Hành nghề công chứng vẫn rối như canh hẹ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Luật công chứng đã đi vào hoạt động hơn hai năm song chưa có quy hoạch tổng thể, hợp lý trên từng địa phương nên việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn mang tính tự phát, trong khi đó, quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn bất cập. Hiện tượng buông lỏng quản lý nhà nước đã dẫn đến phát sinh tiêu cực và cạnh tranh không lành mạnh.
Hành nghề công chứng vẫn rối như canh hẹ
Ảnh minh họa
VPCC đang được thành lập “vô tư”?
Bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp) cho biết, theo quy hoạch công chứng của Pháp, nếu một CCV có 700 euro hoặc 600 vụ việc/năm thì có thể xem xét mở thêm VPCC với quy trình từ Ủy ban Quốc hội của vùng, Ủy ban Quốc hội quốc gia và cuối cùng là trình Bộ Tư pháp quyết định.
Hiện ở Việt Nam, các VPCC đang thành lập “vô tư” nên cần có bản đồ để quy hoạch phát triển công chứng phù hợp quá trình phát triển. Bộ Tư pháp cũng đang chỉ đạo chuyển giao quyết liệt vấn đề này, dự kiến đến 2020 các UBND xã không được chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Ông Đỗ Xuân Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Ninh cho rằng, khi quy hoạch phải căn cứ theo vùng miền và nhu cầu công việc trên cơ sở khảo sát như các tổ chức hành nghề công chứng bao nhiêu việc/năm, rà soát hệ thống các đơn vị ngân hàng để nắm được lượng việc tín dụng của địa bàn, các văn phòng đăng ký nhà đất để hình dung nhu cầu thành lập tổ chức hành nghề công chứng. Còn hiện nay, chúng ta vẫn đang làm theo kiểu “duy ý chí” khi quyết định có bao nhiêu tổ chức công chứng trên địa bàn.
Hành nghề công chứng không phải “để làm giàu do đó giữa VP và PCC không nên cứ “cạnh tranh” thẳng tay. Điều quan trọng của công chứng là để phòng ngừa rủi ro cho các hợp đồng, giao dịch, chứ không thể “chạy đua” doanh số” ông Hòa nhấn mạnh. Các tổ chức hành nghề dù là phòng hay văn phòng đều phải “làm quen” và xác định công chứng là “ngôi nhà chung” để đoàn kết. Thêm vào đó việc thành lập văn phòng phải theo tiêu chí “sát sao” hơn, chứ nếu xảy ra sự cố thì hậu qua rất phức tạp nên cần thiết chế kiểm soát.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng Bùi Đình Hiện, tiêu chí đầu tiên đối với các tổ chức này là lượng việc, nhu cầu tại từng vùng miền. Hải Phòng từ lâu đã muốn thành lập tổ chức công chứng lưu động nhưng vì mỗi tổ chức chỉ có một con dấu. “Nếu mỗi CCV có một con dấu thì chúng tôi sẽ “điều” họ đến vùng sâu vùng xa để lo cho dân. Nếu thành lập thêm PCC thì nhiều địa phương không muốn do tăng thêm biên chế, ngân sách khi đã có chủ trương xã hội hóa.”, ông Hiện nói.
PCC: không nên cứ phải “ôm” mãi vùng khó khăn
Ông Tuấn Đạo Thanh (PCC số 3 Hà Nội) thì cho rằng, “Xã hội hóa hoạt động công chứng không nên tạo mảnh đất màu mỡ cho VPCC và không thể cứ để PCC “ôm” Ba Vì, Sóc Sơn, còn Hoàn Kiếm, Ba Đình để VPCC “tung hoành” mà nên hỗ trợ thành lập VPCC ở những địa bàn khó khăn”. Việc xem xét đánh giá các tổ chức hành nghề công chứng không theo doanh thu mà theo vụ việc, VPCC có nhiều nhân viên khác với VPCC chỉ có một hoặc vài nhân viên.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh (PCC số 2 Hà Nội), lượng việc phản ánh khả năng CCV, tổ chức hành nghề công chứng và nhu cầu công chứng ở địa phương. Ngoài ra khi lập quy hoạch cũng cần tính đến đặc thù của một số địa phương như Hà Nội, TP HCM. Còn tiêu chí doanh thu ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều vấn đề, khó xác định vì rất “vô cùng”. Có những tổ chức công chứng doanh thu cao dù lượng việc không nhiều nên doanh thu không phản ánh đúng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhu cầu, lượng việc. Nếu lấy 100-300 triệu thì số tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Đặng Mạnh Tiến (PCC số 4 Hà Nội) khẳng định, nếu không quy hoạch thì “phong trào” ngầm nộp hồ sơ để mở VPCC tại Hà Nội vẫn diễn biến ghê gớm. Sự phát triển ào ạt như thời gian qua cũng đã có những hậu quả xã hội. Do đó cần phải có tiêu chí cụ thể và làm thế nào để quy hoạch tổ chức công chứng. Tiêu chí số lượng hợp đồng và doanh thu không chính xác lắm. Số lượng năm tổ chức trên một quận là hợp lý với khoảng cách tối thiểu là ba km. Vấn đề “đau đầu” hiện nay chính là việc quy hoạch ở các thành phố lớn, thậm chí đã có câu chuyện “mua bán những VP hoạt động yếu kém”. Không thể cứ “cởi mở” để “trăm hoa đua nở” như hiện nay. Hà Nội có 12 quận, huyện chưa có VPCC. Nội thành địa giới cố định, ngoại thành không ai muốn thành lập vì không có nhiều nhu cầu nhưng hạn chế chính lại là ở các quận nội thành.
VPCC: đừng để phải “tỵ” với PCC
Đại diện VPCC Nguyễn Tú khẳng định, nếu xét theo tiêu chí doanh thu thì sẽ rất khó có thể xác định. Các VPCC có mức thu khác nhau vì tự quy định theo luật nên doanh thu và công việc và nhu cầu công chứng không thực sự tương đồng. Ở Pháp mấy tháng mới công chứng xong một hợp đồng, không phải 45-50 hay mấy ngày ở như Việt Nam. Doanh thu không phản ánh được nhu cầu công chứng và công việc. Công chứng viên Nguyễn Tú cho rằng, cần cân nhắc đặt quy hoạch “giãn ra”, tránh tình trạng hai tổ chức công chứng gần nhau nhưng ở hai địa phương khác nhau.
VPCC cũng phải tự điều tiết theo nhu cầu công việc và nên ưu tiên thành lập tổ chức cho những CCV “chuyên nghiệp” có thâm niên (từng làm ở PCC) được thực hiện nghề, không thể để họ đi làm thuê cho những CCV “chuyển ngành” trên cùng địa bàn, thời điểm thành lập. Hậu quả xã hội gánh chịu là những CCV chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp, thậm chí còn bị ảnh hưởng bởi đạo đức nghề nghiệp. Còn nếu để các PCC thành lập chi nhánh thì các VPCC sẽ “tị”, đòi thành lập để mở rộng địa bàn hoạt động.
Còn ông Chu Văn Khanh (VPCC A1), nếu để thành lập ồ ạt thì các VPCC không mạnh về cả tài chính, khả năng nên khó tụ lại để có tiếng nói với các nhà hoạch định chính sách. Cũng nên thành lập các tổ chức hành nghề công chứng ở vùng sâu vùng xa để phục vụ người dân nhưng cần xác định nhu cầu công chứng trên cơ sở đầu việc còn các tiêu chí khác chỉ phụ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật