Triều Tiên làm sống dậy vụ bắn rơi trinh sát cơ Mỹ 48 năm trước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đe dọa bắn hạ máy bay Mỹ của Triều Tiên làm sống dậy vụ Bình Nhưỡng bắn hạ một trinh sát cơ Washington của năm 1969, khiến 31 người chết.
Triều Tiên làm sống dậy vụ bắn rơi trinh sát cơ Mỹ 48 năm trước
Một máy bay EC-121 của Mỹ bay trên Thái Lan năm 1972. Ảnh minh họa: Wiki.

Ngày 15/4/1969, máy bay MiG 21 Triều Tiên đã bắn hạ một chiếc EC-121 của Mỹ, khiến toàn bộ 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Tổng thống Richard Nixon khi đó muốn đáp trả và trấn an các đồng minh khu vực rằng láng giềng khó đoán của họ sẽ bị kiềm chế. Tuy nhiên Mỹ có rất ít phương án phản ứng, theo WSJ.

Những thách thức mà Mỹ gặp phải khi đối đầu với Triều Tiên cách đây gần 50 năm phản chiếu khó khăn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt. Ngoại trưởng Triều Tiên ngày 25/9 dọa bắn hạ phi cơ Mỹ bay trên vùng trời quốc tế, sau khi hai oanh tạc cơ Mỹ bay lượn ngoài khơi bờ biển phía đông nước này để thể hiện sức mạnh vào cuối tuần trước.

Có sự khác biệt rõ ràng giữa vụ bắn hạ máy bay Mỹ năm 1969 và hoạt động của oanh tạc cơ Mỹ cuối tuần trước. Phi cơ bị bắn hạ năm 1969 là máy bay trinh sát không được hộ tống. Còn dàn phi cơ của Mỹ cuối tuần trước gồm hai máy bay ném bom được hộ tống bởi 6 tiêm kích.

Vụ việc năm 1969 đã trở thành tin tức sốt dẻo trên các mặt báo. Theo yêu cầu của Tổng thống Nixon, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đã thảo một bản ghi nhớ cho Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird để tìm kiếm các phương án quân sự nhằm đáp trả. Ông Nixon thậm chí còn định tịch thu một con tàu mang cờ Hà Lan đang được chuyển tới Triều Tiên.

Khi bị bắn rơi, máy bay EC-121 đang thu thập thông tin tình báo cho Mỹ, khi đó rất ngờ vực về chính quyền Triều Tiên do ông Kim Nhật Thành đứng đầu. Vài tháng trước, Triều Tiên đã đồng ý trao trả một tàu tình báo Mỹ mà họ bắt một năm trước đó.

"Triều Tiên từ lâu đã rất khó đoán", Ray Locker, tác giả một cuốn sách về chính quyền Nixon nhận xét.

th‌i th‌ể người thiệt mạng trong vụ việc được đưa lên bờ ở Nhật năm 1969. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, Mỹ có rất ít lựa chọn quân sự để phản ứng vì lo ngại Triều Tiên sẽ trả đũa bằng cách tấn công Hàn Quốc, gây thiệt hại nặng nề cho đồng minh quan trọng của Mỹ. 

Một bức điện tín từ quan chức ngoại giao Mỹ tại Hàn Quốc đã tóm tắt cuộc đối thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee với kết luận rằng: "Mọi người đều biết rằng chúng ta có thể tấn công Triều Tiên và họ không có năng lực đáp trả vào Mỹ. Nhưng điều không thể tránh khỏi là họ sẽ trả đũa bằng cách tấn công vào Hàn Quốc, có lẽ là vào các thành phố hoặc cơ sở lớn".

"Tổng thống Park im lặng một lúc. Sau đó, ông nói rằng dù sao thì ông vẫn muốn nhắn với Tổng thống Nixon rằng nếu không có cách phản ứng mạnh mẽ thì những vụ việc như thế này sẽ còn xảy ra", bản ghi nhớ về cuộc hội thoại có đoạn viết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ "còn biết dữ liệu tình báo mà Cơ quan An ninh Quốc gia thu được cho thấy vụ bắn hạ là một sự cố", ông Locker nói.

Công chúng Mỹ không mạnh mẽ thúc giục chính quyền phản ứng và ông Nixon cuối cùng quyết định không đáp trả. Vài ngày sau, máy bay trinh sát Mỹ nối lại các chuyến bay trên vùng trời đã xảy ra vụ bắn hạ.

Tuy nhiên, vụ việc có một tác động bất ngờ ở Mỹ. Ông Locker nói rằng một vụ rò rỉ các cuộc thảo luận của chính quyền về cách phản ứng với Triều Tiên đã làm Tổng thống Nixon tức giận. Đây là một trong những sự kiện khiến ông yêu cầu cài đặt thiết bị để nghe lén các thành viên trong chính quyền.

Thay vì là một tình huống để gửi thông điệp đến Triều Tiên, vụ việc năm 1969 lại có tác động đến chính trị Mỹ. "Vụ việc cho thấy không ai có thể tìm ra được cách để đối phó với Triều Tiên. Ai cũng muốn làm một điều gì đó nhưng không ai có thể đưa ra giải pháp", Locker nhận xét.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật