Kiểm soát tín dụng ngoại tệ: Ngân hàng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với yêu cầu kiểm soát tỉ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp và đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay theo văn bản 7295 thì những ngân hàng đang có tỷ lệ cao trên 100% như trên có thể sẽ bị giới hạn nhiều hơn.
Kiểm soát tín dụng ngoại tệ: Ngân hàng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Ảnh minh họa

Trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản ngoại tệ, ngày 13/9/2017 NHNN đã ban hành văn bản số 7295/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ; đồng thời kiểm soát tỉ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ.

Áp lực thanh khoản ngoại tệ do cho vay vượt xa huy động

Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 8 đã đạt 11,5%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 1,7% của cùng kỳ năm 2016. Dù số liệu tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ không còn được công bố định kỳ, tuy nhiên theo dõi số liệu hoạt động của các ngân hàng cũng phần nào cho thấy bức tranh về tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ của ngành ngân hàng hiện đang thấp hơn rất nhiều so với tín dụng ngoại tệ.

Cụ thể, điểm qua BCTC 6 tháng của một số ngân hàng lớn có hoạt động vay gửi ngoại tệ chiếm tỷ trọng chủ yếu so với toàn ngành hiện nay, thì sẽ thấy sự tương phản đáng kể giữa hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ. Như tại VietinBank, tiền gửi ngoại tệ giảm 0,1% nhưng cho vay ngoại tệ tăng đến 11,5%, trong khi tiền gửi ngoại tệ của BIDV giảm mạnh hơn đến 10,7%, ngược lại cho vay tăng 6,3%, tương tự tại Sacombank 2 con số này là giảm 9,3% và tăng 12,6%.

Đáng lưu ý tại một số TCTD có tốc độ tăng trưởng cho vay ngoại tệ rất cao, như ngân hàng Quân Đội tăng đến 24,9% trong khi huy động vốn ngoại tệ giảm 3,6%, VPBank tăng cho vay ngoại tệ còn cao hơn ở 45,5% nhưng huy động vốn ngoại tệ giảm đến 13,8%, tiếp nối mức giảm mạnh 35,1% của năm 2016.

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng tăng trưởng được tiền gửi ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm, dù vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, như ACB tiền gửi tăng 1,3%, thấp hơn mức tăng 8,4% của cho vay, tại EIB lần lượt là 1,4% và 11,8% còn SHB là 7% và 35,2%. Vietcombank là ngân hàng hiếm hoi có tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ ở 6,7%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay ngoại tệ chỉ 5%, tuy nhiên trong năm 2016 tiền gửi ngoại tệ của ngân hàng này cũng chỉ tăng 0,2% nhưng cho vay ngoại tệ tăng đến 11,4%.

Những ngân hàng nào bị ảnh hưởng?

Dù có tốc độ tăng trưởng cho vay ngoại tệ ở mức khiêm tốn so với các ngân hàng khác nhưng xét theo số tăng tuyệt đối thì Vietcombank có mức tăng đáng kể so với các ngân hàng khác gần 4 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngoại tệ của ngân hàng này hiện cũng ở mức rất cao hơn 84,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% trong tổng dư nợ cho vay và xếp thứ 2 về số tuyệt đối trong toàn hệ thống. Với đặc thù là ngân hàng có thế mạnh về cho vay ngoại thương với lượng khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đông đảo, thì Vietcombank có thể là một trong những ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ và tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ trong thời gian tới.

Cần biết rằng biên độ cho vay ngoại tệ hiện nay khá rộng, thậm chí cao hơn cả VNĐ do chi phí vốn huy động đầu vào ngoại tệ khá thấp, trong khi số dư tiền gửi ngoại tệ của Vietcombank hiện nay là lớn nhất hệ thống với hơn 121,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 19% tổng tiền gửi khách hàng, thì nếu hoạt động cho vay ngoại tệ ảnh hưởng do bị kiểm soát cộng thêm việc các khách hàng xuất khẩu sẽ chỉ còn được vay ngoại tệ đến hết năm nay, tất yếu sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Dẫn đầu về dư nợ cho vay ngoại tệ trên toàn hệ thống hiện này là Vietinbank, với số dư hơn 89,8 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên lượng tiền gửi ngoại tệ chỉ ở mức 44,4 nghìn tỷ đồng nên tỷ lệ dư nợ cho vay/ tiền gửi khách hàng ngoại tệ lên đến 202%, tăng từ mức 144% trong năm 2015 và 181% trong năm 2016. Tương tự tại BIDV tỷ lệ này cũng lên tới 196%, cũng tăng đáng kể so với mức 136% vào cuối năm 2015 và 164% cuối năm 2016.

Do đó, để đảm bảo lượng thanh khoản ngoại tệ cho vay ra vượt xa mức huy động, cả Vietinbank và BIDV đều vay vốn ngoại tệ khá lớn trên thị trường liên ngân hàng, cụ thể vào cuối tháng 6 Vietinbank vay hơn 44,6 nghìn tỷ ngoại tệ từ các TCTD khác đồng thời có 5,5 nghìn tỷ giấy tờ có giá bằng ngoại tệ. Tại BIDV 2 con số này lần lượt là 62,7 nghìn tỷ đồng và 1,3 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ lệ dư nợ cho vay ngoại tệ vượt mức huy động, mà một số ngân hàng TMCP cũng có tỷ lệ này trên 100%. Cụ thể tại Eximbank là 119% dẫn đến phải vay trên liên ngân hàng gần 3,7 nghìn tỷ đồng, tại Sacombank là 117% nên vay trên liên ngân hàng gần 3 nghìn tỷ và có lượng GTCG bằng ngoại tệ 1,1 nghìn tỷ. Cũng cần biết rằng trong khi trần lãi suất huy động USD từ khách hàng hiện nay là 0%, nhưng lãi suất vay ngoại tệ này giữa các TCTD trên thị trường liên ngân hàng đang cao hơn nhiều, do đó biên độ lãi suất cho vay đầu ra so với chi phí huy động vốn đầu vào của những ngân hàng phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngoại tệ từ thị trường 2 sẽ nhỏ hơn nhiều những ngân hàng chủ động được nguồn vốn ngoại tệ.

Với yêu cầu kiểm soát tỉ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp và đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay theo văn bản 7295 thì những ngân hàng đang có tỷ lệ cao trên 100% như trên có thể sẽ bị giới hạn nhiều hơn. Theo đó, những ngân hàng này buộc phải tăng cường huy động vốn bằng ngoại tệ, tuy nhiên với chính sách lãi suất hiện nay thì điều này không hề dễ dàng, nhất là khi NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD phải thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ. Hoặc một lựa chọn khác là các ngân hàng này buộc phải giảm dư nợ cho vay ngoại tệ về mức phù hợp so với năng lực huy động đầu vào, vì vậy tốc độ tăng trưởng dư nợ nói chung và dư nợ ngoại tệ nói riêng cũng như kết quả lợi nhuận tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật