“Em không học được nữa vì đầu nát rồi!“

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Áp lực phải học giỏi từ gia đình, thầy cô khiến nhiều học sinh phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn về tâm thần. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, viện Sức khỏe Tâm thần - bệnh viện Bạch Mai, cho biết, việc điều trị cho các em phải mất một thời gian dài vì các em nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần quá nặng.
“Em không học được nữa vì đầu nát rồi!“
Bác sĩ Dũng thăm hai mẹ con chị Hải tại phòng điều trị

Sợ thầy đến mức... mót đi tiểu!

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hải (Nghi Lộc, Nghệ An) tại khoa Tâm thần nam và nghiện chất – viện Sức khỏe Tâm thần – bệnh viện Bạch Mai. Chị cho biết đã đưa con vào viện được gần một tháng để chữa trị.

Hiếu (con trai chị Hải) là một học sinh hiếu học, niềm tự hào của gia đình. Vì thế vợ chồng cố gắng bằng mọi cách sau này sẽ cho con vào được đại học để mở mày, mở mặt với bàn dân thiên hạ.

Cuộc sống gia đình khó khăn nên sinh hoạt ăn uống chỉ rau dưa cho qua bữa. Mặc dù vậy, gia đình chị vẫn luôn đầy ắp tiếng cười vì những giấy khen, giấy chứng nhận học sinh tiên tiến của con.

Hiếu có thể giải được tất cả bài toán thầy giao, thấy vậy thầy giáo càng giao cho em nhiều bài tập hơn. Làm ngày, làm đêm vẫn không đủ thời gian, sinh hoạt khó khăn khiến c‌ơ th‌ể em suy nhược, luôn mất ngủ, thẫn thờ.

Rồi một vài lần, Hiếu không làm được bài tập. Thầy giáo bảo: “Học như vậy thì làm sao học được nữa!". Hiếu trở nên lo lắng và rơi vào khủng hoảng tinh thần. Mỗi khi nhìn thấy thầy giáo, em lại toát mồ hôi và... buồn đi tiểu. Có hôm em chỉ thích đứng trong nhà vệ sinh. Về nhà, đến bữa ăn cơm, nhìn bố mẹ là em lại trốn ra sau nhà khóc một mình, sau đó lại cười to.

Dần dần, em trở nên cục cằn, không thích gặp người quen, thích đánh chính những người thân. Gia đình đưa em đi chữa khắp các bệnh viện ở Nghệ An sang Hà Tĩnh, cả cầu cúng…nhưng chẳng tiến triển gì. Đến khi không thể cứu chữa được nữa, gia đình đưa em ra Hà Nội. Có những đêm giật mình tỉnh giấc, Hiếu lại gọi “Mẹ ơi, đầu con tan nát rồi”, khiến chị Hải càng thêm đau lòng...

Tiếp xúc với chúng tôi, em cứ lẩm bẩm nói nhỏ: “Em sẽ trở thành một kỹ sư tin học nhưng em không học được nữa vì đầu nát lắm”.

 
Giá như con không học giỏi!

Nguyễn Bích D. (Hà Tĩnh) sinh ra trong một gia đình khá giả, là một nữ sinh vừa có sắc, vừa có tài. Học lớp 10, D thành thạo cả hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp.

D trở thành sự hãnh diện của bố mẹ. Biết tầm quan trọng của mình đối với gia đình nên D. càng cố gắng học. Mỗi đêm, em đều thức làm bài tập đến khuya. Em hầu như không giao tiếp với bạn bè.

Trong một giờ học, vì quá buồn ngủ em đã gục xuống bàn. Thấy vậy, thầy giáo đã vô tình nhận xét: “Chắc tối qua đi chơi về khuya nên bây giờ mới ngủ gật?”.

Từ đó, D. bắt đầu chán nản, mặc cảm, mất niềm tin, dẫn đến rối loạn cảm xúc, mất ngủ triền miên.

Khi biểu hiện rối loạn tâm thần của D. ngày càng nặng, gia đình lại cho rằng em bị ma làm và công cuộc chiến đấu với "con ma trầm cảm" kia bắt đầu.

Hơn hai năm ròng chữa chạy hết thuốc nam, thuốc bắc, hết đuổi ma, trừ tà nhưng bệnh của em vẫn không khỏi, còn kinh tế gia đình thì trở nên lụi bại. "Khi em phát bệnh với biểu hiện mất ngủ, gắt với những người thân, khóc cười tự nhiên nên gia đình đi cúng, chẳng ai nghĩ nó bị tâm thần cả" - mẹ em tâm sự.

Sau khi D. bị bệnh, lục lại những lá thư em viết khi còn chưa khỏe mạnh bình thường, bố mẹ em không khỏi đau lòng. Nội dung của những lá thư đó chỉ là: “Con chỉ ước, con không học giỏi”.


Bác sĩ CK II Nguyễn Văn Dũng - người điều trị trực tiếp các em trên cho hay: Việc điều trị cho các em nhỏ trên phải mất một thời gian dài vì các em nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần quá nặng. Nguyên nhân một  phần là do phụ huynh không ai nghĩ con mình mắc triệu chứng tâm thần.

Đặt niềm tin vào con trẻ là tốt nhưng người lớn đã vô tình đặt những sức ép quá lớn lên tâm hồn mong manh của trẻ vốn chưa có nhiều kinh nghiệm sống.

Sức ép của học hành khiến trẻ căng thẳng, không làm được bài khiến các em lo âu, sợ sệt...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật