CEO Suntory Pepsico: Chọn người nhiều ước mơ, muốn thay đổi

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững, CEO Uday Shankar Sinha chia sẻ công thức thành công sau “cuộc hôn phối” của 2 ông lớn nước giải khát từ 2 nền văn hóa khác biệt Nhật và Mỹ.
CEO Suntory Pepsico: Chọn người nhiều ước mơ, muốn thay đổi
Ảnh minh họa

- Gần 4 năm sau khi PepsiCo và Suntory về một nhà tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ một chút về cuộc hôn nhân giữa hai ông lớn ngành giải khát?

- Liên minh Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) ra đời vào tháng 4 năm 2013 giữa PepsiCo Inc và Suntory Holdings Limited. Sau 4 năm, tôi có thể tự hào khẳng định rằng đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nơi hai bên tìm thấy sự hoà hợp trong tầm nhìn, giá trị và triết lý kinh doanh.

Điều này thể hiện trong tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của chúng tôi đạt khoảng 20% suốt 4 năm qua và chúng tôi là một trong những công ty hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.

Khi liên minh chiến lược được hình thành vào năm 2013, đã có những sự lo ngại trong nhân viên về việc thích nghi từ văn hoá Mỹ (trước 2013 công ty thuộc 100% sở hữu của PepsiCo) sang văn hoá Nhật. Sau 4 năm, nếu bạn hỏi những người nhân viên đó, họ sẽ nói rằng họ đang cảm thấy hạnh phúc và yêu quý văn hoá công ty, nơi kế thừa những tinh tuý của cả PepsiCo và Suntory. Cả công ty và nhân viên đều được hưởng lợi.

Thành công doanh nghiệp không dựa vào máy móc

- Trong cuộc hôn nhân của Suntory với PepsiCo, bản thân PepsiCo đã phải điều chỉnh thế nào để tiếp nhận thêm yếu tố mới Suntory, nhất là sau khi doanh nghiệp có khoảng 23 năm hoạt động bền vững tại thị trường Việt Nam?

- Chúng tôi xem đây là cơ hội để công ty đón nhận những sự đổi mới và khác biệt. Cuộc sống luôn thay đổi, do đó tôn trọng những giá trị cũ và mới chính là nền tảng để SPVB xây dựng văn hoá của mình.

Lấy ví dụ, hệ thống giá trị của PepsiCo dựa trên nền tảng ‘Hành động có Mục đích’, trong khi đó hệ thống giá trị của Suntory dựa trên nền tảng ‘Chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng’. Cả hai đều quan tâm cùng một vấn đề nhưng cách thể hiện có đôi chút khác biệt.

Cốt lõi của vấn đề đều nằm ở việc quan tâm đến môi trường (đặc biệt là nước) cũng như sự phát triển bền vững của cộng đồng; điều này cũng là trọng tâm mà công ty theo đuổi để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Dù môi trường cạnh tranh càng ngày càng gay gắt, chúng tôi luôn giữ vững các giá trị côt lõi cũng như quy tắc ứng xử của công ty. Tập thể nhân viên của chúng tôi tin vào sự phát triển bền vững. “Chỉ bán những sản phẩm mà chúng ta tự hào”, “Chính trực trên thị trường”, hay “Đạo đức trong hoạt động kinh doanh”. Đó là những giá trị chung mà chúng tôi vẫn theo đuổi trong các mối quan hệ hợp tác suốt thời gian qua.

Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau viết nên một câu chuyện mới.

- Đổi mới không bao giờ là việc dễ dàng, nhất là với các đơn vị lớn, nhân sự nhiều. Đâu là lõi kết nối, đảm bảo sự gắn kết bền vững cho cuộc hôn nhân giữa 2 doanh nghiệp lớn, vốn gắn với 2 nền văn hóa tương đối khác biệt Nhật Bản và Mỹ?

Như tôi đã nói, cả Suntory và PepsiCo đều nhìn vào một mục tiêu chung đó là phát triển bền vững.

Cụ thể là công ty tiếp nhận công nghệ tiên tiến của Suntory Nhật Bản để tạo ra sản phẩm mới với chất lượng cao cung cấp cho người tiêu dùng. Ví dụ điển hình là việc ra mắt sản phẩm Trà Ô Long ra thị trường dưới nhãn hiệu TEA+ Plus. Đây là câu chuyện thành công nhất của liên minh kể từ năm 2013. 

Suntory và PepsiCo đều nhìn vào một mục tiêu chung đó là phát triển bền vững.

Ông Uday Shankar Sinha

Chúng tôi cũng tiếp thu và triển khai thêm một số hoạt động xã hội của Suntory đã tổ chức thành công ở Nhật Bản như dự án giáo dục tuyên truyền về nước “Mizuku - Em yêu nước sạch” để đóng góp cho cộng đồng tại Việt Nam.

Ông Uday Shankhar Sinha giao lưu cùng trẻ em khuyết tật.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa tốt đẹp của PepsiCo trong suốt hơn 23 năm qua.

Chúng tôi đã trải qua chặng đường 23 năm chinh phục lòng tin của người tiêu dùng Việt. Từ chỗ chỉ có 2 nhãn hiêu, 1 nhà máy, hơn 100 cán bộ nhân viên, tới nay, SPVB đã có đến 11 nhãn hiệu, 5 nhà máy sản xuất, hơn 2.800 lao động trực tiếp và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp thông qua hệ thống gồm 450 nhà phân phối cùng rất nhiều đối tác cung ứng của công ty.

Thành công đó là nhờ chúng tôi luôn hướng tới sự đổi mới, phát triển sản phẩm và cam kết chất lượng, sự quan tâm dành cho người tiêu dùng trong suốt hành trình của mình.

Phát triển các sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị trường, đón đầu xu thế tiêu dùng tương lai, qua đó thể hiện sự hiểu rõ văn hóa - con người Việt, mang đến những giá trị để đóng góp cho cuộc sống cộng đồng có thể xem là công thức thành công của chúng tôi.

- Việc giải quyết vấn đề tâm lý, sự bất an cho đội ngũ nhân sự thì sao, thưa ông?

- Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành M&A để tạo ra sự ổn định trong tổ chức và tận dụng được thế mạnh và nguồn lực của cả hai đơn vị.

Chúng tôi quan niệm một doanh nghiệp thành công không phải do dựa trên máy móc, thiết bị hiện đại hay những quy định, kiểm soát khắt khe mà là dựa trên sự cống hiến hết mình của người lao động. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện với lời cam kết “Sống trọn vẹn, phát triển toàn diện”, trong đó tất cả người lao động đều là thành viên đóng góp vào thành công chung của đại gia đình SPVB.

Đặc biệt là chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa công ty và giữ được niềm tin gắn kết của cán bộ nhân viên bằng việc đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng tôi định nghĩa văn hoá của doanh nghiệp qua sáu chữ cái ABCDEF, đó là Nhanh nhạy (Agility), Táo bạo (Bold), Quan tâm (Caring), Quyết đoán (Decisive), Đồng cảm (Empathy) và Hứng khởi (Fun).

Những kết quả này khiến chúng tôi lạc quan với kỳ vọng sẽ trở thành doanh nghiệp một tỷ USD vào năm 2019 song song với việc tiếp tục duy trì các giá trị của công ty.

Tổng giám đốc SPVB cùng cán bộ nhân viên nhà máy.Trao quyền để trải nghiệm

- Là doanh nghiệp có tệp khách hàng lớn là những người trẻ, liệu DN có quan ngại về nguy cơ già hóa, không bắt kịp nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ? DN giải bài toán về sự cân bằng giữa sự phát triển bền vững và nhu cầu làm mới, trẻ, để hiểu khách hàng thế nào?

- Với chiến lược phát triển bền vững, xây đắp từ nền tảng giá trị và niềm tin của công ty, chúng tôi luôn tin tưởng vào sự pha trộn của sức trẻ và những tư tưởng mới mẻ trong tổ chức.

Để có một lực lượng lao động tốt, công ty cần phải chú ý ngay từ quy trình tuyển dụng đầu vào. Mỗi vị trí tuyển dụng đều có mô tả chi tiết về yêu cầu cũng như tính chất công việc để đảm bảo tìm kiếm ứng viên phù hợp.

Bên cạnh việc tuyển chọn những người có kinh nghiệm, SPVB còn hướng đến các sinh viên mới ra trường - những người trẻ, có năng lực và năng động, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Chúng tôi tìm kiếm tài năng trẻ thông qua các chương trình tuyển dụng được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm.

Qua đó, công ty sẽ phát hiện, đào tạo và phát triển những tài năng trẻ, những sinh viên mới ra trường năng động, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn cao để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của SPVB.

- Cơ hội công việc cho người trẻ Việt Nam tại doanh nghiệp tỷ đô thế nào? Điều kiện cần và đủ để nhân sự được hãng chọn đầu tư là gì?

- Tại SPVB đang có vô vàn cơ hội mở ra và chúng tôi thật sự rất cần những tài năng trẻ.

Hàng năm, công ty có tiến hành chương trình Quản trị viên tập sự, Giám sát sản xuất tập sự hay Giám sát kinh doanh tập sự. Trong tháng 2 và tháng 3 năm nay, công ty đã và đang triển khai chương trình tuyển dụng Quản trị viên tập sự. Đây là chương trình được triển khai từ năm 2006 với mong mỏi ươm mầm tài năng trẻ để trở thành cây đại thụ mạnh mẽ trong tương lai.
Cho đến nay, các nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc, giữ vị trí quan trọng trong công ty đều trưởng thành từ chương trình này.

Tổng giám đốc SPVB trong chương trình khởi động cuộc thi Dynamic 2017.

Năm 2017, một lần nữa Quản trị viên tập sự của SPVB chào đón tất cả các bạn - những con người đầy ắp những ước mơ và khao khát được thay đổi. Chúng tôi sẽ giúp bạn phát huy toàn bộ khả năng của mình với những thử thách, những trách nhiệm và những cơ hội luân chuyển để trải nghiệm, từ đó phát huy thế mạnh của bạn.
Chúng tôi trao quyền để bạn có thể sống theo đúng với tinh thần của công ty “Yatte Minahare”, có nghĩa là “Go for it” (Tạm dịch: “Hãy trải nghiệm”), đón nhận những thách thức, vượt qua giới hạn của bản thân, trở thành những người tiên phong, cũng như trau dồi bản thân thông qua những kinh nghiệm thực tiễn trong công việc. Điều chúng tôi muốn thể hiện qua hai chữ đó là “Bạn có thể thất bại nhưng bạn không được sợ hãi.” Chỉ được mắc sai lầm một lần chứ không được mắc lại lần thứ hai. Hãy đến và trải nghiệm cùng chúng tôi tại SPVB!  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật