Bài hát cuối cùng của Trịnh Công Sơn: Lời kinh tri ân với người ở lại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ mỗi dịp cuối tháng 3, các tín đồ của nhạc sĩ họ Trịnh lại nao nao đợi ngày 1/4 để nghe một cách nồng nàn nhất những ca khúc của ông, để nói lại lời chia tay với nhạc sĩ tài hoa mà họ đã nói cả 10 năm nay vẫn chưa hết tiếc nuối.
Bài hát cuối cùng của Trịnh Công Sơn: Lời kinh tri ân với người ở lại
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly những ngày đầu khởi nghiệp.

Cũng như trước khi rời "nơi ở trọ" của mình 10 năm trước, Trịnh Công Sơn đã lần cuối tri ân với đời bằng bài hát cuối cùng "Như một lời chia tay".
 
Tiếng hót cuối cùng của con chim họa mi

Nhiều người cho rằng đây là ca khúc giản dị nhất trong số những ca khúc giản dị của Trịnh Công Sơn, như một lời kinh cầu, như khi một buổi chiều, đi trên một con đường đất phẳng lặng, chỉ có cây xanh hai bên đường và những ngọn gió nhẹ đồng hành và khi đi đến hết con đường đó thì ai cũng hiểu rằng nói một lời chia tay êm dịu đấy mà nặng nề cả một kiếp người.

Tình yêu của Trịnh Công Sơn với cuộc sống, dù bế tắc hay chán chường, khi thiết tha hay nồng mặn, đều được đọc từ ca khúc của ông. Một đôi khi ông "bỗng thấy yêu thương mọi người" và muốn "gắn bó cuộc đời" hay khi thấy rằng "một đời về không hai tay quy hàng", rốt cục, ông vẫn cho rằng dù phải khổ đau hay hạnh phúc, người ta sống là phải yêu: "Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu (...) Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố". Có lẽ chính vì lẽ đó mà cho đến ca khúc cuối cùng của mình, Trịnh Công Sơn, một người yêu đến đau khổ vẫn khát rằng "làm sao biết từng nỗi đời riêng để yêu thêm yêu cho nồng nàn".
Năm 1990, Trịnh Công Sơn với câu hỏi mà ông cho là đã ám ảnh ông suốt cuộc đời: "Bài hát đầu tiên của anh là gì? Và bài hát cuối cùng của anh là gì", đã nói rằng ông không có ý định viết ca khúc cuối cùng vì thời điểm cuối cùng là điều ông không thể bắt gặp được, vì sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau: "Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn".

Nhưng rồi Trịnh Công Sơn đã viết và có lẽ ông biết rằng đó là bài hát cuối cùng của mình vì chính ông đã chủ động nói lời chia tay với cuộc sống. Ông đã có bài hát cuối cùng cũng như bài hát "Ướt mi" đầu tiên, bài hát đã được Dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản thu âm, bài hát mà cá nhân ông lại không lấy làm yêu thích.

Có nhiều người cho rằng cuộc sống thay đổi và đỉnh cao của Trịnh Công Sơn đã qua đi khi tuổi trẻ của anh cũng dần biến mất. Nhưng như một lời chia tay đã đưa ông trở lại với cái đỉnh cao mềm mại mà ông đã ngự trên đó bao nhiêu năm. Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả để rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào? Và dù Trịnh Công Sơn vẫn tự nhủ rằng sẽ không có ranh giới cuối cùng để tách chia ông với cuộc sống, bài hát cuối cùng vẫn đến, như tiếng hót trong trẻo cuối cùng của một con chim họa mi trước khi về với đất.

Lời kinh cho một đời yêu thương vất vả

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang nhiều âm hưởng Phật giáo. Bài "Như một lời chia tay" nghe như tiếng mõ vào buổi sớm mai, khi sương phủ trên hồ và ánh sáng trắng còn dè dặt nhưng cũng không thể không thấy những ngậm ngùi cả đời nghệ sĩ đã trải qua. MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng coi "Như một lời chia tay" là một bài hát để nghe mỗi khi phải giã từ một câu chuyện tình cảm, mỗi khi có chuyện buồn: "Với những bài khác thì phải khi gặp phải một tình huống nhất định, những éo le nhất định mới có thể cảm nhận hết thì với Như một lời chia tay, tôi có thể tụng như tụng kinh mỗi lần tôi buồn".

Tiếng nhạc nghe như tiếng mõ cầu kinh trong bài hát này lý giải cả sự bình thản của Trịnh Công Sơn với mọi nỗi buồn lẫn niềm vui, như thể điều gì tồn tại là điều có lý vậy. Nó cũng lý giải một tín đồ Phật giáo trong ông, ảnh hưởng của âm nhạc cũng như kinh cầu Phật giáo đến ca khúc của ông. Ông nói hết cả đời mình, từ thủa ngây thơ cho đến lúc thâm trầm, từ khi thấy "nắng đi vào mắt em" cho đến khi thấy "nắng buồn hơn mưa", trả lại cho đời hết đam mê khổ đau hay hào quang sung sướng.
Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung

Người vẫn được cho rằng có mối dây tình cảm với Trịnh Công Sơn, ca sỹ Hồng Nhung có lẽ muốn chia sẻ với ham muốn vô thủy vô chung của Trịnh Công Sơn cũng không nhìn "Như một lời chia tay" như bài hát cuối cùng. Cô chỉ cho rằng nếu chia nhạc Trịnh thành hai mảng, một là "tình", một là "thân phận" thì "Như một lời chia tay" đứng ở giữa đó, vừa rất tình, lại rất đời, như một lời vấn an cho thân phận, biết tình yêu là hữu hạn và những lần ra đi vội vã sau những yêu thương.

Vào dịp kỉ niệm 10 năm Trịnh Công Sơn rời bỏ "nơi ở trọ", Hồng Nhung cũng sẽ hát bài hát này, "tôi sẽ hát một cách giản dị với ghi ta thùng, ngay giữa không gian thoáng đãng, có trời có nước và có hàng ngàn người yêu nhạc của anh Sơn, tôi sẽ hát lên khúc hát "tình như nắng vội tắt chiều hôm...", để lại nỗi mong nhớ thành niềm đau da thịt "Tình vu vơ sao ta muộn phiền...", nhưng cho dù có nói lời chia tay, để "thân nhẹ nhàng như mây", thì thật ra, trong lòng vẫn còn thầm mong sự trở về nào còn xa xôi lắm: "Có những lần nằm nghe tiếng cười, nhưng chỉ là mơ thôi" và tôi sẽ thấy một tâm hồn mong manh trải ra nhè nhẹ. Ở đấy có chút giận hờn, chút e ngại xen giữa một tấm lòng chung thủy, một chút thiền cho nỗi ngóng đợi còn xôn xao..."

Trịnh Công Sơn đã trải qua nhiều biến cố của riêng ông và cả những biến cố của lịch sử, đủ để ông có thể nói rằng "bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều".

Hơn năm mươi năm trước ông có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, ông chẳng biết chắc có gì hạnh phúc? Bài hát cuối cùng dù mang lại cho ông điều gì, đó chắc chắn là tiếng kinh cầu ông không chỉ viết cho mình mình, còn nói hộ lời chia tay của nhiều người khi muốn nói lời tri ân với cuộc sống.

Như một lời chia tay

Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui

Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi

Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Tưởng chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật