Hạn chế phát thải CO2 nhờ... phế phẩm tre luồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ý tưởng sáng tạo này đang được anh Lê Thanh Yên cùng các đồng nghiệp tại Hợp tác xã phát triển nông thôn Quan Hóa, Thanh Hóa triển khai thực hiện. Đây là một trong những dự án có tính khả thi cao, đoạt giải cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam (VID) 2010 với chủ đề Biến đổi khí hậu do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường và Trung ương đoàn thanh niên tại Việt Nam tổ chức.
Hạn chế phát thải CO2 nhờ... phế phẩm tre luồng
Ảnh minh họa

Ý tưởng sáng tạo từ thực tế địa phương

Chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi đoạt giải cuộc thi VID 2010 vừa qua, anh Yên nói: "Với khối lượng chế biến mỗi ngày 200-600 cây tre luồng/xưởng (tùy quy mô từng xưởng), lượng mùn cưa phế thải bị đốt hoặc đổ ra sông Mã ở Thanh Hóa hằng ngày rất lớn, khoảng từ 30-70 tấn/tháng/xưởng, gây ô nhiễm môi trường nước, cảnh quan và không khí. Việc làm này đã kéo dài từ nhiều năm nay mà chính quyền địa phương cũng như bản thân các cơ sở chế biến chưa có biện pháp xử lý triệt để. Thực tế, lượng rác mắt, gốc cây (khoảng 1–4 tấn/ngày/xưởng) vẫn được thu gom và chuyên chở đến bán lại cho các nhà máy giấy trên địa bàn tỉnh với giá thành thấp (khoảng 40-400đ/kg), nhưng thường còn lại rất nhiều trong xưởng, chỉ để đốt hoặc bỏ đi rất lãng phí".

Thực trạng bất cập đó khiến anh Yên cũng như các đồng nghiệp luôn trăn trở cần phải tìm ra biện pháp xử lý lượng mùn cưa và rác gốc, mắt từ các xưởng sản xuất nan, ván và đũa tre luồng tại địa phương. Đây cũng là lý do mà đề án "Tận dụng phế phẩm chế biến tre luồng, tạo thu nhập cho người dân và hạn chế phát thải CO2" được ra đời và đã nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo cuộc thi VID 2010 vừa qua.

Quan Hóa là một huyện miền núi nghèo nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa. Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào những khu rừng luồng và việc canh tác các loại cây ngắn ngày. Ngành công nghiệp chính trong vùng là khai thác và chế biến tre luồng, tạo ra các sản phẩm như đũa, tăm, nan tre và ván sàn... Với tổng số 24 xưởng chế biến tre luồng trên địa bàn huyện, thải ra trung bình từ 600 – 800 tấn mùn cưa/1tháng nhưng chưa có biện pháp để xử lý và sử dụng có hiệu quả, gây lãng phí và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường khu dân cư và những dòng sông.

Hơn nữa, do đặc điểm địa lý được bao quanh bởi những cánh rừng tự nhiên và rừng luồng rộng lớn nên người dân ở đây chỉ đun nấu bằng củi kiếm được từ các khu rừng với kiểu bếp kiềng truyền thống. Việc người dân phải vào rừng kiếm củi để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày càng lúc càng gây sức ép lớn cho các cánh rừng nơi đây….

Từ thực tế trên, cuối năm 2009 anh Yên cùng nhóm cán bộ Hợp tác xã phát triển nông thôn Quan Hóa đã suy nghĩ nhiều về những giải pháp cho vấn đề này và đã thực hiện một vài thử nghiệm quy mô nhỏ để khẳng định giải pháp và yếu tố kĩ thuật. Tuy nhiên, sau khi dự án đoạt giải VID 2010 anh mới có thể biến ý tưởng sáng tạo đó thành hiện thực.

Ý tuởng sáng tạo: Một công nhiều việc

Ngay sau khi đoạt giải cuộc thi VID, anh Yên cùng các đồng nghiệp đã bắt đầu triển khai thực hiện. Anh tin rằng, đề án sẽ góp phần hữu ích không nhỏ vào cuộc sống của người dân địa phương.

Cụ thể, đề án sẽ giúp tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân bằng việc sử dụng mùn cưa tre luồng sản xuất nấm, mục nhĩ, làm phân vi sinh sản xuất rau; nâng cao nhận thức để các hộ dân tiết kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng bếp cải tiến tiết kiệm củi; giảm đáng kể thời gian, công sức đi kiếm củi để vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm công nghiệp, làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và sự suy thoái của các cánh rừng tại địa phương.  Đồng thời, đề án sẽ người dân có thêm lựa chọn phân bón rẻ, hiệu quả và biết kỹ thuật bón phân hợp lý để cải tạo, nâng cao độ màu mỡ và năng suất cho đất.

Mục tiêu quan trọng mà đề án hướng đến là tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, tạo ra nguồn năng lượng thay thế củi gỗ trong sinh hoạt hàng ngày và sản xuất phân bón. Nhờ đó chất lượng cuộc sống của nhóm cư dân nghèo dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu sẽ được nâng cao, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, giảm sức ép lên các cánh rừng trồng và rừng tự nhiên ở địa phương, giảm phát thải CO2.

Đề án sẽ thực hiện một số hoạt động chính như: hướng dẫn bà con cách trồng nấm từ mùn cưa; tuyên truyền phổ biến hiệu quả sử dụng bếp cải tiến; hướng dẫn cách sản xuất biochar (than sinh học) từ rác mắt và gốc luồng; thử nghiệm hiệu quả phân bón mới từ biochar, tro bếp và bã giá thể nấm.

Theo anh Yên, đề án phong phú các hoạt động triển khai nhưng đều có chung mục tiêu tận dụng nguồn phế thải công nghiệp tại địa phương để giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế việc sử dụng lãng phí năng lượng củi gỗ, giảm sức ép triền miên lên các cánh rừng trong vùng và cải tạo đất đai, tăng lượng cacbon dự trữ trong đất. Không những thế, các hoạt động của dự án còn mang lại thu nhập cho người dân nghèo nơi đây, giúp họ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

"Đặc biệt sáng kiến đốt rác mắt và gốc luồng thành than sinh học biochar để làm phân bón cải tạo đất là một việc nên làm và cũng là một thử nghiệm mới. Biochar này còn giữ nguyên hình khối nên cũng có thể tận dụng để làm nhiên liệu đun, không khói, rất sạch cho môi trường, an toàn cho người sử dụng. Sau khi dùng đun nấu, phần tro thu được vẫn có tác dụng làm phân bón" anh Yên nhấn mạnh.

Các hoạt động được triển khai tại các thôn bản của 3 xã trên nên số người hưởng lợi từ đề án là rất lớn. Bên cạnh đó, qua những hoạt động của đề án người dân sẽ nhận thức ra sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sống tại địa phương, phát triển công nghiệp cũng cần phải hướng đến sự bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.

VID mang nhiều ý nghĩa xã hội

Với quy mô và số lượng đề án tham gia VID năm nay cho thấy chủ đề Biến đổi khí hậu đang rất được quan tâm cả chiều sâu. Từ các cơ quan nghiên cứu khoa học như các trường đại học, trung tâm khoa học... đến các đơn vị, cá nhân...

Cho dù chỉ 30 dự án được trao giải nhưng tất cả đều nỗ lực trong hành động nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và quản lý nguồn tài nguyên môi trường. Thông qua các phương tiện truyền thông những sáng kiến, giải pháp và kết quả triển khai sẽ là những gợi mở cho các địa phương, chính quyền và cộng đồng trên toàn quốc học tập, áp dụng nhằm ứng phó với BĐKH.

Anh Yên cho biết, đề án của anh đã bắt đầu được triển khai, nếu thành công sẽ hoàn toàn có thể mở rộng sang các bản làng và các xã khác. Với kinh nghiệm rút ra sau mỗi lần triển khai, người dân hoàn toàn có thể tự điều chỉnh quy mô và cách thức tiến hành hoạt động sao cho phù hợp dưới sự tư vấn và hướng dẫn của các cán bộ Hợp tác xã.  

Anh cho rằng không gặp khó khăn nào khi triển khai đề án, bởi tại địa phương có nguồn nguyên liệu ổn định dễ kiếm, dễ thực hiện; không đòi hỏi người dân phải có trình độ cao hoặc hiểu biết khoa học kỹ thuật. Chính quyền địa phương cũng luôn rất ủng hộ những sáng kiến giúp xử lý lượng rác thải khổng lồ từ ngành công nghiệp chế biến luồng vốn rất phổ biến tại đây. Đối với việc thử nghiệm đốt và sử dụng than sinh học biochar làm phân bón mức đầu tư kinh phí không quá lớn lại giúp giải quyết được vấn đề rác thải công nghiệp chế biến luồng, cải tạo, tăng dự trữ cacbon trong đất.

Anh Yên đánh giá rất cao ý nghĩa xã hội của cuộc thi VID. Các sáng kiến không chỉ xuất phát từ những nhà khoa học, nghiên cứu mà còn từ những doanh nghiệp, HTX, nhóm nông dân, và mong rằng Ngày sáng tạo Việt Nam sẽ luôn thu hút được nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn cao. Tuy nhiên, anh mong rằng, WB nên xem xét về vấn đề thời gian/kinh phí tài trợ thực hiện dự án: vì với vấn đề biến đổi khí hậu nhiều hoạt động sau 12 tháng kết quả vẫn chưa rõ nét đặc biệt những tác động về môi trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật