ có những hành động bồng bột, nông nổi. Nếu các bậc cha mẹ, thầy cô giáo thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp thì rất dễ gây tổn thương đến tính tự trọng, tâm sinh lý của các em.

Đặc biệt, theo Thạc sĩ Động, ở lứa tuổi này nếu các bậc phụ huynh còn dùng roi vọt đánh đập là phản giáo dục, gây vết hằn tâm lý cho tinh thần các em. Khi mâu thuẫn tâm lý trong lòng các em dâng lên cao độ thì dễ dẫn đến hành động nông nổi như t‌ּự t‌ּử hay bỏ nhà ra đi tránh ảnh hưởng gia đình, tham gia nhóm xã hội để khẳng định mình.

"Điều này thật nguy hiểm cho tương lai, cuộc đời của các em", Tổ trưởng Tâm lý trường Đại học Phạm Văn Đồng kết luận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật