PetroVietnam cho phá sản Nhà máy đóng tàu Dung Quất nếu không ai mua

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đề xuất bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất, nếu không được thì sẽ cho phá sản.
PetroVietnam cho phá sản Nhà máy đóng tàu Dung Quất nếu không ai mua
PetroVietnam rao bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất, trường hợp không ai mua sẽ cho phá sản. 

Trong báo cáo định kỳ về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ gửi Bộ Công Thương mới đây, PetroVietnam đã đưa ra phương án xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc tập đoàn này, trong đó có Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS). Trường hợp bán không ai mua, PetroVietnam sẽ triển khai ngay phương án phá giá đấu giá tài sản.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất được PetroVietnam nhận bàn giao từ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC, tên cũ là Vinashin) từ năm 2010 với khoản nợ phải trả lên đến gần 7.500 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn điều lệ của nhà máy (trên 3.750 tỷ). Dù được PetroVietnam rót gần 5.100 tỷ đồng để thanh toán nợ và tăng vốn điều lệ, song nhà máy này vẫn trong tình trạng mất cân đối tài chính, thua lỗ từ đó đến nay. Trường hợp nhà máy này phá sản, PetroVietnam sẽ không thể thu hồi được khoản tiền gần 5.100 tỷ đã rót vào đây. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền sở hữu.

Để tiến hành các biện pháp cơ cấu lại nhà máy đóng tàu thua lỗ nghìn tỷ này, "ông lớn" dầu khí đề nghị Hội đồng thành viên của tập đoàn được ủy quyền quyết định toàn bộ vấn đề liên quan tới quá trình thực hiện phương án được phê duyệt.

Tại văn bản này, PetroVietnam cũng cho biết, trong tháng 8, Hội đồng thành viên tập đoàn sẽ hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch thanh lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý của dự án đóng tàu nghìn tỷ. Tập đoàn cũng đã có công văn gửi tới các đơn vị trong ngành đề nghị hỗ trợ, ủng hộ và tiếp tục sử dụng dịch vụ của nhà máy, để ổn định việc làm, tâm lý của hàng trăm người lao động tại đây.

PetroVietnam cũng đồng thời hối thúc Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán toàn bộ hồ sơ với con tàu 104.000 tấn thuộc nhà máy để sớm xử lý dứt điểm việc bàn giao, quyết toán hợp đồng EPC con tàu này.

Liên quan tới phương án xử lý dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương cách đây một tháng, lãnh đạo đơn vị này cho hay, từ khi chuyển giao nhà máy từ Vinashin về PetroVietnam đến nay những khó khăn của đơn vị này hầu như chưa xử lý được gì.

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này, năm 2016 DQS ghi nhận doanh thu đạt 436,5 tỷ đồng và lỗ trước thuế 121 tỷ. Tổng nợ phải trả 6.910 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng khoảng 1.106 tỷ; lỗ lũy kế gần 3.720 tỷ đồng. Với khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng cùng vốn chủ sở hữu bị âm, nhà máy này hiện đang sản xuất khá cầm chừng, hầu như không có khách hàng mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật