Thổ Nhĩ Kỳ một năm sau đảo chính: TT Erdogan lật ngược thế cờ

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khoảng thời gian đắm chìm vào những rối ren, Thổ Nhĩ Kỳ đang quay trở lại vị thế vốn có của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ một năm sau đảo chính: TT Erdogan lật ngược thế cờ
Cuộc đảo chính năm ngoái đã bị ngăn chặn bởi người dân và binh sĩ trung thành với Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tổ chức một loạt các sự kiện để kỷ niệm một năm cuộc đảo chính bất thành. Sau khoảng thời gian đắm chìm vào những rối ren, quốc gia này đang quay trở lại vị thế vốn có của mình.

Cuộc binh biến bất thành

Ngày 15/7/2016, một nhóm các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện kế hoạch lật đổ Chính phủ Trung ương và tạo nên khung cảnh bạo loạn ở Thủ đô Ankara khiến ít nhất 260 người chết và 2.196 người bị thương.

Các tay súng đảo chính được trang bị xe tăng, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, tuyên bố họ đã tiếp quản các phương tiện truyền thông Nhà nước và ném bom tòa nhà Quốc hội cũng như tấn công các địa điểm quan trọng khác.

Một nhóm binh sĩ đã lên kế hoạch bắt giữ Tổng thống Erdogan khi ông đang nghỉ ngơi tại khu nghỉ mát Aegean. Nỗ lực này sau đó đã thất bại khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi cuộc truy đuổi và kiểm soát được tình hình. Cuộc đảo chính sớm bị ngăn chặn bởi thường dân và binh sĩ trung thành với Tổng thống.

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc một phong trào trung thành với giáo sĩ người Hồi giáo Fethullah Gulen là người đứng sau tổ chức âm mưu này. Ông Gulen, người đang sống lưu vong ở Mỹ đã phủ nhận sự liên quan, trong khi chính quyền Washington cho đến nay vẫn từ chối các yêu cầu dẫn độ từ Ankara.

Theo các báo cáo sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng các Chính phủ nước ngoài bao gồm cả Mỹ dường như đã biết trước sự việc, nhưng đã phản ứng chậm chạp đến kỳ lạ. Ankara tin rằng, có một sự ủng hộ đảo chính ngầm từ chính các đồng minh phương Tây.

Trong khi đó, có nguồn tin cho rằng Nga đã cảnh báo giới lập pháp và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ về hoạt động quân sự bất thường trước vụ đảo chính. Ngoài ra, Iran là một trong những quốc gia đầu tiên đã bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Erdogan, dù quan hệ hai nước trước đó không có nhiều suôn sẻ. Theo các nhà phân tích, chính điều này dẫn đến việc Ankara mất niềm tin vào Washington và tìm đến Moscow cũng như Tehran.

Tuyên bố sau cuộc binh biến, chính quyền Erdogan nhấn mạnh tất cả cá nhân ủng hộ, hoặc có dính líu tới âm mưu lật đổ này đều sẽ phải nhận những hình phạt "nặng nề nhất có trong luật pháp".

Ngày 14/7, trước khi lễ kỷ niệm một năm được diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải thêm 7.563 người, bao gồm cảnh sát, binh sĩ và nhân viên Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Ankara đã sa thải hơn 150.000 nhân viên Nhà nước, bị cáo buộc dính líu đến âm mưu nói trên.

Các nhà phê bình và một số Chính phủ phương Tây cáo buộc Tổng thống Erdogan đang sử dụng tình trạng khẩn cấp được ban bố sau cuộc đảo chính để đứng đằng sau thanh trừng các phe nhóm đối lập bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà chính trị ủng hộ người Kurd và các nhà báo.

Tuy nhiên, trong bài viết trên tờ The Guardian, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo phương Tây đã không đánh giá cao tầm quan trọng của những gì đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7/2016. "Thay vì thể hiện sự đoàn kết với nhân dân chúng ta, một số Chính phủ phương Tây và các tổ chức đã chọn cách chờ xem cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra như thế nào", ông Erdogan cho biết.

Ổn định sau 1 năm

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 6/7, Tổng thống Erdogan đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thổ Nhĩ Kỳ đã sớm loại bỏ những hậu quả kinh tế sau cuộc đảo chính, vốn dẫn đến sự sụt giảm 1,8% GDP trong quý III năm 2016. Ngoài tăng trưởng kinh tế 5% trong quý I năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu triển khai một số dự án lớn và xây dựng cơ sở hạ tầng mới về hàng không vũ trụ, vận tải và các dự án năng lượng.

Thời gian qua cũng chứng kiến những bước đi tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết các vấn đề quốc tế như tham gia cùng với Nga, Iran trong tiến trình đàm phán hòa bình Syria và trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố.

Mối quan hệ với Mỹ cũng đang từng bước được phá băng, đặc biệt sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson đến Ankara vào tuần trước. Tại đây, ông Tillerson hoan nghênh những người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng lên bảo vệ nền dân chủ trong vụ đảo chính quân sự bất thành ở nước này hồi tháng Bảy năm ngoái.

Cũng tại sự kiện này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson khẳng định Mỹ luôn xem Thổ Nhĩ Kỳ như là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực.

Trong khi đó, dù vẫn còn căng thẳng với các nước châu Âu cũng như không còn mặn mà với ý định gia nhập Liên minh châu Âu, Ankara cũng phần nào cho thấy động thái thiện chí với các quốc gia này.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 6/7, Tổng thống Erdogan đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong những bước đi đầu tiên gỡ rối những bất đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật