Cuộc đối đầu Điện Biên Phủ, sai lầm lớn nhất của Pháp (5)

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trận quan trọng với Tướng Giáp là cuộc tấn công vào cứ điểm gần bờ trái Sông Nậm Rốn có nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm chỉ huy trung tâm. Sáng Thứ Sáu, ngày 7/5, quân đội Việt Minh vẫy cờ đỏ sao vàng trên hầm chỉ huy của Tướng De Castries.
Cuộc đối đầu Điện Biên Phủ, sai lầm lớn nhất của Pháp (5)
Binh lính Pháp rút quân khỏi Điện Biên Phủ
Ngày 3/5, Cogny đề nghị với De Castries một cuộc hành binh phá vây mang bí danh Albatros (Hải âu lớn), khi đa số các chỉ huy Pháp đã không còn nhuệ khí chiến đấu. Tuy nhiên, De Castries đã từ chối. Ông ta quyết định ở lại đến cùng với những binh sĩ bị thương vì cho rằng, danh dự quân đội chính là việc cứu sống được bao nhiêu mạng lính và giảm thiểu thương vong cho họ.


Chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ

Ngoài vật lộn với con số thương vong lớn, De Castries còn phải đối phó với tâm lý thất vọng cực độ khi thiếu đạn dược, lương thực và thuốc men cần thiết. Đau đầu khi những hoạt động tiếp tế của lực lượng lính dù không ổn định, viên chỉ huy này cũng gặp những vấn đề nghiêm trọng với chính quyền Pháp. Chiều mưa ngày 4/5, khi cứ điểm Huguette đang hứng chịu những đợt dội pháo hạng nặng của lực lượng Việt Minh, De Castries đã gửi bức thư tuyệt vọng cho sở chỉ huy của Pháp ở Hà Nội:

Chúng tôi không có đủ đạn dược để chặn các cuộc tấn công hay các đợt bắn phá liên miên của Việt Minh. Dường như không có nỗ lực nào giúp chúng tôi khắc phục tình thế. Tôi đã báo cáo về nguy cơ đối với đội bay, nhưng binh lính của chúng tôi ở đây còn phải chịu vô vàn những hiểm nguy khủng khiếp hơn nhiều – không thể có kiểu đối xử khắt khe với người này nhưng rộng rãi với người kia được. Việc thả dù đồ tiếp viện vào ban đêm phải bắt đầu lúc 8 giờ tối thay vì lúc 11 giờ. Thời gian buổi sáng đã không thể làm được gì vì sương mù và do kế hoạch thả đồ tiếp viện trong khoảng thời gian cách nhau dài giữa các máy bay. Tôi rất cần các hoạt động tiếp viện với số lượng lớn.

…Tôi không thể hy vọng lấy lại được thậm chí là chỉ một nửa số đồ được thả xuống, mặc dù số lượng đồ được gửi đến cho tôi chỉ là một phần rất nhỏ những gì tôi yêu cầu. Tôi không có gì để duy trì tinh thần những binh sĩ của mình – những người được yêu cầu phải có nỗ lực phi thường. Tôi không dám đi gặp họ với hai bàn tay không.

Dông tố lại càng khiến cảnh khốn khổ trong tuần cuối cùng thêm thê lương. Hiệu ứng tích lũy của những đợt bắn phá và lũ lụt đã khiến chiến trường như một đầm lầy, đầy rác rưởi và xác chết. Kẻ thù mới của quân Pháp – bùn lầy – giờ đã ngập đến đầu gối.

Nhiều vợ của binh lính Pháp có mặt tại Điện Biên Phủ. Một phụ nữ hạ sinh con gái vào ngày 4/5, trong một boongke ở cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) mà Pháp vừa tạm thời chiếm lại. Người chồng của sản phụ, Đại úy Desire, nằm bên cạnh với la liệt những binh sĩ bị thương. Đứa trẻ này sau đó được đặt tên giống một trong những cứ điểm và được Cha Tissot rửa tội. Bên ngoài boongke, mưa tiếp tục như trút. Trời chuyển dông lớn ngày sau đó. Tối đó, 32 lính Pháp tuần tra bên ngoài cứ điểm Hồng Cúm, về phía tây. Tất cả đã bị Việt Minh tiêu diệt.

Hai tổ lái C-119 của Mỹ, do James McGovern chỉ huy, đã tình nguyện bay tầm thấp để thả đạn dược xuống Hồng Cúm. Sáng 6/5, bầu trời trong xanh ấm áp, hai chiếc C-119 đến Điện Biên Phủ. Bộ đội Việt Nam sẵn sàng bắn hạ bằng súng phòng không. Máy bay đầu tiên do phi công Art Wilson lái bị bắn trúng đuôi. Wilson mất kiểm soát nhưng vẫn trốn thoát và hạ cánh được xuống sân bay Cát Bi. Máy bay của McGovern bị bắn trúng động cơ và đuôi. Cả McGovern và lái phụ thiệt mạng vì chính lượng đạn dược mà chúng chở trên máy bay.

Trận quan trọng với Tướng Giáp trong những ngày cuối cùng này là cuộc tấn công vào cứ điểm gần bờ trái Sông Nậm Rốn có nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm chỉ huy trung tâm. Trong số 49 cứ điểm phòng thủ, đây là một cứ điểm mà Pháp gọi là “cổ họng Điện Biên Phủ” – cũng là nơi Pháp gánh tổn thất lớn. Tướng Giáp phát hiện rằng quân Pháp vào quả đồi này qua một pháo đài được xây dựng nhiều năm trước đây. Trong 16 ngày, lực lượng công binh của Việt Minh đã đào một hầm ngầm tới quả đồi. Đến được cứ điểm này lúc 8 giờ 30 phút ngày 6/5, họ đã cho nổ 1 tấn thuốc hất tung hệ thống hầm ngầm cuối cùng. Vụ nổ này lớn hơn và mạnh hơn bất kỳ vụ nào trước đó. Trước nửa đêm, Việt Minh đã chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát cứ điểm này. Quân tiếp viện Việt Minh từ các chiến hào bắt đầu ào lên dọc các sườn dốc, tràn lên quả đồi cuối cùng.

Sáng Thứ Sáu, ngày 7/5, quân đội Việt Minh vẫy cờ đỏ sao vàng trên hầm chỉ huy của Tướng De Castries. Đến chiều, đại tá Langlais xuống hầm trú ẩn và đốt chiếc mũ của lính dù mà ông ta đang đội. Ông ta đã đổi chiếc mũ này của một lính bộ binh. Trong khi đó, Tướng De Castries điện thoại cho vợ ở Paris chỉ với một thông điệp ngắn: “Đừng lo. Anh đã bị bắt làm tù binh. Chúng ta sẽ gặp lại nhau”. Tuy nhiên, Cogny nói với De Castries qua đường truyền radio từ Hà Nội và chỉ thị ông ta không được đầu hàng.

“Ông bạn già, giờ đây phải kết thúc thôi, nhưng không phải bằng cách đầu hàng. Chúng ta không được phép làm như vậy. Không được kéo cờ trắng, không được đầu hàng. Đừng làm những hành động đáng xấu hổ”.

“Được, Tướng quân. Ước muốn của tôi là bảo vệ những binh sĩ bị thương”, De Castries trả lời, trong nước mắt.

Cogny tiếp tục: “Tôi không có quyền cho phép ông đầu hàng. Hãy làm những gì tốt nhất. Nhưng cuộc chiến không được kết thúc với một chiếc cờ trắng. Ông hiểu không, ông bạn già”.

“Được, thưa Tướng quân”.

Từ chiều đến tối ngày 7/5, hơn 10.000 binh sĩ đói lả, trong những bộ quần áo tả tơi và giày mục nát, chầm chậm nhô lên từ thung lũng sâu. Việt Minh yêu cầu chuyển họ đến các trại tù binh cách đó vài trăm km. Nhiều người không thể. Họ quá yếu. Hầu hết những người sống sót đều bị mất phương hướng do sống trong bom đạn quá lâu.

Trận Điện Biên Phủ không chỉ là biểu tượng báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, mà còn chấm dứt nhiều thế kỷ chủ nghĩa thực dân châu Âu thống trị cả thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật