Gửi tình qua song sắt

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Viện KSND tối cao đã chính thức có kháng nghị Giám đốc thẩm số 02/QĐ-VKSNDTC-V3 năm 2010 và có quyết định trả tự do cho Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Kiên (tức Lợi) đều trú tại thôn Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ), nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Sự trở về của 3 thanh niên mang các bản án 16 năm, 14 năm, 11 năm tù do phạm tội hiế‌p dâm, cướp của đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận và công luận.
Gửi tình qua song sắt
Ba chú cháu: Lợi, Tình, Kiên.

Thế nhưng ít ai biết rằng, trong hơn 3.000 ngày bị giam giữ, dù đang mang bản án tù về loại tội đáng hổ thẹn, họ vẫn nhận được tình yêu của các cô gái. Họ là những chàng trai quá đào hoa hay những người con gái này có niềm tin về sự vô tội của họ?

1. Trở lại vụ án cướp của, hiế‌p dâm xảy ra khoảng 22h ngày 24/10/2000 tại cánh đồng xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ) để bạn đọc hình dung rõ sự việc. Anh Nguyễn Chính H., trú tại huyện Thanh Oai cùng chị Nguyễn Thị H.H., trú tại TP Hà Đông (nay là quận Hà Đông) đang ngồi tâm sự trên xe máy tại bờ mương thu‌ộc đị‌a phận xã Dương Nội, bất ngờ bị 3 thanh niên đến dùng dao, gậy, điếu cày khống chế, cướp tài sản và thay nhau hãm hiế‌p chị H.H. Khi bỏ chạy, anh H. bị một tên đuổi theo dùng gậy vụt gãy tay, thương tích 21%. Tài sản hai nạn nhân bị mất gồm: 1 dây chuyền, 1 đôi khuyên tai vàng tây, 1 nhẫn vàng ta, 1 đồng hồ Rolex nữ, 280.000đ, 1 ví da, 1 quần ka ki, 1 giấy đăng ký xe.

Ngày 25/10/2000, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Hà Tây ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ngày 14/12/2000, cơ quan này tiếp nhận hồ sơ vụ án Nguyễn Đình Kiên (tức Lợi, sau đây gọi là Lợi) can tội cướp tài sản (xảy ra ngày 22/9/1998) do Công an huyện Hoài Đức khởi tố vụ án, khởi tố bị can chuyển đến. Vụ việc này trước đó, Công an huyện Hoài Đức đã xử lý hành chính. Qua khai thác mở rộng, Lợi khai nhận cùng Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên gây ra vụ cướp, hiế‌p nêu trên. Các ngày 13 và 16/12/2000, Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp đối với Tình và tiếp nhận đối tượng tự thú là Kiên. Ngày 24/5/2001, Cơ quan CSĐT kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ đến viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hà Tây đề nghị truy tố 3 người trên về tội cướp tài sản, hiế‌p dâm.

Trong các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm diễn ra vào các ngày 21/1 và 22/4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tây xử phạt Nguyễn Đình Lợi 16 năm tù; Nguyễn Đình Tình 14 năm tù; Nguyễn Đình Kiên 11 năm tù. Tại các phiên tòa xét xử và suốt thời gian thi hành án, 3 bị can liên tục kêu oan và gia đình cũng thường xuyên gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng.

Ngày 20/11/2009, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội có báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ vụ án này, trong đó nêu rõ những vi phạm tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể là: khám nghiệm hiện trường không có người chứng kiến; không lập biên bản thu giữ vật chứng người bị hại nộp lại; cho một số nhân chứng nhận dạng vật không đúng thủ tục tố tụng; chỉ chú trọng điều tra thu thập chứng cứ buộc tội mà không chú ý đến những chứng cứ gỡ tội... VKSND tối cao cũng cho điều tra lại và ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và trả tự do cho 3 anh Kiên, Lợi, Tình.

Đầu tháng 2/2010, Ban giám thị các trại giam Tân Lập, Thanh Xuân đã trao quyết định của VKSND tối cao và trả tự do cho các anh Kiên, Lợi, Tình. Những thiếu sót trong quá trình tiến hành tố tụng trong vụ án này đã được VKSND tối cao chỉ rõ trong kháng nghị giám đốc thẩm. Các anh Kiên, Lợi, Tình đang đợi phiên tòa tới đây để chính thức nhận được câu trả lời, họ phạm tội hay không phạm tội. Nếu họ phạm tội, phải được chứng minh bằng những căn cứ xác thực. Nếu họ không phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ trách nhiệm của mình cũng như vai trò của từng cán bộ trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chúng tôi đang chờ diễn biến tiếp theo của vụ án ở phiên xét xử tới của TAND tối cao.

2. Nhưng còn có một câu chuyện lạ nữa trong vụ án ly kỳ này. Đó là trong suốt thời gian họ bị giam giữ, có những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi lại dành tình cảm cho kẻ bị kết tội hiế‌p dâm, những kẻ mà đáng ra họ phải tránh xa? Phải chăng, họ quá đào hoa? Hay các cô gái này, có niềm tin rằng họ không phạm tội?

Chiếc khăn tay, kỷ vật tình yêu trong những ngày ở trại giam của Lợi.

Tôi xin trích ra đây đoạn thư mà cô gái tạm gọi là Hà Linh (do yêu cầu nhân vật, chúng tôi xin giấu tên), người luôn sát cánh bên Nguyễn Đình Lợi  trong những ngày tháng dài dằng dặc anh ở trong tù để bạn đọc biết một chút về tình cảm của cô. Thư đề ngày 22/2/2007 có đoạn viết: "Em muốn anh vui vẻ, hồn nhiên. Nhiều lúc em trách anh chỉ lo cho danh dự của mình mà không chịu về với gia đình và với em bằng cách đặc xá. Anh nói không có em thì lúc về không có nghĩa lý gì nữa nhưng anh cứ ở đấy mãi. Em trách anh nhiều nhưng nghĩ lại, nếu anh về như vậy là vì em, như vậy thì em chính là người ích kỷ. Không nghĩ đến tương lai và cuộc sống của anh sau này... Anh phải giữ cho mình niềm tin, có niềm tin mới đứng lên được. Đừng để mất nó... Hãy nghĩ lúc nào em cũng ở bên anh, ủng hộ anh".

Nếu không tin người mình yêu vô tội, hẳn cô gái đã không hờn trách rồi lại tự biện minh như vậy. Cô hiểu, động viên và ủng hộ việc Lợi "ngoan cố" không chịu nhận tội. Cô cũng biết rằng, nếu nhận tội, Lợi của mình sẽ được giảm án, sẽ được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Nhưng bản thân cô cũng nghĩ đến cuộc sống của Lợi sau này, nếu trở về mà anh vẫn mang án tích, phạm tội cướp tài sản, hiế‌p dâm thì cả đời sẽ không thể nào tẩy rửa được. Danh dự cao hơn khổ đau và sự đày đoạ, người con gái yêu Lợi hiểu rõ điều này.

Lợi cho tôi xem khối "tài sản" mà anh đem về từ trại giam. Đó là một hộp cáctông, trong đựng hàng chục bức thư, kỷ vật. Nó là chỗ dựa tinh thần cho anh những ngày ở trong trại giam. Tôi còn ngạc nhiên hơn khi lật giở chiếc khăn tay trên có thêu hình đôi chim bồ câu, trái tim, giỏ hoa hồng và ngôi nhà. Tôi bật hỏi: "Bạn gái em thêu chiếc khăn này à?". Nguyễn Đình Tình nhanh nhảu trả lời: "Bọn nó mỗi người thêu một nửa đó chị". Nghe vậy, Lợi nói: "Em chỉ thêu ngôi nhà thôi".

Lạ chưa? Ở thế kỷ XXI rồi mà trai gái, những người thuộc thế hệ 8X vẫn trao những chiếc khăn tay, và cùng thêu lên ước vọng về ngôi nhà chung của mình. Quá tò mò, tôi hỏi Lợi về cô gái ấy. Ngập ngừng, Lợi đề nghị tôi không được nêu tên cô gái. Tôi gật đầu. Theo Lợi, đó là Hà Linh hiện đang bán hàng thủ công mỹ nghệ trên phố cổ. Cô và Lợi quen nhau rất tình cờ, thông qua một người bạn. Khi Lợi bị bắt, cô không hề biết. Mãi 3 tháng sau, không thấy Lợi đến chơi hay liên lạc gì với mình, Linh tìm đến nhà anh ở Yên Nghĩa.

Khi thấy một cô gái ở phố đến hỏi thăm về con mình, bố mẹ Lợi không dám nói thật. Họ chỉ bảo: "Lợi đi vào miền Nam làm ăn rồi". Linh đành quay về, thấp thỏm đợi tin người đi làm ăn ở đất phương Nam. Đợi mãi chẳng thấy hồi âm nên chừng 7 tháng sau, cô lại đến nhà Lợi hỏi thăm tin tức. Lần này, bố mẹ Lợi đành nói rõ cơ sự. Họ tưởng rằng, cô gái sẽ ngỡ ngàng rồi bỏ đi. Đằng này, sau những phút giây ngạc nhiên, cô bảo mình không tin Lợi lại làm điều đó. Rồi cô đến trại giam thăm Lợi.

Cô nghe anh kể lại sự tình, cùng gia đình anh đi tìm nhân chứng, luật sư và gửi đơn kêu cứu. Thế nhưng, suốt mấy năm ròng, công lao của cô và gia đình Lợi không thu được kết quả gì. Thế nhưng, có một cái rất lớn lao mà cô đã làm được cho Lợi, đó là chỗ dựa tinh thần, là nguồn động viên vô giá. Tình cảm trong sáng của cô, niềm tin của cô đã giúp Lợi vượt qua bệnh tật, khủng hoảng tinh thần.

Đọc những lá thư cô viết cho Lợi, tôi mới biết rằng, Linh trân trọng và dành cho anh tình cảm thật đẹp. Cô chính là người đưa những tin tức đời sống xã hội đến cho anh bằng những lá thư dài kín 4 trang giấy gửi đều đặn. Đó là câu chuyện về quan hệ bạn bè, quan hệ trong làm ăn buôn bán, những góc khuất trong tâm hồn cô. Đọc thư, tôi mới thấy, đấy là một cô gái tân thời. Ngoài sở thích ăn quà vặt rất con gái, cô còn là người hiện đại nữa. Cô chọn khiêu vũ là trò để giải trí. Cô khoe với Lợi bạn nhảy của mình, cô giải thích với anh, khiêu vũ nghệ thuật khác với lên sàn, đi bar uống rượu mạnh.

Trong một lá thư, cô gái này còn viết gửi kèm cho Lợi một tờ bản đồ Hà Nội, "vì muốn anh nhớ lại những con đường, phố xá anh đã từng đi và chưa đi. Hà Nội giờ nhiều thay đổi lắm, đẹp hơn trước nhiều...". Rồi cô lại tự trách mình, chỉ vì một lần đi chơi nhìn thấy hoa súng dưới hồ, cô tỏ ra thích thú. Thế là trong một lần đến chơi ở một ngôi đình gần cầu Thăng Long, Lợi đã dám cả gan xuống hồ ngắt cho cô bông hoa súng. Chỉ vì cô mà Lợi lấy hoa ở đình, có thể vì thế mà anh bị phạt. Thế là cô đi lễ ở đình, cầu xin thành hoàng xá tội cho Lợi...

Tình cảm đẹp đẽ, trong sáng của cô gái với Lợi là vậy đấy. Hôm nay, Lợi cho chúng tôi biết, bố mẹ anh rất cảm động tình cảm của Linh dành cho con mình. Thế nhưng, họ không muốn cô chịu thiệt thòi nên nhiều lần giục cô lấy chồng. Và rồi, sau 8 năm chờ đợi, qua lại trại giam thăm Lợi, Linh không còn kiên nhẫn để đợi anh. Dẫu tiếc nhưng Lợi vẫn bảo rằng, anh luôn tôn trọng quyết định của cô. "Con gái có thì, mà em lại án 16 năm. Nay em được trở về, bản thân nhiều lúc còn không tin mình đã tìm được công lý nữa là...".

Có một tình tiết diễn ra trong phiên xử phúc thẩm vụ án 3 chú cháu họ Nguyễn Đình phạm tội hiế‌p dâm mà đến nay, cứ ai nhắc lại là Nguyễn Đình Tình lại đỏ mặt, gạt đi. Đó là việc, một cô gái, người mà tối hôm xảy ra vụ án (24/10/2000), Tình, Lợi, Kiên đến nhà chơi (và đã khai với Cơ quan điều tra để chứng minh bằng chứng ngoại phạm), sau khi nghe tòa tuyên án, 3 người này phạm tội cướp tài sản, hiế‌p dâm đã nói với Tình, "em sẽ đợi anh về". Còn việc Tình không muốn đề cập đến chuyện này bởi, sau đó 4 năm, cô gái này đi lấy chồng. Anh không trách cô sai hẹn bởi "không muốn người ta phải đợi trong khi mình đang đi tù".

Bác sĩ Phạm Thị Hồng.

3. Bà là người phụ nữ xuất hiện sau khi 3 anh Tình, Kiên, Lợi đã thụ án hơn 8 năm. Từ một sự tình cờ, bác sĩ Phạm Thị Hồng, Khoa Phục hồi chức năng, bệnh viện Đa khoa Hà Đông được giao nhiệm vụ chữa trị cho bệnh nhân Nguyễn Đình Lợi do trại giam Thanh Xuân đưa đến. Với tâm niệm, sức khỏe người bệnh là trên hết nên bà dồn hết tâm sức chữa trị cho Lợi. Qua trò chuyện, bà biết Lợi đang kêu oan. Phạm nhân nào chẳng kêu oan để gỡ tội, nhưng bằng kinh nghiệm của bác sĩ châm cứu, chuyên sâu về huyệt đạo, bà biết, Lợi chưa có quan hệ với phụ nữ.

Khi chúng tôi hỏi bà căn cứ, bà cười mà bảo rằng, do đọc sách của Hoa Đà về cách tuyển chọn cung nữ của các vị hoàng đế Trung Hoa nên bà biết nhìn vào đường dương minh (đối với nam) và đường quyết âm (đối với nữ) để nhận biết còn trong trắng hay không. Thế nhưng thực tế, y học trong nước và cả giám định pháp y chưa ai công nhận điều này nên không thể đưa ra được. Thế là bà cất công đến gặp nạn nhân, nhân chứng...

Từ kết quả thu thập được, bà gửi đơn kêu oan đến 36 cơ quan chức năng liên quan. Thế nhưng, bà chỉ nhận được văn bản trả lời "không oan, không sai vì người phạm tội đã nhận tội". Không chịu dừng lại, bà vẫn tiếp tục đeo đuổi vụ việc này. Sau đó, VKSND tối cao đã điều tra lại vụ án này và ra các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và trả tự do cho Lợi, Tình, Kiên.

4. Ba chú cháu dòng họ Nguyễn Đình cùng người thân của họ đang chờ  phiên giám đốc thẩm. dư luận và công luận cũng đang chờ đợi kết quả phiên xét xử này. Trong bài viết trên, chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh tình cảm của những chàng trai bị kết luận phạm tội khi mới đang ở tuổi 19, 20 để bạn đọc phần nào hình dung ra một góc trong tâm hồn của họ trong những ngày âm thầm kêu oan

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật