Hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm?

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc một số hạt thóc thu được trong cuộc khai quật Thành Dền (huyện Mê Linh, Hà Nội) thuộc văn hóa Đồng Đậu có niên đại cách đây 3.000-3.500 năm) nảy mầm khiến nhiều nhà khoa học sửng sốt. Không ít người đã tỏ ra nghi ngờ niên đại của hạt thóc này.
Hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm?
Khai quật di chỉ Thành Dền. Ảnh: svnhanvan.org

TS Lê Huy Hàm, viện trưởng viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết viện này đã tiếp nhận khoảng 100 hạt thóc khai quật từ di chỉ Thành Dền, trong đó có 6 hạt đã nảy mầm. Dù đang tiếp tục nghiên cứu về số thóc này, song TS Hàm vẫn cho rằng: về lý thuyết và thực tiễn, hạt thóc khó có thể tồn tại nguyên vẹn suốt 3.000-3.500 năm.

“Cá biệt, có thể thóc được bảo quản nhờ vùi sâu trong môi trường tro bụi. Song ngay cả với điều kiện đó, thóc vẫn khó được bảo quản tới mấy ngàn năm”, TS Hàm nhận định.

Trước thông tin hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm, TS Nguyễn Lân Cường, viện Khảo cổ học cũng khẳng định: đây là điều rất khó xảy ra. “Trong các đợt khai quật trước đó, các di vật thu được có nhiều loại và được xác định thuộc văn hóa Đồng Đậu (cách đây khoảng 3.500 năm), trong đó có cả thóc nhưng đều hóa than hết”, TS Cường nói và cho biết thêm: “Thực tế, chưa từng có hiện tượng hạt thóc tồn tại được nguyên vẹn trong môi trường tự nhiên với thời gian dài như vậy”.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội, để bảo quản thóc trong một thời gian thật dài mà không bị nẩy mầm phải có những điều kiện khá phức tạp. Cách đơn giản nhất là cho thóc đó vào túi nylon, rút bớt không khí trong túi và bảo quản trong tủ lạnh. “Vỏ thóc mềm nên không dễ để bảo quản”, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay. Theo ông, việc thóc ở di chỉ khảo cổ nảy mầm có thể do nhầm lẫn hoặc có thể do… chuột tha thóc ở tầng văn hóa khác đến.

Tuy nhiên, TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử Trường ĐH KHXHNV, ĐH QG Hà Nội, người chủ trì cuộc khai quật, khẳng định: “Với tư cách là người tham gia khai quật và thu thập mẫu vật, tôi chắc chắn những hạt thóc được lấy đúng mẫu trong tầng văn hóa đó”.

TS Dung cho biết, trong một tháng khai quật di chỉ Thành Dền, mỗi ngày đoàn khai quật thu thập được vài hạt. Để bảo quản, những người tham gia khai quật đã ngâm thóc trong nước. Sau vài ngày, lo thóc thối nên họ gạn bớt nước và chứng kiến một vài hạt thóc đã nảy mầm. Ngay bản thân TS Dung và các nhà khoa học tham gia khai quật cũng rất băn khoăn về sự kiện này nên đã gửi mẫu đến viện Di truyền Nông nghiệp, thuộc viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để chăm sóc và tiếp tục nghiên cứu.

TS Lê Huy Hàm cho biết, khoảng 4 - 5 tháng nữa, viện Di truyền Nông nghiệp sẽ có kết luận chính thức về niên đại hạt thóc này.

Những hạt giống nghìn năm tuổi thành cây

Trong cuộc khai quật cung điện của vua Herod đệ nhất tại khu vực Masada ở Israel vào năm 1973, người ta tìm thấy một hạt chà là khoảng 2.000 năm tuổi. Sau nhiều năm nằm trong ngăn kéo của một nhà khảo cổ học, hạt cây được tặng cho một chuyên gia nông nghiệp, người giúp hạt nảy mầm vào năm 2005.

Hạt giống cổ thứ hai thế giới mà nảy mầm được là các hạt sen 1.300 năm tuổi được tìm thấy ở một đáy hồ khô ở tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng đông bắc Trung Quốc vào năm 1995. Các nhà khoa học thử nghiệm 6 hạt sen trong vài ngày và thấy bốn hạt nảy mầm. Các cây sen cổ này có lá nhỏ hơn nhưng phát triển nhanh hơn so với giống sen tương tự thời hiện đại. Hạt sen cổ đến từ các cây sen do các nhà sư trồng.

Tháng 12/2009, một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ đăng tin rằng một hạt đậu lăng 4.000 tuổi đã nảy mầm nhưng tuổi thực của hạt cây này không được khẳng định bằng phương pháp carbon phóng xạ. Nhiều người tin rằng, các hạt giống có tuổi đời hơn 3.000 năm được tìm thấy ở các lăng mộ tại Ai Cập có thể nảy mầm. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, một số người đã tung tin về sự tồn tại của hạt “thần” để bán hạt cây bình thường với giá cắt cổ.

Ngoài một số cây có khả năng “trường sinh bất lão”, điều kiện bảo quản là yếu tố quan trọng để hạt giống nghìn năm tuổi nảy mầm. Ví dụ, một hạt đậu lupin từ kỷ Băng Hà được tìm thấy ở Bắc Cực đã nảy mầm năm 1954. Minh Long (theo Sciencemag, National Geographic, Daily News)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật