Chất lượng giáo dục: Lãnh đạo nói tốt, người dân bảo không

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TS Lê Thống Nhất băn khoăn rằng lãnh đạo Bộ GD&ĐT có nhiều đánh giá thành tích tuyệt vời, nhưng người dân lại nói không tốt.
Chất lượng giáo dục: Lãnh đạo nói tốt, người dân bảo không
Ảnh minh họa

Hội thảo Giáo dục 2017 về “Chất lượng giáo dục phổ thông” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội. Nhiều vấn đề nóng của giáo dục được mổ xẻ tại hội nghị này.

Giáo dục Việt Nam: Trên bảo tốt, dưới nói không

Phát biểu tại hội nghị, TS Lê Thống Nhất gửi băn khoăn đến lãnh đạo ngành giáo dục và giới truyền thông: "Lãnh đạo Bộ GD&ĐT có quá nhiều đánh giá về thành tích, thành công được coi là tuyệt vời, nhưng dư luận nói không tốt. Ví dụ như mô hình trường học mới VNEN. Vậy khi nào chúng ta có thể đồng nhất được chất lượng, để trên (lãnh đạo Bộ GD&ĐT) và dưới (nhân dân) cùng có ý kiến giống nhau?".

Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo (giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho rằng, quan điểm trái chiều của phụ huynh và Ngân hàng thế giới về VNEN có thể giải thích từ chất lượng và mục tiêu giáo dục khác nhau. Góc độ Nhà nước thì cho rằng đó là chương trình tốt nhưng phụ huynh lại phản đối.

Cô Huyền Thảo cho hay cô là giáo viên Lịch sử, rất ủng hộ mô hình VNEN vì nhắm đến phát triển kỹ năng nhận thức, còn các phụ huynh phản đối vì lo sợ con em mình điểm kém trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và đại học.

Vì vậy, nếu phương thức và nội dung thi cử nhắm đến việc đánh giá kỹ năng nhận thức, sáng tạo, kỹ năng mềm… như mục tiêu của VNEN, phụ huynh sẽ không xin cho con em mình thôi học.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên tại TP.HCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quyên Quyên. 

TS. Lê Quang Minh (Trung tâm Đào tạo Quản lý tiên tiến, viện Quản trị Đại học - ĐHQG TP.HCM) cũng nói đến sự đánh giá khác nhau về chất lượng giáo dục nước nhà. Ví dụ, theo kết quả PISA, Việt Nam xếp thứ hạng cao, thậm chí “vượt mặt” các nước tiên tiến trên thế giới nhưng đa phần người dân Việt Nam, các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo không tin đó là sự thật.

Theo TS Lê Quang Minh, có sự khác biệt lớn trong quan điểm về "chất lượng giáo dục" giữa nhà nước, địa phương, nhà trường, phụ huynh và giáo viên.

Trong khi Nhà nước nhìn nhận chất lượng nằm ở mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, quan điểm toàn diện, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tỷ lệ đạt chuẩn… thì đối với địa phương, chất lượng phải là đạt các chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu "được trên giao".

Các trường lại bị kẹt giữa áp lực giữa Bộ GD&ĐT và địa phương. Đối với nhà trường, chất lượng là đạt chuẩn các kỳ thi quốc gia, chỉ tiêu địa phương đề ra. Phụ huynh lại quan tâm điểm số, thứ hạng và việc con em mình có đỗ đại học không.

Đề xuất xóa cao đẳng hệ sư phạm

Cũng tại hội thảo, ông ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An, đưa đưa ra con số 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm.

Theo ông Đình Anh, dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là nghề đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy. Đối chiếu với quan điểm này, giáo viên có năng khiếu sư phạm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, số lượng học sinh phổ thông rất đông.

Không có năng khiếu, giáo viên lại không tích cực rèn luyện dẫn đến năng lực yếu kém.

Bàn về chất lượng giáo viên, TS Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế - cho biết ông quan tâm đặc biệt việc bồi dưỡng chất lượng giáo viên.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quyên Quyên. 

Theo TS Hùng, phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên  thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa đáp ứng các yêu cầu chung vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên.

TS Phạm Văn Hùng đề xuất cần dừng đào tạo cao đẳng hệ sư phạm. Với chương chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phong phú và nâng tầm như vậy, chất lượng giáo viên hệ cao đẳng không đảm bảo. Giáo viên dạy tiểu học, THCS phải là những người được đào tạo trình độ đại học. Trong bước quá độ, các trường cao đẳng tập trung đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng dạy mầm non.

Ngoài ra, chúng ta cần khảo sát và phân loại đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ngoại ngữ. Khẩn trương tổ chức đào tạo và cung cấp cho các trường loại hình giáo viên theo chương trình mới (giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên tư vấn hướng nghiệp, giáo viên nghệ thuật (dạy ở cấp THPT), giáo viên dạy ngoại ngữ 2.

TS Lê Thống Nhất nêu quan điểm sinh viên sư phạm cần có việc làm sau khi ra trường.

Cụ thể, hệ thống các trường sư phạm sau khi quy hoạch cần phối hợp chặt chẽ với sở GD&ĐT và UBND tỉnh/thành qua sự chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT để lên được nhu cầu cung ứng giáo viên hàng năm của các địa phương. Từ đó, ngành có chiến lược về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như dự kiến phân công công tác cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, hạn chế nạn thất nghiệp cho sinh viên sư phạm. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật