Truyện Sơn Nam truyền cảm hứng cho sách Việt đoạt giải châu Á

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ trang sách của ’Ông già Nam Bộ’, hai tác giả vẽ lên cánh rừng tràm, dòng sông mênh mông, chiếc xuồng lá và cậu bé miền Tây chất phác.
Truyện Sơn Nam truyền cảm hứng cho sách Việt đoạt giải châu Á
Ngày 20/8, nhân dịp ra “Hành trình đầu tiên ra mắt ấn bản tiếng Việt, tại Trung tâm sách Kim Đồng ở TP HCM diễn ra buổi giao lưu của tác giả Nguyên Quang - Kim Liên với độc giả.

Tập truyện tranh Hành trình đầu tiên (tên tiếng Anh: The first journey) của hai tác giả Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên vừa ra mắt độc giả trong nước vào ngày 20/8.

* Trailer sách ’Hành trình đầu tiên’

Tác phẩm này từng được trao giải "Truyện tranh màu giáo dục hay nhất 2015" - một giải thưởng khu vực châu Á do Hiệp hội Phát triển sách Quốc gia Singapore và công ty Scholastic Asia tổ chức. Sau hai năm chỉnh sửa, sách ra mắt độc giả Singapore hồi tháng 5. Ngoài ra, sắp tới, Hành trình đầu tiên còn tiếp tục được chuyển ngữ và phát hành ở một vài quốc gia.

Tập truyện tranh chỉ gần 40 trang đã vượt qua hàng trăm tác phẩm của nhiều đối thủ đến từ châu Á - vốn không chỉ có thế mạnh về kỹ thuật vẽ mà còn mang đến những câu truyện đậm màu sắc văn hóa, truyền thống bản địa. Qua từng trang vẽ đầy màu sắc, Hành trình đầu tiên dẫn độc giả nhỏ tuổi đi vào thế giới của cậu bé miền Tây tên An có bố mẹ là những người nông dân.

Buổi sáng ngày đầu An đi học, bố mẹ của cậu đã ra khỏi nhà từ sớm. Bố đi giăng câu, còn mẹ chống xuồng hái bông điên điển. An một mình chèo chiếc xuồng ba lá vượt qua những con sóng lớn của dòng sông mùa nước nổi. Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hoang mang, sợ hãi đến dũng cảm, mạnh mẽ đương đầu với những thử thách trên hành trình sông nước, An đến được ngôi trường để kịp cùng bạn bè học bài học đầu tiên bên thầy cô.

Bìa sách tiếng Anh của "The First Journey".

Hai tác giả cho biết chịu nhiều ảnh hưởng từ tập truyện Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn Sơn Nam khi bắt tay vào thực hiện truyện tranh. Cả hai say mê những câu truyện kể của "Ông già Nam Bộ" về đời sống, tính cách người miền Tây thời khẩn hoang, gắn bó với thiên nhiên, ruộng đồng, vườn tược. Hình ảnh con sông Cái cuồn cuộn nước chở phù sa tắm tưới ruộng đồng, những nóc nhà lá chìm trong nước, từng luồng cá ken đặc trên sông hay đàn trâu len từ trang sách của nhà văn quê gốc Cà Mau đã được tái hiện phần nào qua từng bức vẽ sống động.

Không chỉ tìm tòi qua trang văn Hương rừng Cà Mau, xem phim Đất rừng Phương Nam (chuyển thể từ tác phẩm của Đoàn Giỏi), cả hai còn thực hiện nhiều chuyến đi thực tế về miền Tây, như rừng tràm ở An Giang... để được tận mắt nhìn thấy cuộc sống, phong cảnh miền sông nước. "Khi đi vào rừng tràm, tôi không thể tưởng tượng được là nơi này lại đẹp như thế", Kim Liên chia sẻ.

Các bức họa trong Hành trình đầu tiên mở ra miền miền Tây mùa nước nổi vào độ từ tháng 8 đến tháng 10, khi nước sông Cửu Long dâng cao tràn ngập ruộng đồng. Đó là khoảng thời gian, người dân có thể mưu sinh bằng sống dựa vào sản vật thiên nhiên phong phú như đánh cá, hái bông súng... Xuồng ba lá, ghe... là phương tiện di chuyển chính của người nông dân. Khi người lớn vật lộn mưu sinh, những đứa bé, như cậu bé An trong truyện, phải tự mình làm nhiều chuyện, kể cả đối mặt với nguy hiểm khi một mình đến lớp giữa sông nước bao la.

Ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh phía Nam của xuất bản Kim Đồng, nhận xét quyển sách mang ý nghĩa giáo dục lớn mà vẫn không mất đi chất hấp dẫn, lôi cuốn trẻ nhỏ, kíc‌h thí‌ch trí tưởng tượng và sáng tạo của các em qua lối vẽ phóng khoáng, lời minh họa súc tích. "Ngày nay, do tác động của biến đổi khí hậu, ngay cả trẻ em miền Tây cũng đang dần không biết được thế nào là mùa nước nổi. Vì vậy, tập truyện tranh Hành trình đầu tiên làm được một điều thú vị là lưu giữ một phần ký ức đó cho trẻ thơ", ông Cao Xuân Sơn nói.

Họa sĩ, tác giả Khoa Lê - người chuyên về lĩnh vực minh họa và sáng tác truyện tranh - bày tỏ sự khâm phục về kỹ thuật vẽ và sức sáng tạo của hai tác giả trẻ. Ở thời điểm gửi tranh sang Singapore dự thi, Nguyên Quang và Kim Liên chỉ có khoảng thời gian hai tuần để hoàn thành sáu bức vẽ gửi đến ban tổ chức. Họ đã làm việc ăn ý, phối hợp nhịp nhàng. Nguyên Quang định nét và phác thảo bản vẽ. Kim Liên tô màu. Có lúc, nữ tác giả dành hẳn ba ngày để hoàn thiện hình ảnh phần thảm bèo xanh thẫm trong bức vẽ cánh rừng tràm, hay Nguyên Quang phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới có được bức tranh sống động về hình ảnh đàn trâu len ngâm mình dưới nước, hay những luồng cá dày đặc trên dòng sông.

Phùng Nguyên Quang, 28 tuổi, là một tác giả sáng tác cho trẻ em, sống ở TP HCM. Huỳnh Kim Liên năm nay 25 tuổi, cũng sống ở TP HCM. Cô sáng tác, vẽ truyện tranh cho thiếu nhi. Kim Liên tham gia chương trình Xuất bản sách thiếu nhi của tổ chức Room to Read ở Việt Nam với vai trò họa sĩ minh họa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật