Bộ đề tham khảo dưới góc nhìn của những nhà quản lý giáo dục đại học

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo thi THPT 2017, nhiều thầy cô giáo đã đánh giá cao tính phân loại của bộ đề.
Bộ đề tham khảo dưới góc nhìn của những nhà quản lý giáo dục đại học
Ảnh minh họa

Bởi ngoài việc đảm bảo được lượng kiến thức bao quát, bộ đề còn đảm bảo được mục tiêu “2 trong 1”; cấu trúc đề đáp ứng tốt cho yêu cầu đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, qua đó góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà toàn Ngành đã và đang triển khai theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ đề đáp ứng tính phân loại

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - chỉ rõ: Bộ đề thi tham khảo thi THPT 2017 được xây dựng theo hướng tích cực và dựa vào việc đánh giá năng lực người học (tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức). Vì vậy, bộ đề được các nhà chuyên môn đánh giá tốt cũng là điều dễ hiểu, khi đã loại bỏ được những phương thức thi cử và học kiểu cũ.

“Cá nhân tôi nhận thấy, các câu hỏi trong đề thi tham khảo đã khai thác trọng tâm vào những vấn đề cơ bản nhất, đồng thời cũng có các mức độ về sự vận dụng phong phú, cách hỏi mới, những bài toán có yếu tố thực tiễn... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực thật sự của thí sinh và tương lai là sinh viên. Điều này sẽ đòi hỏi cả người dạy và người học cần có sự động não, đổi mới tư duy, phương pháp dạy và học để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh yêu cầu đổi mới thực sự” - TS Trần Đình Lý nhận xét.

Nhìn nhận một cách khách quan, kết hợp so sánh đối chiếu bộ đề tham khảo năm 2017 với các dạng thức đề minh họa thi THPT những năm trước, TS Triệu Thị Huệ - nguyên tổ trưởng tổ Văn, phụ trách khối Văn, Sử, Địa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) - cho rằng bộ đề tham khảo lần này đáp ứng rất tốt 3 tiêu chí: Tính phân loại cao, độ bao phủ kiến thức nền rộng và đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt kiến thức - kỹ năng nơi HS.

TS Triệu Thị Huệ phân tích: Điều tôi đánh giá cao ở bộ đề chính là tính phân loại HS rất rõ. Với HS có nền kiến thức chắc một chút, việc các em đạt điểm 5 - 6 là điều không quá khó, bởi nội dung đề có lượng kiến thức cơ sở chiếm khá nhiều. Nhưng để đạt điểm 7 và 8 (mức điểm có cơ hội trúng tuyển ĐH cao) thì đòi hỏi HS phải có sự vận dụng kiến thức và kỹ năng tốt. Với lối ra đề theo hình thức “ma trận” phân tầng độ khó theo mức độ rõ rệt, không đánh đố nhưng đòi hỏi lượng kiến thức nhất định nơi HS, đây rõ ràng là một bộ đề tốt. Việc đề thi thật vẫn sẽ theo cấu trúc ổn định như thế này, chắc chắn sẽ giúp cho cơ cấu điểm các môn thi (gắn với lượng thí sinh) được phân bổ hợp lý và tất nhiên công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ sẽ thuận lợi hơn nhiều, bởi phổ điểm thi sẽ có sự phân loại cao thấp rõ ràng.

Thực tế, ngay sau khi công bố bộ đề tham khảo, đồng thời tiếp nhận các đánh giá, góp ý của các chuyên gia giáo dục, đội ngũ nhà giáo một cách cầu thị, thẳng thắn, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các đơn vị, cục, vụ chức năng phân tích và đánh giá lại toàn bộ bộ đề với quan điểm: Đổi mới trong phương thức thi cử, nhưng vẫn đảm bảo đòi hỏi việc kiểm tra lượng kiến thức nền của HS, đồng thời thể hiện tính phân loại cao. ThS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho rằng: Dạng thức đề thi của bộ đề tham khảo năm nay là phù hợp cho yêu cầu đổi mới. “Chính tính thực tế được đưa vào trong dạng thức đề thi mới năm 2017 sẽ đòi hỏi HS phải nắm chắc kiến thức, vững tư duy và kỹ năng. Song song đó, việc phân hóa trình độ cao trong đề thi cũng sẽ giúp các trường có phương thức ôn tập cho HS phù hợp hơn, tránh sự học lệch, học tủ” - ThS Lê Lâm nhận xét.

Tạo thuận lợi lớn cho các trường trong công tác xét tuyển

Theo TS Trần Đình Lý, mức độ cạnh tranh vào ĐH, đặc biệt của các trường tốp trên, là rất cao, chênh nhau và cạnh tranh nhau từng 1/4 điểm. Do đó, với phổ điểm (dự báo) từ bộ đề tham khảo có thể thấy sẽ là cuộc cạnh tranh lớn của thí sinh các trường, bởi để đạt điểm 8, 9 hay điểm tuyệt đối sẽ không dễ dàng. Tuy vậy, TS Trần Đình Lý cho rằng, bộ đề đáp ứng được yêu cầu cho công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Bởi theo ông, chính sự phân hóa rõ nét trong từng đề thi mà Bộ GD&ĐT công bố, sẽ là cơ sở để dự báo được phổ điểm, phân khúc cho các trường. Trong đó, thí sinh có mức điểm 15 - 18 sẽ chiếm tỉ trọng cao… sự phân loại cho các ngưỡng điểm trên nữa (19 - 30) sẽ phụ thuộc phần lớn vào năng lực và kỹ năng thực tế của từng thí sinh.

Với góc nhìn của cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) - cho biết ông hoàn toàn ủng hộ dạng thức của bộ đề mới. Bởi theo ông, bộ đề không chỉ đảm bảo được các yếu tố cơ bản trong việc test (kiểm tra) kiến thức của HS, đảm bảo ngưỡng nền (điều kiện) để các em bước chân vào cánh cửa đại học, mà quan trọng hơn bộ đề thi minh họa thể hiện rõ mục tiêu đổi mới triệt để, toàn diện của ngành. Đặc biệt, với cơ cấu phân phối kiến thức trong từng đề thi, độ phân loại trình độ thí sinh rõ rệt (chắc chắn thể hiện qua phổ điểm) cho thấy rõ sự tâm huyết và tính toán rất kỹ của Bộ GD&ĐT.

“Đánh giá từ các chuyên gia giáo dục, giáo viên bộ môn các môn thi THPT quốc gia 2017 những ngày qua cho chúng ta thấy rõ điều đó. Việc phân loại thí sinh không chỉ giúp các trường chọn lựa được HS phù hợp với mình, mà còn giúp các em “định vị” được năng lực, nhận thức rõ việc mình cần phải học ở trường ĐH nào” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

“Học ĐH, muốn tốt nghiệp cần đạt 3 chuẩn cơ bản về đầu ra: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các trường ĐH đang trong bối cảnh và xu thế cải tiến nội dung chương trình và phương pháp dạy - học phù hợp với thực tiễn, với nhu cầu thị trường lao động. Do đó, việc tăng cường nhiều các câu hỏi, các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống, tư duy, khả năng vận dụng và áp dụng của bộ đề mới công bố không chỉ giảm việc đánh đố, học tủ nơi HS, mà còn đảm bảo được tiêu chí phân loại, giúp các trường chọn lựa được HS phù hợp với mình” - TS Trần Đình Lý phân tích.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật