Xóa sổ trung tâm dạy nghề ?

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số trung tâm dạy nghề ở các quận, huyện tại TPHCM hoạt động không hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng nên xóa sổ để tập trung đầu tư cho nơi khác
Xóa sổ trung tâm dạy nghề ?
Trung tâm Dạy nghề Hóc Môn (TPHCM) tuy có cơ sở khang trang nhưng không thu hút được học viên. Ảnh: HUỲNH NGA

Trong vai người học nghề, chúng tôi tìm đến Trung tâm Dạy nghề (TTDN) Hóc Môn- 146 Đỗ Văn Dậy, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn- TPHCM. Tại đây, chúng tôi như lạc vào mê cung của những bảng điểm, những thông tin  tuyển sinh của các trường đại học được dán ở bảng thông báo.

 
Tư vấn kiểu... lạ
 
Liếc xuống mục “Tự đào tạo” để tìm hiểu thông tin học nghề, tôi thấy toàn bảng điểm của Trường Cao đẳng Xây dựng số 2. Sau một hồi loanh quanh, tôi tìm thấy Phòng Việc làm, nhưng trong phòng không có ai, mặc dù đồng hồ đã chỉ hơn 8 giờ 30 phút. Ngó sang phía tay trái, chúng tôi thấy trên bức tường dán chi chít những thông tin việc làm, đào tạo.
 
Thoáng thấy một anh xem chừng là người của trung tâm, tôi vội nhờ anh hướng dẫn về ngành nghề đào tạo, anh lên giọng: “Cô muốn học gì thì tôi nói cho nghe, đợi cô đọc xong những thông tin đó cũng mất 3 ngày.
 
Đâu ai rảnh mà ngồi chờ cô đọc!”. Tôi chưa kịp trả lời, anh đã “phán” tiếp: “Muốn học nghề thì trước khi bước ra khỏi nhà phải biết mình đến đây học gì, làm gì chứ?”. Nhìn vào tấm pa-nô trước cổng có dòng chữ “tư vấn và giới thiệu việc làm cho mọi đối tượng có nhu cầu”, tôi chợt nghĩ không biết đây có phải là cách “tư vấn” của cán bộ trung tâm hay không?
 
Đến trưa, dòng người ra vào trung tâm vẫn tấp nập, nhưng họ là những người đi đăng ký thất nghiệp hay đến coi điểm thi. Không một ai trong số họ là người đến trung tâm để đăng ký học nghề.
 
Đâu đâu cũng vắng vẻ
 
Tình trạng TTDN hoạt động không hiệu quả, không thu hút học viên cũng diễn ra tại các trung tâm khác như quận 6, huyện Bình Chánh... Ở TTDN quận 6 nằm tại số 687 Hồng Bàng, quận 6 – TPHCM, hôm chúng tôi đến thì nơi đây hoàn toàn vắng vẻ. Tình trạng trên cũng diễn ra tại TTDN Bình Chánh dù cơ sở vật chất nơi này khá khang trang.
 
Mới đây, khi theo đoàn của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP đến TTDN quận 11, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, tại phòng vi tính, ngoài những dãy bàn học bám đầy bụi là những dàn máy tính cũ kỹ, lạc hậu không đáp ứng nhu cầu học nghề của học viên. Ở bộ môn sửa xe gắn máy, hầu hết thiết bị dạy học là những động cơ của các loại xe đời cũ.
 
Tình hình ở các ngành điện tử, điện lạnh, sửa chữa ô tô... cũng không khá hơn: Phòng thực hành toàn những thiết bị giảng dạy cũ kỹ. Lãnh đạo trung tâm không che giấu một thực tế: nguồn thu chính để nuôi sống trung tâm là nhờ vào việc tổ chức học, thi bằng lái xe hai bánh chứ không phải ngành nghề chủ đạo theo định hướng phát triển của TP.
 
Thiết bị cũ kỹ, lạc hậu nên số lượng tuyển sinh của các trung tâm ngày càng hạn hẹp. Tính từ đầu năm đến nay, tại TTDN quận 11, các ngành như sửa chữa ô tô, cơ khí mỗi ngành chỉ có một học viên đăng ký.
 

PGS-TS Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm - ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Không nên dàn trải mà phải đầu tư tập trung. Nghĩa là nơi nào hoạt động không hiệu quả thì nên đóng cửa để dành kinh phí cho những đơn vị đào tạo nghề có chất lượng khác”.

Riêng ngành may công nghiệp được 4 học viên. Những ngành nghề trước đây thu hút học viên như tin học, trang điểm thẩm mỹ, điện cơ... thì năm nay cũng giảm hẳn. Ông Đặng Minh Tuấn, giám đốc trung tâm, giải thích: “Cở sở vật chất chật hẹp; trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp với nhu cầu đào tạo nên không thu hút học viên”.
 
Duy trì hay xóa sổ?
 
Cơ sở vật chất yếu kém, đội ngũ giáo viên chắp vá; người làm công tác dạy nghề chậm đổi mới, thiếu năng động, chỉ biết trông chờ ngân sách nên các TTDN vắng bóng học viên là điều dễ hiểu. Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều TTDN cho thấy, những nơi này không có bộ phận ghi danh chuyên nghiệp để ghi nhận nhu cầu của người học, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học viên để đề xuất chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường.
 
Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB-XH TP về công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đào tạo nghề mới đây, nhiều đại biểu đã không khỏi trăn trở trước thực trạng khó khăn của các TTDN công lập. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND TP, cho rằng: Mỗi quận, huyện đều có TTDN nhằm đào tạo nghề cho lao động tại địa phương. Nhưng nếu hoạt động không hiệu quả, thiếu định hướng và không xác định được ngành nghề chủ lực của mình thì nên xóa sổ để tập trung đầu tư cho những nơi khác.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật