Đột nhập vào thế giới mang tên “nhà nghỉ”

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không chỉ đơn thuần là dịch vụ cho khách thuê phòng để nghỉ ngơi, bằng cách này hay cách khác, những ông chủ của nó đang biến nơi đây trở thành thiên đường với đầy đủ các “dịch vụ gia tăng” cho các “thượng đế” thích được phục vụ, chiều chuộng từ A tới Z.
Đột nhập vào thế giới mang tên “nhà nghỉ”
Nhiều "thượng đến" tìm đến nhà nghỉ không phải để nghỉ ngơi mà để được phục vụ "từ A đến Z" (Hình minh họa)

Người người, nhà nhà… làm nhà nghỉ

“Bây giờ cần tìm nhà nghỉ cũng dễ dàng như đi chợ, chọn mua mớ rau, quả cà vậy” – tay lái xe ôm, trạc ngoại tứ tuần, nằm vắt vẻo trên chiếc Dream tàu cũ kỹ đậu gần cổng trường Đại học có tiếng là nơi “sản sinh” và cung cấp nhiều “hàng” (gái gọi – PV) hạng sang cho các “đại gia” có tiền cho hay.

“Đấy, giờ chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, nhìn đâu cũng thấy những là massage, tẩm quất, gội đầu, karaoke, nhà nghỉ, hotel. Người hiền lành chăm chỉ, không khéo loanh quanh cũng dễ dàng “dính” vào mấy cái trò gái gú, cờ bạc ở những cái “thiên đường” ấy như chơi”.

Với thâm niên hàng chục năm bám đường, bám phố, làm đầu mối trung gian chở khách đi “chơi”, tay này chẳng ngại ngần “quảng cáo” cho tôi những chốn “bồng lai” tại “hạ giới” ngay giữa lòng Thủ đô. Với cái giọng điệu đầy hào hứng pha chút châm biếm, hắn chậm rãi vừa kể vừa bấm đầu ngón tay: “Bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng đã quá “nổi tiếng” rồi nè. Gần ngay đấy, chú em thích lượn thì lên, làm một vòng dọc đường Bưởi, nhà nghỉ cứ gọi là li-mít, chi chít. Đâm sang đường Láng, chỗ “ngã ba trung chuyển”, đoạn giao nhau với đường Nguyễn Chí Thanh, trong con ngõ 100 và phía đối diện bên kia đường là vô số những nhà nghỉ, quán karaoke, tẩm quất, gội đầu, từ sáng đến tối đèn xanh đèn đỏ, mập mờ như chỉ có chờ phục vụ khách thôi”.

Phía bên kia bờ sông Tô Lịch, nằm sâu trong những con ngõ ở đường Nguyễn Khang, ăn thông qua con ngõ 80 Trần Duy Hưng và khu vực lân cận, việc tìm nhà nghỉ còn dễ hơn nhiều so với việc tìm một tiệm cắt tóc hay một quán ăn” – hắn vẫn cứ thao thao bất tuyệt: “Rồi phía khu vực Đầm Trấu của Hai Bà Trưng, ở phía cửa khẩu An Dương, đường Yên Phụ, Nghi Tàm, Kim Đồng, phố Vọng đâm sang phía bến xe Giáp Bát trên đường Giải Phóng đều là điểm tập trung lượng nhà nghỉ đông kinh khủng luôn”. Như thấy mình còn bỏ quên một điều gì đó vô cùng quan trọng, người này còn bồi thêm: “Chết, còn cái khu Gia Lâm mới thực sự xứng đáng với danh hiệu “vua” về số lượng nhà nghỉ hiện nay trên địa bàn Hà Nội”.

Chưa bao giờ người dân Thủ đô lại chứng kiến cái cảnh nhà nhà, người người làm dịch vụ đông đến vậy.

Tò mò, chúng tôi lần đến một trong những địa điểm mà tay xe ôm kia, trong lời kể cứ miên man, bất tận của hắn có liệt kê ra. Để rồi mới vỡ lẽ vì sao mà nhà nghỉ, khách sạn cứ mọc lên như “nấm sau mưa rào”, san sát nhau đến nhức mắt mà nhà nào cũng đông, cũng “cháy” như mỗi dịp Valentine, Tết dương lịch. Và kể cả ngày thường cũng cứ “cháy”.

Chọn địa điểm khảo sát đầu tiên là khu vực Đầm Trấu (Hai Bà Trưng), chúng tôi quyết định sẽ “ăn nằm”, luẩn quẩn quanh khu này trong khoảng thời gian mà theo như hắn nói là ít khách nhất với các nhà nghỉ là buổi sáng, qua trưa đến đầu giờ chiều. Chẳng ngờ khách tới nghỉ tại đây vẫn rất đông.

Hơn 4 giờ đồng hồ “mài đũng quần”, lê la trà đá trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều, chỉ tính sơ sơ tại địa điểm chúng tôi chọn quan sát, số lượng khách vào nghỉ cũng đã lên tới cả trăm người. Trong đó, hầu hết họ đều đi có đôi, có cặp. Người ra người vào, kẻ nhanh người chậm xem chừng tấp nập, đông vui lắm!

“Trò hề” diễn mãi không chán

Và tại đây, trước sự ngỡ ngàng của “những kẻ ngoại đạo” là chúng tôi, người ta cứ diễn đi diễn lại cái vở kịch vừa nhố nhăng, vừa nực cười. Để cuối cùng mục đích nhân vật chính nhằm che giấu đi những ánh mắt tò mò của thiên hạ tưởng như thành công mỹ mãn mà hóa ra dở tệ.

Này nhé, thường là kẻ tới trước năm, mười phút, người tới sau ngó nghiêng, ngơ ngác tí rồi chạy tót vào trong nhà, điệu bộ hớt hơ hớt hải. Có “diễn viên” thì gần như quen bài, chẳng cần đắn đo, phóng vọt vào trong, chẳng cần mấy cậu nhóc “giữ nhà” dắt xe. Kể cũng phục cái cách bố trí của mấy anh làm dịch vụ này. Nhà bố trí hai lối đi khác nhau. Kẻ đi lối này, người vào lối kia cho nó tiện, khỏi phải giáp mặt nhau, dễ bị lộ lắm! Có cặp thì hoành tráng đi taxi tới, có người thì đi bộ. Và suýt nữa tôi đã không nhịn được cười nếu không có anh bạn bên cạnh lườm nguýt một cái rõ dài khi nhìn thấy có cô còn mang theo cả bánh mì bọc giấy báo theo để lên phòng nghỉ “gặp người quen, trao đổi tí chuyện”.

Với cái nhìn hạn hẹp và thiển cận của mình, tôi áng chừng các “diễn viên” này đều trong sàn tuổi từ hăm sáu đến trạc tứ tuần, cũng có cặp trông khuôn mặt có lẽ đã xấp xỉ 50 tuổi. Họ ăn vận rất chỉnh tề, áo quần thẳng nếp, người nào cũng túi xách tay hay cặp, ca-táp mang bên mình. Đa phần đều là “người cũ”, khách quen bởi bãi đỗ xe ở mãi trong nhà, lối lên rất cao, song hầu hết đều tự nhiên, thoải mái phóng thẳng xe vào trong.

Vì quá chú ý quan sát diễn biến nên chúng tôi quên khuấy đã ngồi “cháy” cả chỗ của chị bán nước cạnh đó. Có lẽ do đó mà người chủ nhà nghỉ và cả chị chủ quán đều sinh nghi. Lúc đầu bà chủ và hai cậu bé có vẻ không chú ý lắm. Tuy nhiên, đến gần trưa, mặt trời đứng bóng, vẫn thấy chúng tôi ở đó, họ cứ đi ra lại đi vào, không quên dành cho chúng tôi những cái nhìn hằn học. “Bây giờ thời buổi hiện đại, yêu người ta cũng tranh thủ, ngủ cũng khẩn trương mà” – một lái xe taxi ngồi uống nước cạnh tôi, chậc lưỡi cho biết.

Toàn là cánh văn phòng chứ đâu mà phải trố mắt ngạc nhiên” – H, một tay “sành” về “mấy khoản nhà nghỉ” vừa mới chạy xe tới, cùng ngồi trà đá với chúng tôi cho hay.

Đồng hồ trên tay đã điểm đúng 13h, vừa mệt mỏi vừa đói thì tôi quan sát thấy có một người đàn ông tuổi đã ngoài 50 lái chiếc xe Wave RS lao thẳng vào nhà nghỉ ĐHI. Ngay lập tức, người chủ nhà nghỉ ập tới, đon đả mời chào và sai hai cậu bé dắt xe cho khách. Người đàn ông ghé tai nói nhỏ gì đó với bà chủ.

Ngay sau khi ông này lên phòng, bà vội vã đi bộ ra ngoài. Lát sau về lại thấy xe máy lao đi. Khoảng hơn 10 phút sau, một chiếc xe taxi tiến tới nhà nghỉ, mở cửa bước ra là một cô em váy đỏ, dáng người chỉ khoảng 30. Bà chủ ra đón cô này, thái độ có vẻ khẩn trương lắm!

Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, H. xuống giọng, thì thầm với tôi: “Phòng ở đây có nhiều loại lắm, thuê theo giờ chỉ 50.000 đồng/2 tiếng và 10.000 đồng cho mỗi tiếng tiếp theo. Thuê cả ngày cả đêm thì dao động từ 150 – 200.000 đồng. Mà nếu có “hàng” thì phải thật là quen thì người ta mới “giúp” đấy, chứ đâu phải là muốn là được đâu”.

Các nhà nghỉ mọc lên như nấm và nhiều ông chủ sẵn sàng phục vụ nhu cầu từ A đến Z của các thượng đế (Hình minh họa)

Những cô em “chân dài” dịu êm và dữ dội

Anh bạn tôi đã suýt lao vào quyết ăn thua với mấy em này vì “cái tội chưa làm gì đã bổ vào đầu người khác” những câu nói khó nghe, chua chát. Tôi dịu giọng khuyên cậu bạn: “Cũng phải thôi, các em ấy nói thế là để tự vệ, chắc là bị đùa nhiều nên mới tức tối chửi oan mày thôi, bình tĩnh đi”.

Rời địa điểm Đầm Trấu, chúng tôi tiếp tục tới bến xe Giáp Bát, nơi mỗi ngày có cả trăm ngàn con người qua đây với suy nghĩ vẫn là để mục sở thị cảnh làm ăn của các nhà nghỉ quanh đây và kiểm chứng luôn những lời tay lái xe ôm kia vừa “khua môi múa mép” với tôi. Lúc này là 20h30. Còn sớm, hai anh em tạt vào làm chầu trà đá nữa của một chị bán nước cạnh cổng ra vào bến xe, phía đối diện chỗ chị ngồi là la liệt những biển hiệu nhà nghỉ đèn điện sáng chói, màu sắc bắt mắt.

Thấy mấy em xinh tươi cứ ngồi trên chiếc xe Wave S dựa cạnh nhau phía ngoài đường Giải Phóng chẳng biết là đợi ai hay làm gì, cậu bạn tôi đâm tò mò, định tiến tới dò xét, chưa kịp hỏi thì bị “đánh ngập đầu” với những câu như này: Đây không phải là gái đâu mà cứ rình mò mãi thế nhé! Cái đó thì kiếm chỗ khác.

Vì nằm sâu bên trong đường chính, nên để có nhiều khách vào, các chủ nhà nghỉ ở đây thường xuyên bố trí “các em xinh tươi” ra chào mời họ vào nhà nghỉ. Hiện nay, ở bến xe Giáp Bát tối nào cũng có gần chục cô như thế “đứng đường mời khách”.

Các cô tuổi đời từ 20-23, mặt mũi xinh xắn, đứng ngồi trên những chiếc xe máy thành một hàng, chỉ chờ có người là lao tới mời chào. Sẵn xe, khách nào có nhu cầu là các em đèo đi liền, kẹp 3-4 vô tư. Cũng chính bởi cái dáng ưa nhìn, lại đứng đường vẫy khách nên các cô “thường bị người ta hiểu nhầm là gái làng chơi”. “Bọn em ở đây là làm thuê hết. Em quê Yên Bái, làm ở đây được 2 năm rồi. Tháng được chủ nhà trả cho 1,5 triệu” – mới 20 tuổi nhưng H ăn nói khá chững chạc, mái tóc cắt khá kiểu cách, nhuộm đỏ hoe, miệng lúc nào cũng nhóp nhép kẹo cao su, H cho biết mấy chị em ở đây thường xuyên “bị người ta hiểu nhầm như thế, nhưng lâu dần cũng quen rồi”.

Mấy nhà nghỉ của các cô này, mới tối và trong ngày thường như thế này mà cũng gần như kín phòng. Các phòng VIP (khoảng từ 150-200.000 đồng/đêm) đã hết. Chỉ còn một, hai phòng bình dân giá 50-70.000 đồng/đêm cho thuê. Tất nhiên là giá cả luôn đi kèm với chất lượng (phòng nhỏ, giường gối tạm bợ, không ti-vi, không điều hòa).

Vỡ lẽ sau cuộc trò chuyện với con một nhà nghỉ

“Nếu mà cứ “sạch sẽ” làm ăn thì bao giờ mới mong khá lên được hả anh?” – L hất mái tóc tua dua, mái dài quá mắt, nhìn chúng tôi từ từ giải thích: “Lấy nhà em làm ví dụ nhé. Bố mẹ em có một nhà nghỉ hơn chục phòng hoạt động được vài năm nay rồi. Giá phòng trung bình khoảng 100.000 đồng/phòng. Với 2 lễ tân, một lo dọn dẹp phòng, lương tháng trung bình mỗi người 1,8-2 triệu đồng, trừ hết tiền thuê người làm, điện nước… tháng nào lãi nhất cũng chỉ được dăm chục triệu đồng.

Sở dĩ L khá cởi mở và “rút ruột” tâm tình với anh em tôi bởi mới đây thôi, từ một mối quen biết, anh bạn cùng đi với tôi có quen và được dịp ngồi sau lưng, đi “bay” (đua xe máy) cùng với L. Nhà giàu, bố mẹ trí thức, có học hành nhưng L lại “nổi tiếng” vì “thành tích” đua xe, đi nhà nghỉ khắp đất Hà Thành. Và cũng chỉ lấy đó là niềm đam mê cho những ngày tháng “phiêu dạt giang hồ để nếm trải mùi đời” của mình, chứ như lời L quả quyết cậu chưa từng biết tới “hàng” và cũng chưa bao giờ tự đánh mất mình trong cơn “phiêu diêu” cùng thứ bột màu trắng chết người mang tên ma túy hoặc đắm chìm trong thế giới của những con nghiện lô đề, cờ bạc.

Chẳng giấu để làm gì, L cho biết: “Hà Nội này bây giờ, nếu mà xét về dịch vụ nhà nghỉ, thịnh nhất vẫn phải kể tới Gia Lâm. Khu Trần Duy Hưng, Trung Kính mấy năm nay cũng khá khẩm chẳng kém. Nhưng mà em nói thật, nếu chẳng thêm cái món “hàng họ” thì hơi đâu mà nhà nghỉ lại mọc nhiều lên đến thế. Mỗi tháng mấy cái “dịch vụ gia tăng” kia mới thực sự là “hốt bạc”, “hái ra tiền” đến cả đôi ba trăm triệu cho chủ của nó” – Rồi cậu chàng tặc lưỡi: “Cứ như kiểu ông bô, bà bô (bố mẹ cậu) làm thì có mơ cũng chẳng nghĩ ra số tiền đến thế”.

Những tháng ngày lăn lộn, vật vã trên mấy “chú ngựa sắt” tìm cảm giác hưng phấn sau cuộc “độ xe”, L hay “dạt vòm”, mặc kệ bố mẹ khuyên bảo, gọi điện bảo về nhà. Mới tròn 19 nhưng cậu thuộc vanh vách mấy tụ điểm tập trung đông “hàng” tại Hà Nội: “Như ở khu vực cửa khẩu An Dương, gần mấy cái nhà nghỉ Valen…, toàn phòng VIP, anh thích em dẫn vào. Chỗ đó thì lúc nào “hàng” cũng sẵn, giá tầm 250.000 đồng/đêm, chưa tính tiền phòng. Mà nói chung giờ vào nhà nghỉ nào bây giờ mà không có cái “món” ấy thì mấy anh em chắc gì đã chịu ở”.

Theo Cảnh sát toàn cầu

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật