“Gáo nước lạnh”của ông Trump “dội” vào OPEC

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đề xuất bán một nửa dự trữ dầu thô chiến lược của Tổng thống Donald Trump chẳng khác nào đã “dội” một “gáo nước lạnh” lên các nỗ lực cân bằng thị trường, thắt chặt nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nói chung và đồng minh Arập Xêút nói riêng.
“Gáo nước lạnh”của ông Trump “dội” vào OPEC
Cơ sở trữ dầu Bryan Mound của Mỹ ở hạt Brazoria, bang Texas

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra một đề xuất gây sốc cho cả thị trường năng lượng: Bán một nửa dự trữ dầu thô chiến lược của Mỹ. Theo dự thảo kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng công bố vào cuối ngày 22-5, Mỹ định bán dần dầu từ Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này bắt đầu từ tháng 10-2018 để huy động 16,5 tỉ USD. Dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ hiện đang chứa 688 triệu thùng dầu, là kho dự trữ dầu lớn nhất thế giới, đủ để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong 1 tuần.

Dự thảo kế hoạch này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Trump rời Arập Xêút - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC và cũng là một đồng minh lâu năm của Washington. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trump kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng thời được đánh giá là mang tính lịch sử bởi thái độ trọng thị “chưa từng có tiền lệ” của Riyadh dành cho ông Trump.

Giá dầu đã giảm ngay lập tức sau khi thông tin trên được phát đi. Sau khi tăng vào phiên giao dịch buổi sáng ở châu Á, giá dầu thô Brent hôm 23-5 đã đảo chiều tăng điểm và ở mức 53,71USD/thùng vào lúc 2 giờ 8 (giờ GMT), giảm 16 cent, tương đương với 0,3%, so với giá đóng cửa gần nhất. Giá dầu WTI theo hợp đồng kỳ hạn cũng giảm 13 cent, hay 0,3%, xuống 51USD/thùng.

Trước hết, xin nói thêm về Dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ.

Sau “cú sốc” dầu mỏ những năm 70 của thế kỷ trước, khi nguồn cung cấp dầu mỏ bị cắt trong suốt thời gian xảy ra vụ OPEC thực hiện cấm vận dầu mỏ với bất cứ nước nào đã ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa nước này với Ai Cập, Syria và Jordan, các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó có Mỹ, đã bắt đầu xây dựng các kho chứa SPR. Dự trữ dầu chiến lược phải đủ để đáp ứng được nhu cầu của một quốc gia trong 90 ngày, nhằm giảm thiểu tình trạng nguồn cung ứng dầu mỏ tạm thời bị gián đoạn.

Trong lịch sử, Mỹ từng rút dầu từ SPR giữa lúc có mối lo ngại về nguồn cung dầu vào thời kỳ đầu chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và sau khi siêu bão Katrina làm gián đoạn sản lượng khai thác dầu từ Vịnh Mexico năm 2005. Đến năm 2011, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung dầu từ Libya bị mất khi xảy ra can thiệp quân sự của phương Tây vào quốc gia Bắc Phi này, Mỹ cũng phải sử dụng đến dầu từ SPR.

Vào tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc bán 2 tỉ USD dầu thô từ SPR để trang trải chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Bộ Năng lượng Mỹ đã bán 6,4 triệu thùng dầu trong tháng 1 và 10 triệu thùng dầu trong tháng 2 vừa qua.

Việc Mỹ bán bớt dầu thô trong SPR để huy động vốn, do đó, là không bất thường. Hơn nữa, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng 49% trong 5 năm qua, nhờ sự bùng nổ của cách mạng dầu khí đá phiến và đang hồi phục mạnh mẽ nhờ giá dầu tăng cao, nên các kho SPR cũng sẽ sớm được lấp đầy. Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã ở mức 9,3 triệu thùng/ngày, cũng chẳng thua kém là mấy so với các nước khai thác dầu hàng đầu thế giới là Arập Xêút và Nga.

Tuy nhiên, động thái này làm suy yếu nỗ lực thắt chặt nguồn cung dầu mỏ toàn cầu của OPEC, bằng cách cắt giảm sản lượng trong năm nay và có thể lấn sang năm 2018.

Anas Alhajji - một chuyên gia phân tích dầu độc lập và là một nhà kinh tế học trong Diễn đàn Thị trường toàn cầu của Reuters nhận định, kế hoạch của ông Trump sẽ “làm phức tạp thêm các nỗ lực ổn định thị trường của OPEC”.

Trong khi đó, OPEC đang đạt được sự đồng thuận cao đối với đề xuất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết quý I/2018 của Arập Xêút và Nga. Iraq - 1 trong 2 quốc gia từng được xem là trở ngại chính đối với việc này hôm 22-5 đã nhất trí với Arập Xêút về nhu cầu cần phải tiếp tục cắt giảm sản lượng lâu hơn 6 tháng (tính từ sau ngày 30-6-2017 - thời điểm thỏa thuận ban đầu hết hạn).

Các kho chứa SPR của Mỹ nằm tại 4 địa điểm ven Vịnh Mexico, mỗi địa điểm nằm gần một trung tâm lọc và chế biến dầu mỏ. Một địa điểm gồm có một số hang nhân tạo được tạo thành các vòm muối bên dưới mặt đất. Các hang riêng biệt nằm trong một địa điểm có thể sâu 1.000m bên dưới mặt đất, có chiều rộng và dài trung bình là 60m, chiều sâu 600m, có khả năng chứa từ 6 đến 37 triệu thùng dầu (950.000-5.900.000m3).

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu bên dưới mặt đất để giảm thiểu chi phí vì chi phí cho việc này rẻ hơn 10 lần so với dự trữ trên mặt đất. Những lợi thế cho phương pháp này gồm có: không bị rò rỉ, lưu trữ dầu một cách tự nhiên hơn vì nhiệt độ trong các hang chứa dưới mặt đất không thay đổi nhiều. Các hang chứa được tạo nên bằng cách khoan sâu xuống mặt đất và sau đó hòa tan muối với nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật